Ghi nhận từ phong trào "Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương" ở Gio Sơn

Thứ hai - 20/03/2017 04:07
Phong trào thi đua “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Gio Sơn (Gio Linh). Chính phong trào đã tạo nên một bước đột phá mới để xã Gio Sơn sớm về đích trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Chính quyền xã Gio Sơn (Gio Linh) có nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập
Chính quyền xã Gio Sơn (Gio Linh) có nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập

Trở lại xã Gio Sơn vào những ngày đầu tháng ba, đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui tươi, phấn khởi của người dân vì đời sống có nhiều cải thiện. Đặc biệt, thời gian này giá cao su đang tăng nên nhiều hộ rất phấn khởi. Ghé thăm cơ ngơi khang trang của ông Nguyễn Viết Dương, thôn An Khê, một ngôi nhà kiên cố tọa lạc giữa màu xanh um của những gốc tiêu sai hạt. Ông Dương phấn khởi cho biết: “Phong trào thi đua “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” đã tạo thêm động lực để người dân địa phương thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ cải tạo vườn tạp, chọn đúng cây trồng phù hợp mà kinh tế gia đình tôi đã có sự thay đổi rõ nét”. Phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đất đỏ ba dan, thời gian qua, ông Dương đã cải tạo vườn tạp để trồng 500 gốc tiêu. Đến nay, vườn tiêu của ông đã cho thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình.

 

Năm được mùa nhất, ông thu hoạch khoảng 6 tạ tiêu khô, thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài trồng tiêu, ông Dương còn tận dụng diện tích đất đồi để nhận trồng thêm 1 ha cao su, hiện nay đã cho thu hoạch. Vào thời điểm cao su được giá như hiện nay, bình quân mỗi ngày ông thu nhập khoảng 400 ngàn đồng (1 tháng cạo mủ cao su khoảng 20 ngày). Khi kinh tế phát triển, đời sống ổn định, ông Dương có điều kiện để chăm lo cho các con ăn học, xây dựng được nhà cửa khang trang và sắm các phương tiện đi lại. Trò chuyện với chúng tôi, ông Dương cho biết thêm: “Bên cạnh việc tận dụng diện tích đất vườn để mở rộng thêm diện tích trồng tiêu, tôi đang nghiên cứu trồng thử nghiệm hồ tiêu bằng trụ bê tông, nếu mô hình này thành công, năng suất cây tiêu tăng, phát triển bền vững hơn việc trồng trên trụ gỗ thì tôi sẽ dần chuyển đổi trụ để tăng thu nhập cho gia đình”.

 

Đến xã Gio Sơn bây giờ, không khó để tìm những mô hình kinh tế tổng hợp trên các lĩnh vực, từ kinh doanh, buôn bán tổng hợp đến các mô hình chăn nuôi, trồng trọt..., thu nhập bình quân đạt từ 100-500 triệu đồng/mô hình/năm. Để thực hiện tốt phong trào thi đua “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương”, xã Gio Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phối hợp với huyện Gio Linh mở các lớp tập huấn, lớp đào tạo nghề ngắn hạn nhằm chuyển giao KHKT, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân...Từ đó đã giúp người dân nắm bắt thông tin thị trường, cung ứng vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm để phát triển sản xuất. Để có thêm nguồn vốn, chính quyền địa phương đã ký cam kết với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay toàn xã đã xây dựng được 11 tổ vay vốn với 463 thành viên, dư nợ 8,2 tỷ đồng và xây dựng được 11 tổ tiết kiệm...

 

Để thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua, chính quyền địa phương còn tổ chức cho các ban, đoàn thể cấp xã, thôn ký cam kết thi đua với những kế hoạch, chỉ tiêu thực hiện cụ thể. Nhờ vậy, sau 5 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” đã tạo được bước chuyển biến rõ nét trên địa bàn xã Gio Sơn. Toàn xã hiện có 115 hộ trồng cao su tiểu điền với tổng diện tích 167 ha, trong đó 130 ha đã cho khai thác; 42 ha hồ tiêu đã cho thu hoạch... Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được người dân đầu tư thực hiện đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện trên địa bàn có 45 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; trên 300 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, thu hút trên 500 lao động tham gia...

 

Kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện, từ đó số hộ nghèo của địa phương hàng năm cũng giảm đáng kể. Trong giai đoạn từ năm 2011-2016, toàn xã Gio Sơn có 61 hộ thoát nghèo, có gần 39% hộ có kinh tế khá giả. Kinh tế phát triển, đời sống ổn định, nhân dân xã Gio Sơn đã phấn khởi chung tay cùng địa phương từng bước hoàn thiện những cơ sở hạ tầng thiết yếu. Từ năm 2012 đến nay, đã có trên 300 hộ dân hiến đất với diện tích 40.000 m2 và các công trình xây dựng với giá trị ước tính trên 30 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công để góp phần hoàn thiện các tuyến đường giao thông trong xã. Nhờ vậy đến nay, xã Gio Sơn đã có 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa.

 

Ngoài ra, các công trình trường học, trạm xá, chợ... cũng được đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, người dân đã chủ động tham gia bàn bạc, quyết định và tự nguyện đóng góp xây dựng các công trình, đã có nhiều công trình do người dân trực tiếp thi công, từ đó đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Khi phong trào thi đua “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” được triển khai có hiệu quả cũng đã góp phần tạo sự chuyển biến trong phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường tại địa phương.

 

Công tác xã hội hóa, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử- văn hóa được triển khai thực hiện; chất lượng các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa được nâng cao. Công tác giáo dục ngày càng phát triển mạnh, việc quan tâm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng; vệ sinh môi trường thực hiện tốt. Với sự phát triển đồng bộ, tích cực trên tất cả các mặt đã tạo cho Gio Sơn một diện mạo mới trong quá trình phát triển.

 

Đến cuối năm 2015, địa phương đã hoàn thành 19 tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM. Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới xã Gio Sơn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” với nhiều giải pháp cụ thể. Đó là tăng cường tuyên truyền, nêu gương các mô hình, điển hình tiên tiến; tiếp tục huy động nội lực, phát huy ngoại lực để phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, đặc biệt chú trọng các mô hình sản xuất xa khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường. Thực hiện chỉnh trang nông thôn gắn với xây dựng NTM, tập trung nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống của người dân cả về vật chất và tinh thần.

 

Tác giả bài viết: Lệ Như

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập79
  • Hôm nay6,987
  • Tháng hiện tại12,622
  • Tổng lượt truy cập8,422,264
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây