Khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 18/01/2016 22:27
Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Quảng Trị, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 9,9 triệu đồng/người năm 2010 tăng lên trên 17,2 triệu đồng/ người vào năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn từ 24,7% đầu năm 2011 giảm xuống còn 9,26% năm 2015, điều này cho thấy đời sống của người dân nông thôn hiện nay có bước cải thiện đáng kể.
Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc
Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc
Ghi nhận tại các xã như Vĩnh Thành, Vĩnh Thủy, Vĩnh Nam, Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh); Hải Thượng, Hải Thiện (Hải Lăng); Triệu Thành, Triệu Thuận (Triệu Phong), Cam An (Cam Lộ)… thu nhập bình quân đầu người đều đạt từ 25 triệu đến trên dưới 30 triệu đồng/năm. Ông Lê Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thượng, Hải Lăng cho biết: “Có được kết quả về tiêu chí thu nhập là điều không dễ. Địa phương phải khai thác tốt tiềm năng tổng hợp như: lợn-cá, sen-cá, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ trồng cây cao su, chăn nuôi bò lai, các mô hình chăn nuôi lợn, sử dụng công cụ sạ hàng, đệm sinh học trong chăn nuôi, trồng nghệ trong bao... Đến nay thu nhập bình quân đầu người toàn xã ước đạt 28,5 triệu đồng.” 
Thực tế, với vùng đất giàu tiềm năng như Quảng Trị nếu có định hướng đúng về đa dạng ngành nghề, cây trồng vật nuôi thì mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm là có cơ sở. Một khi sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong chương trình xây dựng NTM thì cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản trên một đơn vị diện tích. Các địa phương bắt đầu hình thành một số vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và nhu cầu thị trường. Cơ giới hóa các khâu trong sản xuất được tăng cường. Đến nay, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 25 vạn tấn/năm. Diện tích cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, hồ tiêu đến năm 2015 đạt 27.180 ha. Tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong tổng giá trị nông nghiệp tăng từ 20,4% năm 2010 lên 29,6% vào năm 2015. Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC trên 20.900 ha. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2015 ước đạt trên 1.126 tỷ đồng, tăng bình quân 6,5%/năm. Xuất hiện nhiều mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. 
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, các địa phương đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn khác, huy động đóng góp của nhân dân, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật kết hợp đào tạo nghề để triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, năm 2010 sau khi phát động xây dựng NTM toàn tỉnh chỉ có 3 xã đạt tiêu chí thu nhập thì nay tăng lên 79 xã; số xã đạt chuẩn về tiêu chí hộ nghèo là 26 xã, đạt 22,2%, tăng 26 xã so với năm 2010. 
Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu nông thôn là yếu tố quan trọng để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. 
Tính đến nay, tổng nguồn lực hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương, tỉnh cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trên 174 tỷ đồng. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ nguồn vốn này các địa phương đã xã hội hóa nguồn lực đóng góp, huy động sức dân và lồng ghép thêm nhiều chương trình, dự án mục tiêu quốc gia khác để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Để giảm bớt chi phí và nâng cao hiệu quả trong đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù trong xây dựng NTM. 
Sau 5 năm triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư khá đồng bộ. Toàn tỉnh đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hơn 1.000 km đường giao thông nông thôn. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ kiên cố hóa tuyến đường huyện đạt 52,2%, tỷ lệ kiên cố hóa tuyến đường thôn, xóm, bản đạt 41,8%. Số xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông là 25/117 xã, đạt 21,4%, tăng 23 xã so với năm 2010. Xây dựng, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp trên 90 công trình thủy lợi gồm bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu; nâng cấp, sửa chữa trên 410 km kênh mương cấp 3, tưới, tiêu chủ động cho 85% diện tích gieo cấy lúa 2 vụ. Số xã đạt chuẩn về tiêu chí thủy lợi là 48 xã (đạt 39,3%), tăng 39 xã so với năm 2010. Hệ thống điện nông thôn tiếp tục được nâng cấp và mở rộng. Tổng kinh phí ngành điện đầu tư cho hệ thống điện nông thôn trong 5 năm trên 1.025 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015 có 99,5% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Số xã đạt chuẩn về tiêu chí điện là 107 xã, đạt 91,5%, tăng 68 xã so với năm 2010. Hệ thống trường lớp học, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn. Số xã đạt chuẩn quốc gia về trường học là 39 xã, đạt 33,3%, tăng 22 xã so với năm 2010. 70% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến nay, toàn tỉnh có 806/853 làng, bản có nhà văn hóa, đạt 94,4%; có 72/117 xã có nhà văn hóa đạt 61,5%. Số xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa là 25/117 xã, đạt 21,4% số xã, tăng 21 xã so với năm 2010… 
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh) khẳng định: “Thấy rõ lợi ích từ những công trình mang lại nên khi xã phát động, bà con đồng tình ngay. Mỗi người một cách, nhà nào có điều kiện thì hiến đất, ủng hộ tiền, hiện vật còn nhà nào không có điều kiện thì góp sức làm đường. Các tuyến đường trên địa bàn ngày một khang trang, thông suốt không chỉ tạo điều kiện phát triển sản xuất, giao thương mà con em chúng tôi đi học cũng dễ dàng hơn…” 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập532
  • Hôm nay1,682
  • Tháng hiện tại32,231
  • Tổng lượt truy cập9,581,816
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây