Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, xây dựng NTM phải đi vào thực chất, phát triển các phương thức SX gắn với tái cơ cấu ngành và nâng cao thu nhập người dân
Tại cuộc họp báo cáo tình hình và kế hoạch thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016- 2020, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, xây dựng NTM phải đi vào thực chất, phát triển các phương thức SX gắn với tái cơ cấu ngành và nâng cao thu nhập người dân. Cục trưởng- Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương, ông Nguyễn Minh Tiến, cho hay, tính đến hết tháng 2/2016, cả nước có 1.755 xã, chiếm 19,6% tổng số xã, đạt chuẩn NTM, 35% số xã đạt từ 15 đến 19 tiêu chí và chỉ còn 3,7% số xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. “Bình quân mỗi xã đạt 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010 và 2,9 tiêu chí so với đầu năm 2015.Ngoài ra, cả nước đã có 17 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. 7 đơn vị khác đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng công nhận”, ông Tiến nói. Tuy nhiên, cũng theo người đứng đầu Văn phòng điều phối, ngoài kết quả đáng khích lệ, công tác xây dựng NTM vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. “Nhiều địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích để sớm đạt chuẩn. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM tồn tại ở nhiều nơi mà vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm. Công tác đánh giá chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn còn xuê xoa, chưa đúng thực chất”, ông Tiến cho hay. Ngoài ra, tiến độ triển khai vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện cho chương trình năm 2016 còn chậm. Với hệ số phân bổ vốn cho các địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, hệ số áp dụng như hiện tại sẽ gây khó cho các tỉnh, TP chủ động thực hiện các mục tiêu của chương trình, nhất là nguồn kinh phí sự nghiệp bố trí cho các nội dung phát triển SX quy mô lớn, liên kết SX, tiêu thụ sản phẩm và đào tạo nghề... Đồng quan điểm trên, ông Tăng Minh Lộc, chuyên gia của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho rằng, có 5 bức xúc nhất nảy sinh trong quá trình xây dựng NTM, đó là sử dụng hiệu quả nguồn lực, vấn đề môi trường, an ninh nông thôn, chất lượng các xã, huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và năng lực của bộ máy điều hành. “Đúng ra khu vực miền núi phải được ưu tiên vốn cho phát triển giao thông để kết nối, sau đó mới đến xây dựng các mô hình SX, thì lại đánh đồng tất cả với đồng bằng, yêu cầu các địa phương tập trung ưu tiên vốn cho phát triển SX. Như vậy là không khoa học. Hay như tiêu chí môi trường, ở miền Bắc, chưa có xã nào có lò đốt rác đủ tiêu chuẩn. Huyện Hải Hậu, điển hình của NTM miền Bắc, nơi có 23 lò đốt rác, thì cũng chưa có lò nào đủ tiêu chuẩn của Bộ TN-MT”, ông Lộc nêu ví dụ. Ngoài ra, theo ông Lộc, câu chuyện lồng ghép các chương trình vào chương trình NTM cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Hiện có 9 chương trình lồng ghép, song trong đó có nhiều chương trình trùng lặp, các địa phương đưa vào để lấy thành tích đầu tư cho xây dựng NTM... “Không phủ nhận có một số địa phương làm rất tốt như Quảng Ninh, Hà Tĩnh... Họ có lộ trình, có đường đi nước bước cụ thể. Đó là phát triển hạ tầng trước một giai đoạn, sau đó đầu tư cho các mô hình SX, nâng cao thu nhập cho người dân. Tôi đánh giá đây là cách làm bền vững, phát triển NTM bền vững”, ông Lộc khẳng định. Theo Văn phòng điều phối NTM Trung ương, tổng vốn theo kế hoạch Trung ương bố trí năm 2016 là 7.374 tỷ đồng. Hiện đã phân bổ cho các địa phương để thực hiện chương trình là 2.518 tỷ đồng. Trong tổng số vốn đã phân bổ, có 1.215 tỷ đồng vốn cho đầu tư phát triển. Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, từ cách làm sáng tạo của một số địa phương, có thể rút ra rằng, địa phương phải chủ động, tự quyết theo thực tế của từng tỉnh, thành. Nếu cứ chờ chỉ đạo từ Trung ương, từ các bộ, ban, ngành, thì lâu lắm. Cần làm gì thì cứ dốc sức làm trong quy định cho phép. Tất nhiên, không loại trừ trường hợp một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn, có điều kiện đầu tư cho NTM. “Thời gian tới, việc quan trọng cần phải làm là hoàn thành nguyên tắc phân bổ vốn giai đoạn 2016 – 2020. Tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình phân bổ vốn, nhất là hệ số phân bổ miền núi – miền xuôi, đừng để xây dựng xong NTM thì miền núi lại nghèo hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cương đề nghị. Việc thứ hai, theo Thứ trưởng, về chuyện “nới tiêu chí” không nhất thiết phải nặng nề quá, bởi đích cuối cùng của xây dựng NTM là SX phát triển, gắn liền với thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành, nâng cao thu nhập của người dân. Như vậy, ngoài các tiêu chí “cứng”, cũng cần thêm các chỉ tiêu “mềm” để khuyến khích các địa phương hăng hái thi đua xây dựng NTM. “Về vấn đề môi trường nông thôn, giải quyết việc này khó, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành. Môi trường nông thôn không chỉ là vấn đề rác thải, lò đốt, mà còn có nhiều yếu tố, nước sạch, môi trường SX... Vì thế, phải có khảo sát cụ thể để định ra các giải pháp khắc phục. Việc này Văn phòng điều phối cần sớm bàn với các cơ quan quản lý Nhà nước để có những định hướng. Tôi cho rằng, một trong những giải pháp là xây dựng các HTX dịch vụ môi trường ở nông thôn”, Thứ trường đề nghị.