Xã Gio Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã có cách làm hay để đạt được hai tiêu chí thu nhập và môi trường để về đích nông thôn mới một cách bền vững
Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) thì thu nhập và môi trường là hai nội dung mà các địa phương ở tỉnh Quảng Trị đều gặp khó. Thế nhưng, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh đã có cách làm hay để đạt được hai tiêu chí trên và về đích một cách bền vững. Làm trước hai tiêu chí khó nhất Xã Gio Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện Gio Linh được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận xã đạt chuẩn NTM. Ông Đỗ An Chung, Chủ tịch UBND xã Gio Sơn cho biết trong xây dựng NTM, nhiều nơi tiêu chí thu nhập và môi trường rất khó thực hiện đạt chuẩn. Xác định đây là hai tiêu chí khó khăn nhưng không thể không thực hiện được, vì đã có sự nhất trí cao của toàn dân nên xã chọn làm trước. Theo ông Chung, để đạt được tiêu chí thu nhập, xã đã tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kết hợp với huyện triển khai hỗ trợ các giống rau màu, cây ăn trái, nhằm phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng lao động. Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Nam Đông cho biết nhờ xã tổ chức lại sản xuất tốt, khu rẫy nhà bà ngoài trồng hồ tiêu còn phát triển thêm chăn nuôi nên có được một khoản thu nhập gấp đôi bình thường trên cùng diện tích đất. Cái hay ở Gio Sơn là ngay sau khi phát động xây dựng NTM, cán bộ và nhân dân đã tích cực tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Xã đã huy động hơn 30 tỷ đồng từ nhiều kênh khác nhau để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang nông thôn. Đến nay, đã hoàn thành 100% đường xóm, xã. Ngoài ra, kiên cố hóa thêm nhiều tuyến kênh mương cùng các công trình quan trọng khác. Nhờ có giải pháp thực hiện phù hợp và tập trung cao để phát triển kinh tế nên đời sống người dân từng bước được cải thiện đáng kể. Nếu năm 2011 tổng thu nhập toàn xã hơn 36 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người gần 12 triệu đồng, thì năm 2016 tổng thu nhập toàn xã là trên 50 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 26 triệu đồng. Tỷ tệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 2 đến 2,5%. Giải quyết xong cái ăn no sau đó mới đến ăn ở sạch. Năm 2012, UBND xã Gio Sơn thí điểm thành lập tổ thu gom rác ở thôn Nam Đông nhằm thu gom rác thải, làm cho môi trường xanh-sạch-đẹp. Trong những cuộc họp, hội nghị, tập huấn cán bộ thôn, xã đều tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ môi trường. Hệ thống loa phát thanh, tờ rơi về cách thu gom, xử lý rác thải được in, phát thường xuyên cho người dân. Mỗi tháng, mỗi hộ dân đóng 10 ngàn đồng để các chi hội phụ nữ trong xã thay phiên nhau đến tận nhà thu gom rác thải đưa đến bãi rác tập trung để xử lý. Nước thải và phân từ chăn nuôi được xã Gio Sơn xử lý bằng cách xây hầm biogas, phân được ủ trước khi sử dụng, không thải trực tiếp nước, phân và chất thải ra môi trường. Trong sản xuất nông nghiệp đã hạn chế được việc sử dụng thuốc BVTV, thu vỏ chai, lọ, vỏ bao đựng đến nơi quy định để xử lý. Ban nông nghiệp xã luôn khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ, không dùng phân tươi bón trực tiếp cho rau xanh, hoa màu. Chính sách đúng đắn đã tạo được lòng tin, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Đến nay, 5 thôn của xã đều có tổ thu gom rác thải với đội ngũ nhân viên trên 600 chị em luân phiên nhau thu gom rác hàng tuần. Xã còn phát động ngày “Chủ nhật xanh”. Cứ vào chủ nhật hàng tuần, từ chủ tịch xã đến người nông dân đều tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, nghĩa trang, địa điểm cộng cộng, trường học. Bài học rút ra Ông Đỗ An Chung đánh giá chương trình xây dựng NTM ở Gio Sơn đã mang lại hiệu quả thiết thực và tạo được sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân. Bài học kinh nghiệm được ông Chung xác định quan trọng nhất, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM... để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân hiểu rõ. Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và toàn thể nhân dân trên dưới đoàn kết một lòng, cùng chung tay, chung sức thì sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trong quá trình tổ chức thực hiện. Phải đặt ra mục tiêu cụ thể, phát huy sức mạnh tổng hợp để huy động nguồn lực như sức dân, vốn HTX, từ đất đai, tài nguyên, con em xa quê. Lồng ghép các dự án, các nguồn vốn khác để xây dựng NTM. Xây dựng NTM là một nhiệm vụ lâu dài, trên tất cả mọi lĩnh vực nên phải lựa chọn nhiệm vụ nào có thế mạnh triển khai thực hiện làm trước, khó thì tìm cách tháo gỡ làm dần qua các năm. Những nhiệm vụ không cần kinh phí mà vẫn có thể thực hiện được, thì vận động toàn dân tích cực tham gia trên cơ sở phát huy nguồn lực và lợi thế của địa phương với phương châm mọi nhà, mọi người chung tay xây dựng NTM. Phân tích lợi thế bền vững trong xây dựng NTM ở xã Gio Sơn, ông Chung chỉ rõ, xã Gio Sơn hôm nay đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, phấn đấu để về đích NTM đúng lộ trình đã khó, để duy trì xã đạt chuẩn NTM lại càng khó hơn. Bởi một số tiêu chí sẽ bị biến động như thu nhập, hộ nghèo, môi trường, văn hóa. Vì thế cán bộ và nhân dân Gio Sơn tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được lên một giai đoạn mới, bền vững hơn. Trong đó, tiêu chí nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Xã Gio Sơn phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đạt mức 40 triệu đồng/người/năm. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã nhằm tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.