Từ năm 2011, khi được tỉnh Quảng Trị chọn là 1 trong 8 xã điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Mò Ó, huyện Đakrông xác định đây là 1 nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trên cơ sở khảo sát tình hình thực tế, xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hàng năm, lựa chọn những bước đi thích hợp, trong đó đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh và sản xuất như đường giao thông, thủy lợi, công trình nước sinh hoạt. Đồng thời hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích lúa nước, trồng lạc, hoa màu các loại và phát triển đàn gia súc, gia cầm. Ông Hồ Văn Do, Chủ tịch UBND xã Mò Ó cho biết: Vấn đề chúng tôi quan tâm nhất trong xây dựng nông thôn mới, đó là cùng với việc từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tập trung thực hiện các giải pháp để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động. Mặc dù gặp không ít khó khăn, toàn xã có 5 thôn nhưng có đến 4 thôn là đồng bào dân tộc thiểu số, trong lúc đó diện tích tự nhiên khá lớn, trên 2500 ha nhưng chủ yếu nằm ở địa hình phức tạp và điều kiện sản xuất không mấy thuận lợi song nhờ làm tốt công tác vận động đi đôi với hỗ trợ, nhất là mở các lớp tập huấn kỹ thuật nên người dân mở rộng diện tích và thâm canh, tăng năng suất lúa nước, lạc, ngô, sắn, dưa hấu, hoa màu các loại. Bên cạnh đó khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, hỗ trợ giống lợn, bò, dê và thức ăn cho hộ nghèo, đặc biệt đã xây dựng 1 số mô hình để bà con tham khảo, học tập. Điển hình như ở Thôn Phú Thành, 17 hộ đã thành lập nhóm trồng 2,1 ha sả, 5 hộ ở Thôn Phú Thiềng thành lập nhóm chăn nuôi dê. Chính nhờ vậy, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 33,4% cận nghèo còn 13% theo tiêu chí mới.
Cũng như Mò Ó, các xã trên địa bàn huyện Đakrông trong 6 năm qua đã tích cực triển khai các hoạt động, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ và lồng ghép từ nhiều chương trình, dự án và phát huy nội lực, cho đến nay, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 880 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng thời ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện các chính sách khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, an sinh xã hội, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, dạy nghề gắn với tạo việc làm, xây dựng nhà ở hộ nghèo và các chính sách khác. Ông Hồ Văn Hằng ở xã Hướng Hiệp không giấu được niềm vui nói với chúng tôi rằng: Trước đây chưa có đường giao thông, chưa có hệ thống thủy lợi, người dân ở đây chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy, tự cung, tự cấp, cuộc sống rất khó khăn. Thế nhưng bây giờ nhà nào cũng khai hoang đất bằng làm ruộng nước 2 vụ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, thâm canh, tăng năng suất. Bên cạnh đó mở rộng diện tích các loại hoa màu, trồng lạc, đậu xanh, trồng sắn, trồng rừng, phát triển chăn nuôi, thu nhập của từng hộ gia đình đã tăng lên rõ rệt, nhiều hộ đã thoát nghèo, có hộ vươn lên giàu có. Riêng gia đình ông ngoài mấy sào ruộng, chăn nuôi thêm lợn, gà, đặc biệt trồng hơn 30 ha rừng tràm lai, vừa rồi bán đi để trồng lại, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 600 triệu đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, không phải nơi nào cũng có đủ các công trình phúc lợi, các thiết chế văn hóa, nơi nào người dân cũng sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, việc xây dựng nông thôn mới ở Đakrông còn ngổn ngang bao khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho hay: Theo khảo sát mới đây, qua 6 năm thực hiện, hiện trên địa bàn mới có 2/13 xã đạt 9 tiêu chí, 3 xã đạt 8 tiêu chí, 1 xã đạt 7 tiêu chí, 4 xã đạt 6 tiêu chí và 3 xã đạt 5 tiêu chí. Bình quân 1 xã mới đạt 6,5 tiêu chí, đặc biệt có 10 tiêu chí chưa có xã nào đạt, đó là trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, giáo dục, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát điểm thấp và nguồn kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, diện tích tự nhiên khá lớn nhưng địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, điều kiện sản xuất không mấy thuận lợi, trong lúc đó tập quán canh tác của người dân vẫn còn lạc hậu, phương thức, quy mô, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới, chủ yếu là sản xuất nhỏ, phân tán, việc hợp tác liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm còn chậm. Mặt khác công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế của các cấp, các ngành còn có sự chồng chép, phối hợp chưa chặt chẽ, chưa làm tốt việc hỗ trợ cũng như giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất. Chính vì vậy thu nhập bình quân đầu người đến nay mới đạt trên 15,5 triệu đồng, còn 4814 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 51,5, 773 hộ cận nghèo, chiếm 8,3% theo tiêu chí mới. Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông nhấn mạnh: Theo kế hoạch đề ra, đến năm 2020 huyện Đakrông có 3 đến 4 xã đạt chuẩn xây dựng
nông thôn mới, xã thấp nhất cũng đạt 10 tiêu chí. Với 1 huyện nghèo thuộc diện 30a, để thực hiện mục tiêu này huyện Đakrông cần phải triển khai đồng bộ và quyết liệt các nhóm giải pháp. Nhiệm vụ trước tiên đó là tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung đề án xây dựng nông thôn mới và các đề án phát triển sản xuất phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của địa phương gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, quan tâm xây dựng hạ tầng 1 số tiêu chí chưa đạt. Đặc biệt tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tập trung chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất, ngành nghề ở nông thôn, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động, tăng cường liên doanh, liên kết 4 nhà, tạo ra nông sản hàng hóa có chất lượng cao và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, nhân rộng các mô hình thích hợp phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và trình độ sản xuất của người dân. Mặt khác tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân từng bước khắc phục tư tưởng trồng chờ, ỷ lại nhà nước, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở phụ trách công tác giảm nghèo cũng như củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ huyện đến xã, thôn bản.