NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng quản lý Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Văn phòng Điều phối NTM Trung ương xung quanh vấn đề này.
Ông Đặng Văn Cường |
Được biết, Bộ NN-PTNT sẽ chủ trì hội thảo toàn quốc về phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng NTM sắp tới, ông đánh giá ý nghĩa hoạt động này như thế nào?
Sau 8 năm xây dựng NTM, với hơn 40,3% số xã trên cả nước đạt chuẩn, khu vực nông thôn đã có được diện mạo mới, nền tảng mới và có động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai Chương trình OCOP, hàng chục ngàn sản phẩm quy mô cấp huyện, xã sẽ là mục tiêu để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã bao bì và tăng cường quảng bá xúc tiến thương mại, hướng đến XK. Trong 6 nhóm sản phẩm OCOP thì nhóm sản phẩm thứ 6 (dịch vụ, du lịch) được xem là một nhóm quan trọng, là giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm bản địa hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng NTM bền vững hơn.
Mảng du lịch của chúng ta đang đối mặt nhiều thách thức, đó là vấn đề quy hoạch, liên kết, vấn đề VSATTP, môi trường, an ninh trật tự... Đặc biệt, sản phẩm giải trí, tiêu dùng cho du khách còn nghèo nàn, kém hấp dẫn. Thể hiện rõ nhất là tỷ lệ phân bổ chi tiêu của du khách, trung bình khách du lịch ở Việt Nam chỉ chi khoảng 20% tổng chi phí chuyến đi cho mua sắm, sử dụng dịch vụ giải trí (so với 60 - 70% ở Thái Lan), thì rõ ràng chúng ta chưa có nhiều lựa chọn hấp dẫn để khách “rút hầu bao” mua sắm khi đến các điểm du lịch. Nếu chúng ta phát triển tốt các sản phẩm OCOP, đáp ứng được nhu cầu của nhóm khách hàng này, chỉ cần tăng thêm 10% tổng chi tiêu cũng đã tạo nguồn thu lên 40 - 50 nghìn tỷ đồng.
Nói là tiềm năng lớn nhưng tại sao du lịch của chúng ta vẫn còn “loay hoay”, nhiều khó khăn?
Đúng là nhiều nơi phát triển du lịch ồ ạt, thiếu quy hoạch, tự phát, chất lượng thấp, cạnh tranh thiếu liên kết đẩy giá xuống quá thấp, tỷ lệ khách, nhất là khách quốc tế quay lại lần thứ 2 không nhiều. Do đó phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, nông thôn, tôi thấy có một số thách thức lớn.
Thứ nhất đó là về quản lý vĩ mô trong định hướng phát triển làng nghề truyền thống, phát triển ngành nghề nông thôn, theo từng loại nghề, từng loại sản phẩm. Điểm yếu thứ hai là vấn đề quy hoạch phát triển các làng nghề, khu vực và làng nghề truyền thống liên quan đến sự gắn kết tập thể của cộng đồng, đổi mới công nghệ, áp dụng KHCN, ô nhiễm môi trường... Thứ ba, đó là vấn đề thiếu sự lồng ghép, phối hợp đồng bộ, nhất là nguồn lực ngân sách nhà nước, các chính sách về bảo hiểm, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nâng cao năng lực cộng đồng... Và cuối cùng là vấn đề liên kết chuỗi giá trị, tính đoàn kết vì lợi ích chung và lâu dài.
Giải pháp nào để gỡ “nút thắt” này, thưa ông?
Tôi cho rằng chúng ta cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp tương ứng. Một là giải pháp về xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn.
Du lịch nông nghiệp gắp mới NTM đang được quan tâm phát triển |
Hai là tiếp tục nâng chất hệ thống hạ tầng nông thôn, tập trung không chỉ cho các xã sắp về đích, xã khó khăn mà cả những địa phương có tiềm năng du lịch, tiềm năng lớn về sản phẩm OCOP, giúp đa dạng và nâng chất sản phẩm, dịch vụ.
Thứ ba là bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư tư nhân vào khu vực nông nghiệp, nông thôn như tín dụng, đất đai, PPP, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nhằm phát triển và bảo tồn văn hóa, tiêu chí an ninh trật tự, bảo vệ môi trường nông thôn...
Vậy theo ông hướng đi nào cho phát triển du lịch khu vực nông nghiệp?
Có nhiều loại hình du lịch, trong đó du lịch nông nghiệp được đánh giá là phù hợp cho phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ VH-TT&DL chủ trì xây dựng Đề án xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các địa phương. Ngày 5-6/12/2018 tới đây sẽ tổ chức Hội thảo toàn quốc về chủ đề này tại Lai Châu.
Trong dịp này, VPĐP NTM Trung ương và Tổng cục Du lịch ký kết Chương trình phối hợp, để xây dựng Đề án cho chương trình quy mô quốc gia này, đồng thời giúp xây dựng bộ tiêu chí OCOP cho các sản phẩm dịch vụ du lịch, tiêu chí các làng Văn hóa du lịch, hướng dẫn các địa phương trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn