Trong 5 năm qua, Đảng bộ xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng khai thác thế mạnh tiềm năng của địa phương phát triển trồng rừng, mở rộng diện tích lúa nước, trồng sắn KM 94, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn bản, gà bản, khôi phục và phát triển lại các nghề truyền thồng như làm chổi đót, mây tre đan, dệt thổ cẩm và đặc biệt là phát triển ngành du lịch thương mại vì hiện nay trên địa bàn xã sở văn hóa thể thao du lịch tỉnh đang đầu tư phục dựng lại bản cổ Làng Cát và khu du lịnh cộng đồng suối nước nóng Klu. Do đó tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, sản lượng lương thực có hạt tăng 345,5 tấn so với năm 2011, thu nhập bình quân đầu người nay đã tăng lên 5.2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 53,1% giảm xuống còn 31,%.
Người dân Đakrông hiến đất làm đường giao thông
Ông Trần Văn Chạy, Chủ tịch UBND xã Đakrông cho hay: Đối với các xã miền núi khi xây dựng nông thôn mới cần phải có những bước đi thích hợp. Riêng với xã Đakrông, chúng tôi xác định những tiêu chí chỉ cần sức dân là đủ, không cần nguồn lực, kinh phí, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truền, vận động người dân tham gia thực hiện 1 cách có hiệu quả. Đối với các tiêu chí liên quan đến nguồn lực về tài chính thì xã sẽ tính toán, một mặt kêu gọi sự đầu tư từ bên ngoài, tranh thủ và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án, mặt khác vận động người dân đóng góp công sức để cùng với Nhà nước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa.
Không chỉ xã Đakrông, 12 xã còn lại của huyện Đakrông khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khắn vì nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước, xuất phát điểm thấp. Trước thực trạng đó, nhiệm vụ đầu tiên được Ban chỉ đạo từ huyện đến xã xác định đó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và nội dung của chương trình và nâng cao năng lực trình độ cho đội ngũ cán bộ. Đồng thời chỉ đạo các xã sớm hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án và xây dựng lộ trình thực hiện.
Nước sạch về bản
Một trong những vấn đề được các xã quan tâm đó là tranh thủ, lồng ghép các chương trình dự án để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011-2015, toàn huyện đã huy động được tổng số vốn gần 484 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách nhà nước hơn 453,5 tỷ, vốn từ tín dụng 800 triệu đồng, nguồn vốn doanh nghiệp và vốn ngoài ngân sách nhà nước gần 29,5 tỷ. Nguồn kinh phí này đã ưu tiên đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương, điện, trường học, nước sinh hoạt. Mặt khác, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, xây dựng các mô hình kinh tế để người dân tham khỏa, học tập, nhân rộng, nâng cao thu nhập. Đồng thời, các xã tích cực chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân,vệ sinh môi trường. Chính vì vậy, cho đến nay, ở huyện Đakrông đã có 1 xã đạt 14 tiêu chí, 12 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Có thể nói, sau 5 năm xây dựng nông thôn mới nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân đã được nâng lên, hoạt động của Ban chỉ đạo ngày càng hiệu quả hơn, bộ mặt nông thôn có thêm nhiều thay đổi, đời sống của từng hộ gia đình ngày càng ổn định.
Tuy nhiên, Đakrông vẫn là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao 25,9%, do đó trong những năm tới, Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp. Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ chương trình 30a của Chính phủ và lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là những thôn bản ở xa xôi, hẻo lánh, vùng biên giới. Đồng thời, tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế, mở rộng diện tích lúa nước, trồng cây công nghiệp, giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ và trồng mới, phát triển thêm các mô hình chăn nuôi. Ngoài ra, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề phục vụ cho công tác xuất khẩu lao động.
Để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập của người dân, đối với huyện Đakrông điều quan trọng nhất vẫn là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cả người dân, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đặc biệt phải có những biện pháp để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, khai thác có hiệu quả lợi thế của địa phương, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.