Vùng núi Hướng Hóa (Quảng Trị) có nhiều tiểu vùng khí hậu thích hợp để phát triển nhiều loại cây nông nghiệp, nhất là cây ngắn ngày mang tính đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhằm tạo sự phong phú các chủng loại cây trồng, vật nuôi cung cấp cho người tiêu dùng, dựa trên đặc điểm thời tiết, khí hậu, những năm qua, huyện Hướng Hóa đã thực hiện thí điểm một số giống rau mới kết hợp với phương pháp canh tác rau sạch đang dần khẳng định sự thích nghi và cho hiệu quả khá, góp phần làm phong phú thêm tập đoàn cây rau màu trên địa bàn và cung cấp cho thị trường sản phẩm rau sạch.
Trồng thí điểm các loại giống rau mới ở huyện Hướng Hóa, bên cạnh việc triển khai của chính quyền địa phương còn có sự hỗ trợ của các tổ chức hội, đoàn thể để thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của các chi hội phụ nữ huyện Hướng Hóa đã tổ chức nhiều mô hình sản xuất rau sạch, giống mới, giúp chị em cải thiện đáng kể thu nhập. Gia đình chị Ngô Thị Lý Tín ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa mấy năm trước đây canh tác trong mảnh vườn nhỏ 2 sào chủ yếu là rau khoai lang lâu cho thu hoạch và giá trị thấp. Từ khi Hội LHPN thị trấn Lao Bảo phát động trồng rau sạch, chị tiến hành trồng thử các giống rau mới và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trước. Chị Tín đã trồng các loại rau mới như cải mèo Sơn La, cải bó xôi, xà lách tím, súp lơ xanh... với phương pháp canh tác sạch. Đây là các loại rau phù hợp với vùng có khí hậu mát mẻ nên thích ứng với vùng cao miền núi của tỉnh. Trồng các loại rau này, thời gian trồng ngắn hơn rau khoai, từ khi trồng cho đến khi thu hoạch chỉ mất khoảng từ 16- 18 ngày. Chị Tín cho biết: “Nhà tôi trồng rau chỉ bón phân chuồng và vỏ cà phê đã ủ hoai mục, chứ không sử dụng phân đạm, phân lân và cũng không phun thuốc trừ sâu hay chất kích thích tăng trưởng. Vì thế khi cần thu hoạch vào giai đoạn nào cũng được hết miễn sao rau đạt chất lượng và sản lượng cao nhất, rau sạch hoàn toàn”.
Đến khi thu hoạch, để đảm bảo chất lượng rau tươi ngon, không quá lứa, chị Tín gọi thương lái đến bán tại vườn và ngày nào chị cũng có rau tươi cung cấp. Nhà chị Tín ít nhân công lao động nên chị chọn bán rau cho thương lái để còn thời gian tiếp tục tái canh đợt rau tiếp theo. Vì rau nhà chị Tín đảm bảo sạch nên việc bán rau cho thương lái gặp nhiều thuận lợi. Giá rau sạch hiện nay giao động từ 12- 20 ngàn đồng/kg tùy loại. Mỗi ngày chị thu nhập từ việc bán rau sạch được 200- 300 ngàn đồng. Như vậy, mỗi năm với 2 sào đất vườn, chị Tín thu nhập được hơn 75 triệu đồng từ sản xuất rau.
Chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình ở huyện Hướng Hóa phát động với nhiều mô hình sản xuất phong phú phù hợp với điều kiện của từng địa phương để các Hội Phụ nữ ở cơ sở triển khai. Chẳng hạn như các xã Tân Liên, Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh thì trồng nhiều cây gia vị, rau tầng ơ, xà lách...; các xã vùng Bắc Hướng Hóa trồng các loại cây hoa màu lấy củ như môn, từ, tía.... Hội LHPN thị trấn Lao Bảo đã chọn mô hình trồng rau sạch, an toàn với các giống rau mới làm khâu đột phá trong mục tiêu cải thiện sinh kế cho hội viên phụ nữ. Ngoài việc tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, Hội LHPN thị trấn Lao Bảo còn được Hội LHPN huyện tạo điều kiện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn cho hội viên. Nhờ đó, phần lớn hội viên của Hội Phụ nữ thị trấn Lao Bảo đều được đào tạo nghề trồng rau và có vốn để đầu tư sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa cho biết: “Hội Phụ nữ huyện thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp của huyện để tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho hội viên phụ nữ các xã phát triển rau sạch. Hiện nay, nhu cầu rau sạch tăng cao nên việc trồng rau sạch mang lại thu nhập khá cho người dân. Hội Phụ nữ có chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho hội viên đã chọn sản xuất sau sạch là rất đúng hướng và thực tế triển khai đạt hiệu quả tốt”.
Ngoài việc hỗ trợ sản xuất, Hội Phụ nữ thị trấn Lao Bảo còn tìm kiếm thị trường, hỗ trợ chị em trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Do đó, phần lớn rau sạch trên địa bàn thị trấn Lao Bảo do hội viên phụ nữ sản xuất ra đều được tiêu thụ hết. Trong thời gian tới, theo chị Võ Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Lao Bảo sẽ nhân rộng mô hình này ra nhiều hơn nữa, một mặt mở rộng diện tích, mặt khác đưa vào sản xuất thêm nhiều giống rau mới để tạo sự phong phú sản phẩm cung cấp cho thị trường. Việc tổ chức sản xuất rau sạch, giống mới không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên mà còn cung cấp ra thị trường những sản phẩm rau sạch có chất lượng cao, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất rau sạch với nhiều giống rau mới đang mang lại hiệu quả cao và tạo nhiều việc làm cho người dân vùng cao huyện Hướng Hóa. Không chỉ thế, việc sản xuất rau sạch còn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, yếu tố quan trọng để phát triển sản xuất bền vững.