Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp huyện Cam Lộ đạt kết quả nổi bật

Chủ nhật - 25/02/2024 21:06
Những năm qua, huyện Cam Lộ tập trung huy động các nguồn lực, kết hợp nhiều chương trình, dự án để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến nông sản để tạo việc làm cho người lao động, tăng giá trị sản phẩm, hướng đến xuất khẩu... Nhờ đó, ngành nông nghiệp huyện Cam Lộ đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhất là cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), làm cho bộ mặt nông thôn và đời sống người dân ngày càng khởi sắc.
Huyện Cam Lộ phấn đấu phát triển trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị
Huyện Cam Lộ phấn đấu phát triển trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị

      Xác định đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn xây dựng NTM theo quy hoạch vùng huyện, xây dựng kết nối nông - công - thương bền vững là nhiệm vụ quan trọng, huyện Cam Lộ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Đến nay, huyện Cam Lộ duy trì và ổn định diện tích lúa hằng năm hơn 3.000 ha; lạc từ 500 - 700 ha; cây trồng hằng năm khác 350 - 400 ha; cây dược liệu từ 390 - 500 ha; cao su 4.297 ha; hồ tiêu 77,5 ha; cây ăn quả 142 ha. Đồng thời chuyển đổi một số diện tích đất hoa màu giá trị thấp, các vùng đất rừng có độ dốc thấp sang trồng cây ăn quả và cây dược liệu, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, từ đó tạo sự lan tỏa trong Nhân dân. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt 17.871 tấn, vượt so với kế hoạch đề ra. Hình thành một số vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương như cây nguyên liệu quế hồi với diện tích 137 ha; cây an xoa 17,7 ha... Chăn nuôi từng bước chuyển từ nhỏ lẻ quy mô hộ sang chăn nuôi trang trại liên kết, nâng cao giá trị gia tăng; hình thành được vành đai trang trại chăn nuôi tập trung. Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mới được hình thành, bước đầu cho kết quả tốt, đặc biệt là các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuỗi giá trị đối với cây dược liệu như: chè vằng, cà gai leo, an xoa, tràm năm gân.... Toàn huyện đã chuyển đổi trồng hơn 200 ha cây dược liệu và đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài nước để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu. Đáng chú ý là ký kết với thành phố Cal-Nev-Ari Hoa Kỳ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó phía đối tác sẽ hỗ trợ cho huyện xuất khẩu vào thị trường Mỹ các loại cao dược liệu, tiêu, gạo và các sản phẩm tiềm năng khác.
     Huyện Cam Lộ cũng đã kết nối xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Canada 3 đợt với sản lượng 3 tấn cao an xoa, mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp địa phương; ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần chế biến, xuất khẩu quế hồi Việt Nam trồng 137 ha quế; ký kết hợp tác với HTX Dược liệu Trường Sơn trồng 11 ha tràm năm gân bước đầu cho thu nhập hiệu quả..., phấn đấu đưa Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị. Nét nổi bật của sản xuất nông nghiệp huyện Cam Lộ thời gian qua là triển khai hiệu quả một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp mang hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã đề xuất tỉnh và các sở, ban, ngành nghiên cứu các mô hình khoa học công nghệ, nhân giống, trồng thử nghiệm cây quế hữu cơ, rau đay quả dài, tạo nguồn giống ổn định cho việc chuyển đổi cây trồng của địa phương; thử nghiệm, nhân rộng một số cây, con mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân như các loại cây dược liệu an xoa, tràm năm gân, lúa hữu cơ, tôm càng xanh, chăn nuôi gà thịt 18M1 an toàn sinh học. Hoàn thiện hồ sơ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Ổi Cam Lộ”; nhãn hiệu chứng nhận Dược liệu An Xoa Cam Lộ. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt kết quả nổi bật. Đến nay toàn huyện có 30 sản phẩm OCOP, chiếm gần 30% sản phẩm OCOP toàn tỉnh, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao, 13 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đang đề nghị trung ương công nhận 5 sao.
      Các sản phẩm OCOP chất lượng tốt được người tiêu dùng ưa chuộng, dần khẳng được thương hiệu nông sản Cam Lộ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật, các hình thức tổ chức sản xuất phát triển kinh tế nông thôn có nhiều đổi mới làm cho đời sống người dân ở các làng quê NTM phát triển tích cực. Đến nay, xã NTM nâng cao có tổng số tiêu chí đạt 114/133 tiêu chí (85,7%); 4 xã Cam Hiếu, Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022. Huyện Cam Lộ đến cuối năm 2023 cơ bản đạt các tiêu chí NTM nâng cao, phấn đấu đến cuối năm 2025 hoàn thành xây dựng huyện NTM kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao gắn với cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là động lực, tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ tiếp tục phấn đấu, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, góp phần xây dựng nông thôn Cam Lộ trở thành miền quê đáng sống.

Nguồn tin: Sưu tầm: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập55
  • Hôm nay14,160
  • Tháng hiện tại108,411
  • Tổng lượt truy cập8,518,053
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây