Canh tác tự nhiên trong nông nghiệp, mô hình sản xuất cần được nhân rộng

Thứ hai - 20/03/2017 04:12
Từ những con số ấn tượng trong bài báo “Lúa nào thơm bằng lúa mẹ ta trồng” đăng trên Báo Quảng Trị số Xuân Đinh Dậu 2017, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng đã có chuyến thị sát thực tế ngay những ngày đầu xuân. “Kết luận đầu bờ” của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã gợi mở hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ.
Niềm vui bên hạt lúa sạch do mình làm ra
Niềm vui bên hạt lúa sạch do mình làm ra

Báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác ngay trên mảnh ruộng của mình, ông Nguyễn Hữu Đạt, thôn An Hưng, xã Triệu Tài, một trong những hộ tham gia mô hình sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên cho biết, từ khi được dự án hỗ trợ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo trồng cây lúa, hộ ông đã làm được 2,5 sào. Hai vụ vừa qua, ông Đạt thử nghiệm giống lúa NA2 và vụ này ông đang gieo giống HC95-giống lúa cho chất lượng gạo ngon hơn.

 

Theo ông Đạt, sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên tuy phải bỏ công sức ra nhiều hơn nhưng chi phí sản xuất thì thấp hơn, mà lợi nhuận thu được thì cao hơn hẳn, gần gấp đôi phương pháp sản xuất thông thường. Với kết quả thu được qua hai vụ sản xuất vừa qua, ông Đạt dự định sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên toàn bộ diện tích còn lại của gia đình. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi lợn sử dụng thức ăn tự sản xuất, nuôi trên nền chuồng không lát xi măng; đệm lót sinh học cũng từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu được rãi chế phẩm sinh học để khử mùi hôi; đệm lót sau khi nuôi cũng trở thành nguồn phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng. Ông Đạt cho biết, giống lợn F2 gia đình ông nuôi từ 4-4,5 tháng, đạt trọng lượng khoảng 60 kg, thịt thơm ngon, giá bán cao hơn lợn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp từ 13.000 - 15.000 đồng/kg (giá bán hiện nay từ 50.000-55.000 đồng/kg).

 

Bà Nguyễn Thị Lộc, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong cho biết, được sự tài trợ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, từ năm 2015, huyện Triệu Phong đã triển khai mô hình canh tác tự nhiên tại 5 xã Triệu Thượng, Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Trạch, có 150 hộ tham gia với hai cây (lúa 20,5 ha, cải, xà lách 0,75 ha), hai con (lợn 220 con, gà ta 6000 con). Nguyên tắc của phương pháp canh tác này là tôn trọng tự nhiên, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay cho việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, cải thiện chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, bảo vệ nguồn nước.

 

Sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên phải tuân thủ các quy trình khép kín từ khi ủ giống cho đến thu hoạch. Chân ruộng sau khi được be bờ phải được giữ nước thường xuyên để hạn chế cỏ dại và tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Người dân tiến hành làm đất, làm sạch cỏ dại, sau đó bón lót chân ruộng. Cứ 1 sào (500 m2) bón từ 300-400 kg phân compost hay còn gọi là phân hữu cơ vi sinh (loại phân này người dân tự chế biến từ phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp, ủ với men vi sinh từ gạo lên men và rỉ mật).

 

Sau gieo sạ từ 7-10 ngày tiến hành bơm chế phẩm sinh học được làm từ các nguyên liệu thân cây lên men, trái cây lên men, axit amin cá, ốc, gừng, tỏi, ớt được ngâm ủ, tiếp sau đó, cứ 7 ngày phun 1 lần chế phẩm này cho đến giai đoạn lúa trổ đòng đất. Khi lúa chín sữa, phun thêm chế phẩm canxi phot phat (được làm từ vỏ trứng, xương động vật ngâm với dấm không màu…) để cung cấp thêm canxi, kali cho hạt lúa được chắc, mẩy.

 

Theo tính toán, để sản xuất 1 ha lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên chi phí hết 20.860.000 đồng, thu được 57.200.000 đồng, tính ra lợi nhuận đạt 36.340.000 đồng; còn theo phương pháp thông thường, chi phí để sản xuất 1 ha lúa là 22.660.000 đồng, thu được 42.000.000 đồng, lợi nhuận chỉ đạt 19.340.000 đồng. Ông Lê Cảnh Biên, Bí thư huyện ủy Triệu Phong cho biết, từ thành công của dự án trong hai năm vừa qua, năm 2017 huyện chỉ đạo mở rộng quy mô sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên với 1.000 hộ dân tham gia.

 

Sau khi đi khảo sát thực tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao mô hình sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên mà huyện Triệu Phong đang triển khai thực hiện, cho rằng đây là hướng đi phù hợp xu thế sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mà thế giới đang khuyến cáo, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước; việc sản phẩm sản xuất ra vừa qua giá bán cao gấp đôi lúa gạo sản xuất theo phương pháp canh tác thông thường nhưng cung không đủ cầu là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh đầu ra trong sản xuất nông nghiệp đang là bài toán khó.

 

 Điều đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm là mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín theo phương pháp canh tác tự nhiên phù hợp với tập quán canh tác và điều kiện đất đai của các xã vùng đồng bằng, đây phải chăng là lời giải cho bài toán phát triển kinh tế hộ bền vững? Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với huyện Triệu Phong tổ chức tổng kết mô hình sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên, trong đó lưu ý phát huy vai trò hợp tác xã nông nghiệp, liên kết hộ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức tiêu thụ sản phẩm sản xuất.

 

Từ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặt ra nhiều vấn đề mà huyện Triệu Phong và các sở, ngành cần tập trung nghiên cứu tháo gỡ trong thời gian tới. Về giải pháp kỹ thuật, việc sử dụng các chế phẩm sinh học bằng quá trình lên men, các chế phẩm thay thế thuốc bảo vệ thực vật cần được các ngành Nông nghiệp, Khoa học công nghệ nghiên cứu sâu, tổng kết thành các công thức phù hợp nguyên liệu sẵn có của từng địa phương trong tỉnh.

 

Việc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cần khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để hỗ trợ cho nông dân sản xuất đại trà, quy mô lớn. Việc sản xuất, phối trộn thức ăn tinh trong chăn nuôi gà, lợn nên khuyến khích các hợp tác xã hoặc một hộ gia đình trong nhóm hộ thực hiện, phân phối để thuận lợi trong bảo quản, dự trữ nguyên liệu sản xuất và đầu tư thiết bị. Hiện nay, việc tiêu thụ gạo đang do các doanh nghiệp ngoại tỉnh đến mua trực tiếp từ các hộ dân; lợn sau khi xuất chuồng đang được mổ thịt bán nội bộ. Để nông dân yên tâm sản xuất rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp từ khâu thu mua, sơ chế lúa nguyên liệu đến xay xát, đóng gói, xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng và uy tín của sản phẩm.

 

Việc tiêu thụ “lợn sạch” trước hết nên tổ chức các kênh cung cấp cho thị trường trong tỉnh, tại các siêu thị trên địa bàn, từng bước mở rộng ra thị trường các tỉnh, thành trong nước.                      

 

Tác giả bài viết: Hồ Đại Nam

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay15,028
  • Tháng hiện tại22,015
  • Tổng lượt truy cập8,431,657
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây