Sinh ra ở làng quê “chân cát, chân đồng” đầy gian khó thôn Ba Du, cũng như nhiều thanh niên khác, Tám sớm khăn gói vào miền Nam mưu sinh. Dù đã luôn nỗ lực nơi đất khách quê người, làm nhiều nghề nhưng cuộc sống của anh vẫn chật vật. Những năm tháng lăn lộn ở miền Nam, Tám đã cưới vợ và lần lượt có 2 đứa con. Tuy vậy, cuộc sống khó khăn đã khiến nhiều đêm Tám trằn trọc suy nghĩ không biết phải làm gì khác để nuôi vợ con có cuộc sống tốt hơn. “Vợ chồng cố gắng làm việc hết sức nhưng quả thật cuộc sống nơi đây quá vất vả, chẳng dành dụm được gì nhiều. Thế rồi hai vợ chồng bàn nhau trở về quê tìm kế làm ăn mong sớm vươn lên”, Tám cho hay.
Về quê, gom góp được ít vốn liếng, vợ Tám mở quán tạp hóa nhỏ bán ở làng còn Tám xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Thời gian đầu chưa quen với chăn nuôi, Tám gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lần lợn, gà bị bệnh và thiệt hại đáng kể. Để việc làm ăn thuận lợi, Tám mày mò học hỏi kinh nghiệm từ những người chăn nuôi lớn trong vùng rồi chịu khó đọc thêm sách, báo, xem các chương trình trên tivi hướng dẫn chăn nuôi để tích lũy kiến thức. Nhờ chịu khó, cần cù, không quản ngại gian khó và áp dụng tốt kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được, dần dần mô hình chăn nuôi của anh đi vào ổn định và bắt đầu cho lãi.
Hiện bình quân mỗi lứa, anh Tám thả nuôi gần 200 lợn thịt (3 lứa/năm); gà thịt 1.500 con, ngan 400 con… Ngoài ra, anh cũng đào 3 hồ cá với diện tích khoảng 5 sào chuyên nuôi cá trê lai, rô đầu vuông, rô đồng. “Từ khu chăn nuôi, vài năm qua mỗi năm sau khi trừ mọi chi phí, vợ chồng tôi có lãi trên 120 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình từng bước khấm khá, các con được ăn học đầy đủ. So với thời làm công nhân trong miền Nam thì cuộc sống hiện tại của vợ chồng tôi được cải thiện hơn rất nhiều”, anh Tám chia sẻ thêm.
Được sự vận động, hỗ trợ về kinh phí, đất đai của chính quyền địa phương, đầu năm 2018, anh Tám đã dần di dời khu chăn nuôi của mình ra vùng cát xa khu dân cư. Anh được bố trí khu đất rộng 2 ha. Trong khu đất này, anh đã thuê máy đào hồ thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi lợn, chuồng gà, trồng cây bóng mát, be bờ đắp đập, trồng cây xanh làm vành đai chắn gió, cát… để mở hướng làm ăn lâu dài, bền vững. “Sắp tới, vợ chồng tôi tiếp tục mở rộng trang trại chăn nuôi lớn hơn, tìm tòi thêm những cây trồng vật nuôi phù hợp và có giá trị kinh tế cao. Hy vọng chỉ vài năm nữa thôi, khu trang trại của tôi sẽ có mức thu nhập lớn hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương”, anh Tám bộc bạch.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn