Khi lòng dân đồng thuận
Ông Tạ Quang Tâm, Trưởng thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) được bà con mến phục bởi khả năng vận động người dân hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng đường thôn ngõ xóm rộng rãi, thoáng đãng. Để người dân chấp nhận hiến một phần đất ở của gia đình mở rộng đường thôn ngõ xóm, ông Tâm phải kiên trì đến từng nhà dân nhiều lần, thuyết phục, giải thích cho bà con hiểu lợi ích khi đóng góp ngày công, hiến đất mở đường để thuận tiện cho việc đi lại. Cùng suy nghĩ cần góp sức để xây dựng những công trình công cộng phục vụ đời sống người dân, nhiều hộ dân như ông Trần Lộc ở Vĩnh Thành tự nguyện hiến 125 m2 đất và hàng chục cây quả cùng một số công trình phụ trên đất để làm đường giao thông nội thôn; ông Nguyễn Văn Tranh, ở thôn Huỳnh Công Đông, xã Vĩnh Trung tự nguyện hỗ trợ công san ủi mặt bằng làm đường giao thông nông thôn; ông Lê Văn Tới, một người con xa quê của xã Vĩnh Lâm hỗ trợ tiền xây dựng nhà văn hóa thôn Duy Viên, con em xa quê của xã Vĩnh Hiền đóng góp trên 7,2 tỷ đồng xây dựng nghĩa trang liệt sĩ xã khang trang, sạch đẹp…Ông Phan Ngọc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy cho biết, nhờ sự đồng thuận và chung tay góp sức của người dân, cuối năm 2014, Vĩnh Thủy đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, về đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Không chỉ với các địa phương của huyện Vĩnh Linh, phong trào hiến đất, đóng góp tiền của, công sức lao động xây dựng các công trình công cộng đã được người dân ở khắp các miền quê trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ. Với phương châm “ làm điểm nhân diện ” các xã Cam Thuỷ, Cam An, Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) tiến hành vận động nhân dân di dời mồ mã, dồn điền đổi thửa kết hợp cải tạo đồng ruộng, tổ chức cắm mốc giải phóng mặt bằng, mở rộng nền đường, xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, kết hợp với chỉnh trang đồng ruộng, chỉnh trang nông thôn, đường làng ngõ xóm, cải tạo vườn tạp, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư, đưa điện từ nhà ra ngõ, thắp sáng đường quê …
Theo thống kê, qua 5 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực đóng góp của nhân dân quy ra tiền là 1.153.700 triệu đồng, trong đó bằng tiền mặt là 1.008,9 triệu đồng, 279.687 ngày công, 291.651 m2 đất, giá trị hiến cơ sở vật chất như tường rào, công trình là 12.851 triệu đồng.
Mô hình tốt, cách làm hay
Hải Lăng là một trong những địa phương làm tốt công tác vận động, hỗ trợ tổ chức và cá nhân phát triển, mở rộng sản xuất, thực hiện các mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Nhờ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, nhiều hộ gia đình đã vay vốn, đầu tư nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân như mô hình trồng cam trên vùng đồi K4; hoa màu trên đất cát, rau màu an toàn tại các xã Hải Dương, Hải Ba, Hải Quế, xây dựng thương hiệu cây ném vùng cát Hải Lăng với tổng diện tích 168,5 ha ném. Mô hình sản xuất giống thủy sản tại các xã Hải Phú, Hải Thượng; nuôi cá lồng và cá chình lồng tại Hải Tân, Hải Sơn... với 444 ha nuôi cá nước ngọt, 35 lồng nuôi cá chình cho giá trị kinh tế cao. Cũng từ phong trào chung tay xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về cách làm hay, sáng tạo ở các vùng quê của huyện Triệu Phong như mô hình xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất lúa chất lượng cao ở Triệu Hòa, Triệu Tài; trồng thanh long ruột đỏ, mô hình VAC trên vùng cát xã Triệu Trạch, mô hình VAC ở An Lộng, Triệu Hòa, mô hình nuôi ếch ở Triệu Tài…
Nhiều mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh thái, vừa tiết kiệm về mặt kinh tế, vừa giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời được nhân rộng, chia sẻ kinh nghiệm giữa các xã của huyện Vĩnh Linh như mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy lan rộng ra các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Thạch… Mô hình trồng nấm khép kín từ khâu cấy giống đến khâu trồng ở Vĩnh Thành; mô hình chăn nuôi đa con ở một số xã như Vĩnh Trung, Vĩnh Chấp, mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn ở Vĩnh Tú…Ông Trần Văn Cường, một trong những nông dân đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp ở thôn Mỹ Duyệt, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Nhờ chủ trương của nhà nước và nhiều chính sách cho vay vốn ưu đãi mà chúng tôi mới có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất nông nghiệp. Hiện gia đình tôi vừa làm trang trại lợn, trồng tiêu, trồng rừng và làm cả đại lý thức ăn gia súc, thu nhập tương đối ổn định”
Bên cạnh đó, nhiều cách làm hay trong xây dựng NTM cũng đã được các Ban quản lý XDNTM các xã chia sẻ cho nhau để cùng tham khảo áp dụng, như việc vận động nhân dân trồng hàng rào xanh thân thiện với môi trường sống, hạn chế hàng rào bê tông cũng như cách vận động và xây dựng phong trào thi đua xây dựng NTM trong toàn dân ở xã Vĩnh Thạch. Xã Vĩnh Trung với mô hình “ liên gia tự quản” (các hộ gia đình ở khu dân cư cùng phối hợp đảm bảo tình hình an ninh trật tự) và “ liên doanh tự quản” (các hộ gia đình có đất đai cùng khu vực sản xuất phối hợp để bảo vệ tài sản trên đồng ruộng cho nhau). Hay như cách làm sáng tạo của xã Vĩnh Thành trong việc huy động nguồn nội lực với phương châm “Nhà nước hỗ trợ một phần đầu tư hạ tầng để nông thôn tự mình vươn lên”.
Nguồn tin: vinhlinhquangtri.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn