Kết quả sau 3 năm thực hiện Phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020
Thứ bảy - 06/10/2018 01:16
Qua 3 năm thực hiện phong trào thi đua Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, có thể khẵng định rằng, xây dựng nông thôn mới tiếp tục huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang, sáng - xanh- sạch- đẹp hơn; đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn tiếp tục được nâng cao; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được đảm bảo.
Kết quả nỗi bật Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, Quy chế công tác thi đua, khen thưởng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Để khơi dậy phong trào sôi nổi trong quần chúng nhân dân, hàng năm, UBND các huyện, thị xã lựa chọn 01 địa phương để tổ chức phát động phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Qua 3 năm triển khai, công tác tổ chức, thực hiện phong trào thi đua đã được thực hiện khẩn trương, đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, cụ thể: Ủy ban mặt trận TQVN tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, với nhiều phong trào như: “Đoạn đường kiểu mẫu”, “Đường sáng, rác sạch, nhà hạnh phúc”, “Đường hoa yêu thương”, "Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật", “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp”. Hội Nông dân tỉnh với chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” đã triển khai xây dựng 254 mô hình nông dân bảo vệ môi trường tại các chi hội, mô hình nông dân tự quản xanh-sạch-đẹp đường làng, ngõ xóm. Đoàn TNCSHCM với cuộc thi “tuổi trẻ sáng tạo, chung sức xây dựng nông thôn mới”, với nhiều phong trào “ánh sáng đường quê”, “con đường thanh niên xây dựng nông thôn mới”, tuyến đường “sáng-xanh-sạch-đẹp”; “ngày thứ 7 tình nguyện”, “ngày chủ nhật xanh”. Hội Cựu chiến binh tỉnh với phong trào “3 hiến: hiến kế, hiến công, hiến đất” và “chỉnh trang đường làng, ngõ xóm”. Nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, thiết thực về phong trào “xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, đang từng bước lan tỏa đến khắp các vùng quê trên địa bàn toàn tỉnh, điển hình như: phong trào “ánh sáng đường quê”, phong trào “ngày nông thôn mới”, “thôn nông thôn mới kiểu mẫu” ở huyện Hải Lăng . Phong trào “khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, thực hiện tiêu chí “vườn mẫu” ở huyện Cam Lộ. Phong trào Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn”, duy trì và phát triển các đoạn đường thanh niên tự quản, “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” ở Huyện Vĩnh Linh. Các mô hình, dự án về đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn từng bước được triển khai có hiệu quả theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, bao tiêu sản phẩm cho người dân lần đầu được triển khai mang lại hiệu quả tích cực như mô hình dứa của Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Đại Nam cung cấp phân bón Obi - Ong biển, mô hình trồng Dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh của Công ty Sumitomo - Nhật Bản, kết nối với siêu thị Intimex tại Hà Nội để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, hiện nay tỉnh đang tăng cường hợp tác, thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh như: Tập đoàn FLC (đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Cam Lộ và Triệu Phong), Công ty Sumitomo - Nhật Bản (trồng Dưa lưới, nuôi tôm công nghệ cao và trang trại tổng hợp tại các xã vùng cát huyện Gio Linh); Học viện Nông nghiệp Việt Nam (phát triển trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp), Công ty ISE-FOOD của Nhật Bản (ngô nguyên liệu gắn với nuôi gà đẻ trứng), tập đoàn Nafoods (trồng và chế biến Chanh leo xuất khẩu tại Hướng Hóa) v.v. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc khu vực nông thôn được đẩy mạnh, có bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, góp phần xây dựng đảm bảo an ninh nông thôn. Các sở, ngành địa phương đã phát động các phong trào thi đua đột xuất, thi đua theo các chuyên đề gắn với từng nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, cải cách hành chính được cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tập thể, cá nhân xuất sắc đã có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới như mô hình: “Đường sáng, rác sạch, nhà hạnh phúc”, “Đường hoa yêu thương” của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, các mô hình “họ -tộc không có người vi phạm pháp luật”, mô hình “Phật giáo huyện Cam Lộ tham gia bảo vệ ANTQ và xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ ANTQ và xây dựng nông thôn mới” của Công an tỉnh. Nhiều cá nhân có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới như: hộ Ông Hồ Ta Dóc ( xã ĐaKrông): hiến 10.000m2 đất để xây dựng trường mầm non và trường tiểu học, đóng góp trên 120 ngày công lao động làm đường bê tông; Chị Hồ Thị Hương (thôn Tà Rụt 3, xã Tà Rụt) hiến 3.000m2 đất ở và đất vườn để xây dựng Trường tiểu học; Ông Hồ Văn Thu (thôn Ala, xã Ba Nang) hiến 2.500 m2 đất và hơn 40 cây mít độ tuổi hơn 20 năm để xây dựng cầu Rà Lây; Ông Hồ Đức Trung (thôn Kim Giao, xã Hải Dương) hiến 1.000m2 đất để mở rộng đường giao thông nội đồng, Ông Lê Văn Quỳnh (Giám đốc HTX Linh Hải) và Ông Cao Duy Lộc (Giám đốc HTX Thủy Ba Hạ) ở xã Vĩnh Thủy đã trích kinh phí HTX hơn 700 triệu đồng để bê tông hóa gần 1km đường giao thông nông thôn. Nhờ thực hiện có hiệu quả Phong trào mà hiện trạng tiêu chí tiêu chí nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến đáng kể, đến nay tổng số tiêu chí đạt bình quân là 14,25 tiêu chí/xã (tăng 2,55 tiêu chí/xã so với đầu năm 2016), tiệm cận với mức tiêu chí bình quân chung của cả nước; đến nay đã có 42/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 24 xã so với đầu năm 2016); các xã miền núi hiện không còn xã dưới 05 tiêu chí. Bài học kinh nghiệm Từ thực tế chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào trong 3 năm qua, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phải có sự thống nhất và quyết tâm chính trị cao từ tỉnh đến tận cơ sở. Phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp đảm bảo sự vào cuộc thật sự và phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới. Hai là, coi trọng và thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để người dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới. Ba là, thực hiện phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào nhằm huy động đông đảo các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. Bốn là, có cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách. Tích cực huy động, lồng ghép, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Năm là, chú trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nồng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở. Xây dựng hệ thống lãnh đạo, chỉ đạo Chương trình đồng bộ, hiệu quả; bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho công tác chỉ đạo có hiệu quả. Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý các vướng mắc khó khăn; định kỳ tiến hành sơ kết để rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo và đóng góp thiết thực cho xây dựng nông thôn mới để nêu gương học tập và nhân ra diện rộng. Mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 -2020 đã đưa ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 là: có từ 59-65 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 50-55%), có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đồng bằng đạt dưới 16 tiêu chí, không còn xã miền núi đạt dưới 8 tiêu chí. Để đạt được những mục tiêu này, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong tạo phong trào thi đua sâu rộng và toàn diện từ cấp tỉnh đến tận thôn/bản, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào, các cuộc vận động đang triển khai. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo các cấp. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo các chương trình MTQG. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cấp cơ sở; Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, huy động tối đa nguồn lực của địa phương; đẩy mạnh huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân; tăng cường thu hút nguồn đỡ đầu, tài trợ của các tổ chức, cá nhân để ưu tiên cho các xã đăng ký đạt chuẩn sớm và các xã khó khăn. Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển dần sản xuất nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng chuyên canh có quy mô tập trung theo thế mạnh từng vùng. Chỉ đạo việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, từng bước xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 12/3/2018 của UBND tỉnh về Ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tạo không khí thi đua sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ trong từng hộ gia đình, từng thôn xóm, từng xã trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng “miền quê đáng sống”. Chỉ đạo việc xây dựng nông thôn mới phải thực chất, không chạy theo phong trào, chạy theo thành tích, không công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nếu huy động quá sức dân và để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tác giả bài viết: Lê Oanh – Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Trị