Công đoàn hướng dẫn nông dân... nuôi gà
Nông dân Nguyễn Xuân Nhân (thôn Định Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có nhiều năm chăn nuôi gà. Nhưng cứ thay đổi thời tiết, gà lại chết không rõ nguyên nhân. Gà của gia đình nông dân Ngô Văn Tám (thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu) cũng gặp tình trạng tương tự. Với mục tiêu hỗ trợ nông dân, CĐCS Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Quảng Trị và CĐCS xã Cam Hiếu tổ chức lớp tập huấn đào tạo nghề kỹ thuật nuôi giun quế, kết hợp nuôi gà, vịt với 30 nông dân tham dự. Khác với những lớp tập huấn “nghe, đọc”, đoàn viên CĐCS trung tâm mua 250 con gà con và thức ăn gia cầm để dùng trong 3 tháng. Số gà này được đưa đến ông Nhân và ông Tám nuôi để các thành viên trong lớp học thấy tận mắt cách chăm sóc trong suốt quá trình học 3 tháng.
Ông Tám phấn khởi: “Khi đưa số gà này về, chúng tôi được hướng dẫn từ cách làm chuồng, quây bạt giữ ấm cho gà. Trong quá trình nuôi, gà được tiêm các loại vaccine phòng bệnh, nếu mắc bệnh được sử dụng thuốc để chữa. Biết được cách phòng, chữa bệnh và chăm sóc cho gà nên mới có mấy tháng mà số gà “mẫu” đưa đến nhà tôi lớn rất nhanh”. Để đáp ứng nguồn thức ăn an toàn, chất lượng cho gà nuôi, các thành viên trong lớp tập huấn còn được hướng dẫn cách xây bể ximăng để nuôi giun quế. “Từ 5 cân giun quế giống chúng tôi đưa cho bà con, nay phát triển lên rất nhiều. Hơn 50% các thành viên trong lớp đến nay có bể nuôi giun quế và mang lại hiệu quả kinh tế” - ông Trần Cẩn - cán bộ CĐCS Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Quảng Trị - chia sẻ.
Cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật
Từ năm 2010 đến 2015, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị và Sở NNPTNT cũng tổ chức nhiều phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp, điển hình là ở địa bàn huyện Cam Lộ với 10 câu lạc bộ chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) nông nghiệp ở 9 xã, thị trấn được thành lập. Từ đó, LĐLĐ huyện Cam Lộ phối hợp với các cấp CĐ ngành nông nghiệp tổ chức 35 lớp chuyển giao KHKT cho gần 2.000 nông dân. Nhiều kỹ thuật mới được bà con áp dụng và triển khai thành công như mô hình trồng hoa cúc ở xã Cam Thủy; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm ở thôn Trúc Kinh; kỹ thuật trồng rau sạch, trồng cỏ nuôi bò ở xã Cam Hiếu; kỹ thuật chăn nuôi hươu, nai, gà ở thôn Tân Xuân 1... Hiệu quả quan trọng nhất mà các mô hình trên đem lại là huy động được sức mạnh của đội ngũ cán bộ KHKT, chuyển giao ứng dụng KHKT đối với cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa nông nghiệp ở các huyện phát triển.
Không dừng lại ở các lớp tập huấn, LĐLĐ huyện Vĩnh Linh còn vận động CNVCLĐ trên địa bàn đóng góp 1,5 tỉ đồng và nhiều ngày công để hỗ trợ các bản làng người đồng bào thiểu số. Những cây giống có hiệu quả kinh tế, dễ trồng như thanh long ruột đỏ, cây leo lai, hay các cụm loa FM cho 8 bản ở xã Vĩnh Ô cũng được tổ chức CĐ hỗ trợ. Ông Nguyễn Đăng Bảo - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị - cho biết, thực hiện kế hoạch liên tịch giữa LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố và CĐ ngành NNPTNT về thực hiện phong trào thi đua liên kết phục vụ nông nghiệp và chung sức xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây các cấp CĐ thực hiện nhiều chương trình và đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực. Từ các huyện đồng bằng đến miền núi như Hướng Hóa, Đak Rông, tổ chức CĐ phối hợp với CĐ ngành mang KHKT đến với bà con, đóng góp nhiều việc làm cụ thể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nguồn tin: Báo Lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn