Năm 2018, đào tạo nghề nông nghiệp cho gần 2.391 lao động nông thôn
Thứ sáu - 07/12/2018 03:21
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tiền đề quan trọng của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà mục tiêu trước mắt là xây dựng thành công nông thôn mới; là con đường có hiệu quả cao nhất, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp và nông thôn
Năm 2018, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hướng dẫn các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức 89 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với gần 2.391 học viên, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, trong khoảng thời gian 1-2 tháng. Qua các lớp tập huấn học viên đã tiếp cận được kiến thức mới về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chổ hoặc tự hành nghề để kiếm sống, có cơ hội du nhập vào việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy lao động sản xuất của người nông dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn...giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn của tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập như: Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, chọn nghề, định hướng phát triển nghề, vay vốn giải quyết việc làm sau học nghề chưa được chú trọng đúng mức; Công tác theo dõi, đánh giá sau học nghề của cơ sở dạy nghề và địa phương chưa kịp thời, nên việc đánh giá hiệu quả đào tạo nghề còn nhiều hạn chế; Một số địa phương chưa quan tâm quản lý học viên sau khi học nghề, chưa xây dựng mô hình liên kết với việc làm, chưa liên hệ với các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ sản xuất- kinh doanh… để giới thiệu việc làm cho học viên sau học nghề, mà học viên tự tìm nghề là chính cũng như để bao tiêu sản phẩm, ký kết hợp đồng lao động; Công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Kinh phí cho đào tạo nghề nông nghiệp còn hạn chế so với nhu cầu của người dân...
Thời gian tới, để nâng cao được chất lượng, hiệu quả dạy nghề và bảo đảm kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2019- 2020, chúng ta phải đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho khoảng 9.780 lao động nông thôn.
Tác giả bài viết: Lê Vân, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh