Thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp Quảng Trị năm 2018

Thứ hai - 03/12/2018 04:17
Năm 2018, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã đạt được nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực
Mô hình nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao ở Vĩnh Linh
Mô hình nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao ở Vĩnh Linh
     Tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt tốc độ tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 5,56%. là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là năm tạo ra những bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là từng bước thay đổi hình thức sản xuất, chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng miền, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng. Đặc biệt kêu gọi và thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng, mang tính hàng hóa, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích và đem lại thu nhập cao cho người dân. Trong trồng trọt, đối với cây lúa quá trình sản xuất gặp nhiều bất lợi, đầu vụ Đông Xuân mưa rét kéo dài, gây ngập úng nhiều nơi, vụ hè thu với áp lực cao về thời vụ, có thời kỳ nắng nóng gay gắt, nguy cơ hạn hán xảy ra. Bên cạnh đó, các loại sâu bệnh xuất hiện gây hại, có thời điểm toàn tỉnh có gần 11.000 ha bị nhiễm rầy, trong đó 1 số diện tích bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đúc rút qua nhiều năm cộng với sự chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp khắc phục 1 cách kịp thời, đặc biệt tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh nên không chỉ đảm bảo gieo cấy đúng lịch trình thời vụ mà cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cả 2 vụ đều được mùa, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 56,2 tạ/ha, cao hơn 6,2 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng sản lượng lương thực có hạt cao nhất từ trước đến nay đạt 28,98 vạn tấn, vượt 11,47% kế hoạch năm. Ông Dương Viết Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng cho hay: Toàn huyện có tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt trên 17.500 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 86.600 tấn, tăng hơn 8.100 tấn, trong đó cây lúa cho năng suất bình quân 2 vụ đạt 62,3 tạ/ha, đặc biệt, có 3 HTX thực hiện kế hoạch dồn điền đổi thửa, thành lập tổ hợp tác tích tụ ruộng đất với tổng diện tích gần 40 ha, nhiều nơi tiếp tục thực hiện xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 835 ha, có một số HTX đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 125 ha, mang lại lợi nhuận coa cho người dân. Cùng với thâm canh cây lúa, các địa phương đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển lạc, ngô, đậu và các loại hoa màu, đem lại năng suất cao. Đồng thời triển khai các biện pháp trồng, chăm sóc, thâm canh cây công nghiệp dài ngày, toàn tỉnh hiện có hơn 5.106 ha cè phê, trong đó 4.636,8 ha cà phê cho sản phẩm, năng suất đạt 13,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 6.417 tấn và trong năm trồng mới và tái canh 150 ha, đạt 100% kế hoạch. Diện tích cao su ổn định với 19.512 ha, trong đó có 11.770 ha đưa vào khai thác, sản lượng đạt 15.404 tấn và trong năm đã tái canh, trồng mới 500 ha. Diện tích hồ tiêu 2.533 ha, trong đó cho sản phẩm là 2033 ha, sản lượng đạt 1.465 tấn và trong năm trồng mới 50 ha, trong đó nhiều nơi đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng 1 số mô hình sản xuất theo hướng tạo ra sản phẩm sạch.
     Nét nổi bật trong năm 2018 đó là Sở NN & PTNT đã tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch và có chất lượng. Cùng với mở rộng diện tích cánh đồng lớn lên hơn 6.000 ha, các địa phương đã nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với diện tích 865 ha lúa, 113 ha màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất truyền thống, giảm đáng kể phát thải khí nhà kính nhờ áp dụng quy trình canh tác tiên tiến. Đặc biệt, liên kết với Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam, sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ Obi-Ong biển trên diện tích 392 ha, tiếp tục khẳng định hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Trong đó, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, thu nhập bình quân 40 triệu đồng/ha, nơi cao đạt 56 triệu, sau khi trừ chi phí cho lãi bình quân 22 triệu đồng/ha, nơi cao lãi 38 triệu, cao hơn sản xuất đại trà từ 6 đến 18 triệu đồng/ha. Mô hình liên kết 4 nhà trồng dứa nguyên liệu bước đầu triển khai trên diện tích hơn 146 ha, trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua đã thu hoạch dứa đợt 1 với khoảng 30% diện tích, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thu mua toàn bộ sản phẩm trên 550 tấn và hiện nay đang hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý ra hoa, 70% diện tích còn lại dự kiến thu hoạch vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau củ quả theo phương pháp thủy canh, nhà lưới, nhà màng tiếp tục mở rộng, tuy quy mô chưa lớn nhưng khẳng định đây là hướng đi đúng trong việc khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, có nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, có chỗ đứng trên thị trường nội địa và xuất khẩu như gạo hữu cơ và các sản phẩm Organic Quảng Trị, cà phê Arabica Khe Sanh, chè vằng La Vang, cà gai leo An Xuân, đặc biệt lần đầu tiên hồ tiêu Quảng Trị được xuất khẩu qua Mỹ và Pháp, mở hướng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị vươn ra với thị trường thế giới.
Trong chăn nuôi, mặc dù giá cả sản phẩm vẫn chưa ổn định và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cộng với diễn biến thời tiết thay đổi bất thường, dịch bệnh xảy ra nhưng nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên đã từng bước nâng cao số lượng và chất lượng gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh hiện có tổng đàn trâu 25.750 con, tổng đàn bò 68.000 con, trong đó bò lai Zebu trên 28.000 con, chiếm 41% tổng đàn, tổng đàn lợn 242.400 con và tổng đàn gia cầm 2,54 triệu con. Điều đáng nói là trong chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung gắn với an toàn sinh học và vệ sinh môi trường, một số mô hình chăn nuôi liên kết chuỗi giá trị được chứng nhận VietGAP đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Toàn tỉnh hiện có 40 trang trại chăn nuôi, nuôi lợn, bò và gia cầm, trong đó có 28 mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi, gồm 05 HTX chăn nuôi, trong đó có 01 HTX triển khai dự án chăn nuôi lợn theo chuỗi sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến sản phẩm, 23 trang trại chăn nuôi liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi, 02 trang trại chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận VietGap và 04 trang trại đang trong giai đoạn hoàn thiện kế hoạch, quy trình, thủ tục để được chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGAP trong nuôi lợn. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Đoàn Kết ở huyện Cam Lộ chia sẻ: Ở vùng Cùa có nhiều điều kiện thuận lợi để chăn nuôi lợn theo hướng gia trại, trang trại quy mô lớn, do đó từ năm 2014, 7 hộ gia đình ở 2 xã Cam Nghĩa và Cam Chính đã thành lập HTX, đầu tư gần 4 tỷ đồng, xây dựng dự án trang trại lợn siêu nạc quy mô 120 nái, qua hơn 3 năm hoạt động, mặc dù giá lợn xuống thấp nhưng vẫn có lãi. Tháng 9 năm Năm 2018, được nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được hỗ trợ 200 con giống lợn thịt với mức hỗ trợ 70% giá lợn giống có trọng lượng từ 10 đến 15 kg/con và hỗ trợ 50% chi phí thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y,  HTX đã thực hiện Dự án liên kết trong sản xuất chăn nuôi heo thịt, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGap nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo  vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển sản xuất chăn nuôi bền vững. Đến nay, sau 3 tháng triển khai, đàn lợn đạt trọng lượng bình quân trên 60 kg/con, HTX đang tiến hành làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGap và hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi.
     Trên lĩnh vực lâm nghiệp, trong năm đã trồng mới 7200 ha rừng sản xuất, 40 ha rừng phòng hộ và 2 triệu cây phân tán, tỷ lệ độ che phủ rừng giữ ổn định 50,1%. Bên cạnh đó, ngành đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các chủ rừng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ tốt 143.855 ha rừng tự nhiên và 110.538 ha rừng trồng, bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc dụng thông qua các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã, nghiên cứu các hệ động thực vật trong các khu bảo tồn thiên nhiên, chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng và các hành vi xâm hại rừng gây ra. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý và thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc chuyển đổi quy hoạch 3 loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. 
      Đối với lĩnh vực thủy sản, xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, Sở NN & PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và các địa phương tạo thuận lợi cho ngư dân tiếp cận vay vốn ưu đãi, trong năm đã đóng mới và mua ngoại tỉnh 11 chiếc, nâng cấp 11 chiếc tàu trên 90 CV, tổng số tàu thuyền toàn tỉnh tính đến nay là 2.317 chiếc, trong đó, tàu cá có công suất trên 90 CV là 229 chiếc. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản nên các tàu cá khai thác xa bờ đều đánh bắt có hiệu quả, dự ước sản lượng thủy sản khai thác năm 2018 là 24.192 tấn, đạt kế hoạch đề ra. Cùng với đó, ngư dân tiếp tục cải tạo hệ thống ao hồ, chọn giống có chất lượng, khôi phục và mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên hơn 3.343 ha, sản lượng thu hoạch đạt 8.395 tấn, bằng 114,2% so với cùng kỳ 2017. Đặc biệt, thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, Sở đã chỉ đạo Chi cục thủy sản, Trung tâm khuyến nông cùng với tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí xây dựng 1 số mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ tiên tiến như nuôi theo 2 giai đoạn, nuôi theo quy trình VietGap, ứng dụng công nghệ nuôi tôm thương phẩm theo hình thức thâm canh, sử dụng chế phẩm sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái. Tuy mới triển khai 1 vụ nhưng kết quả bước đầu cho thấy, tôm không bị dịch bệnh, sản lượng cao hơn và sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho người dân. Điển hình như hộ ông Nguyễn Xuân Công, ở Thị trấn Cửa Tùng sau khi Chi cục thủy sản hỗ trợ kinh phí và tập huấn kỹ thuật, năm 2018 chuyển sang nuôi tôm theo hình thức thâm canh, sử dụng chế phẩm sinh học nên môi trường đảm bảo và dễ kiểm soát dịch bệnh, tôm có trọng lượng lớn và phát triển đều, vụ tôm vừa rồi thu hoạch sản lượng 1 ha bình quân đạt 35 tấn, cao hơn trước đây 5 tấn, mang lại lợi nhuận lớn hơn.
     Cũng trong năm 2018,Sở NN&PTNT đã chỉ đạo làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản và truyền thông. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên Trang Nông nghiệp Đài PTTH, Bạn nhà nông trên Báo Quảng Trị, Bản tin Nông nghiệp ngành, Trung tâm Khuyên nông đã mở hơn 50 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với gần 1.500 lượt người dân tham gia, tập huấn, nâng cao kiến thức về  chuỗi giá trị và lập kế hoạch kinh doanh trong sản xuất nông nghiệp cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông, khuyến nông viên, nông dân chủ chốt, Ban quản lý các HTX. Bên cạnh đó, tổ chức 10 cuộc họp dân để xây dựng, lập kế hoạch sản xuất và phổ biến quy trình chung về mô hình CSA với 1.024 hộ nông dân tham gia, tập huấn kỹ thuật và xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, chỉ đạo các địa phương chú trọng ưu tiên lựa chọn đào tạo cho nhóm nông dân nòng cốt, nông dân tại các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Đặc biệt đã chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí, xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao như sản xuất lúa hữu cơ, trồng lạc mật độ dày, chăn nuôi gà an toàn sinh học, nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh, nuôi cá nước ngọt.
      Công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản ngày càng được chú trọng. Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trong năm đã thành lập 14 đoàn kiểm tra đánh giá định kỳ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm 411 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm, thủy sản. Kết quả cho thấy có 11 cơ sở xếp loại A, 348 cơ sở xếp loại B. Thông qua các đợt kiểm tra, giám sát đã phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tiến hành cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho 60 cơ sở, nâng tổng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đã cấp đến nay 250 cơ sở.
     Cũng trong năm 2018, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, phối hợp với các địa phương, chủ động tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh, tham  mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố số liệu Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2017 và tổ chức thành công các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2018, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 118 Panô tuyên truyền tại nhiều xã. Bên cạnh đó, đã tiến hành lấy mẫu nước sinh hoạt để phân tích, đánh giá chất lượng nước sinh hoạt phục vụ công tác cập nhật Bộ chỉ số năm 2018 cũng như tranh thủ các nguồn lực, đầu tư xây dựng các công trình, góp phần nâng tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92,52%, đạt kế hoạch đề ra.
       Song song với công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, triển khai các hoạt động thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi phát triển, từng bước thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong năm 2018, Sở NN&PTNT đã tích cực thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản. Không chỉ  thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ đầu tư công cũng như vấn đề xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản mà đã tập trung chỉ đạo các Ban quản lý dự án đôn đốc các nhà thầu, xây lắp huy động nhân lực, thiết bị, tranh thủ thời gian thuận lợi để thi công, đảm bảo yêu cầu tiến độ thi công và giải ngân các công trình đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, đứng trước tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp, đã chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả vấn đề tưới tiết kiệm, ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất, thực hiện tốt công tác tưới, tiêu cho cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, không để xảy ra tình trạng ngập úng, hạn hán và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt, đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2017, xây dựng kế hoạch, chủ động nguồn kinh phí hỗ trợ ứng phó, khắc phục hậu quả trong công tác phòng chống thiên tai. Trong năm đã phối hợp với các chương trình, dự án thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, thường xuyên kiểm tra thực tế tại các tuyến công trình thủy lợi, hồ đập trên địa bàn, kiểm tra chỉ giới cắm mốc phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập, hệ thống cảnh báo lũ vùng hạ du, hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc thủy văn, kiểm tra dụng cụ, vật tư, nguồn điện chính và nguồn điện dự phòng phục vụ phòng chống lụt bão. Đồng thời, tiến hành kiểm tra các phương án phòng chống lụt bão, phương án bảo vệ đập, quy trình vận hành điều tiết hồ chứa, quy chế phối hợp với các chủ đập trên cùng lưu vực nhằm bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, thủy điện cũng như chỉ đạo các địa phương có các phương án cụ thể, ứng phó kịp thời và hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại nếu có mưa bão xảy ra. 
     Có thể nói, đạt được những kết quả quan trọng nói trên, trước hết phải khẳng định rằng tỉnh luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thể hiện rõ nhất là Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 04 về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 03 về việc hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi, tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, Nghị quyết 04 về kiện toàn mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở, Nghị  quyết số 05 về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đồng bộ các giải pháp như rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tham mưu ban hành các chính sách, tập trung chỉ đạo ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, chủ động kết nối với các công ty, doanh nghiệp triển khai các mô hình liên kết theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất, chăn nuôi có quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, thực hiện liên kết 4 nhà trong hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho nông dân. Mặt khác ngành đã chú trọng công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ đạo điều hành thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của UBND tỉnh giao, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án góp phần thành công trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
     Phát huy thắng lợi đạt được trong năm 2018, năm 2019 toàn ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 4 đến 4,5%. Trong đó, sẩn lượng lương thực có hạt đạt 26 vạn tấn, diện tích lúa chất lượng cao đạt 34.000 ha, diện tích sản xuất theo cánh đồng lớn đạt 8.000 ha, trong đó có 1.000 ha liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, trồng mới, tái canh cây công nghiệp dài ngày là 550 ha, trồng rừng tập trung: 5.500 - 6.000 ha, tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định 50,1%, tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thụât tiên tiến nhằm nâng cao năng suất các loại cây trồng chủ lực từ 5 - 10% so với cùng kỳ năm 2018, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 40.000 tấn, tổng sản lượng thủy sản 32.700 tấn, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92,83% và chương trình xây dựng nông thôn mới có thêm 6 đến 8 xã đạt chuẩn, nâng số xã đạt chuẩn lên 56 đến 58 xã. Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết: Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cùng với việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành trên các lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, Sở NN&PTNT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp và tham mưu thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh liên quan đến hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, đẩy mạnh sản xuất lương thực theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động để phát triển cây trồng chủ lực. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại tập trung gắn với an toàn sinh học và phòng trừ dịch bệnh có hiệu quả, có kế hoạch khôi phục và tái đàn gia súc theo nhu cầu thực tế chăn nuôi. Tập trung bảo vệ vốn rừng hiện có, quản lý chặt chẽ các loại rừng phòng hộ, đặc dụng, thực hiện quản lý rừng bền vững và mở rộng diện tích rừng trồng theo chứng chỉ FSC. Phát triển đánh bắt xa bờ, nhất là nâng cao năng lực và khuyến khích các chủ tàu đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ, khuyến khích ngư dân trang bị các thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc, máy khai thác để khai thác hải sản an toàn và hiệu quả. Đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản, phát triển diện tích theo quy hoạch và xây dựng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ enzyme, nuôi tôm hai giai đoạn nhằm hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất, nâng cao tỉ lệ sống, nâng cao sản lượng, ổn định môi trường, hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, thu hút và thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, huy động có hiệu quả nguồn vốn từ doanh nghiệp, huy động hợp lý nguồn đóng góp của nhân dân, chú trọng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng và nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
 

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập103
  • Hôm nay18,838
  • Tháng hiện tại92,817
  • Tổng lượt truy cập8,186,353
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây