Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng khẳng định: “Các HTX sau khi chuyển đổi đã hoạt động ổn định theo Luật HTX năm 2012. Thông qua hoạt động, các HTX và tổ hợp tác đã tích cực hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội ở địa phương. Hầu hết các HTX đã thực hiện được dịch vụ thu hoạch lúa, trên 60% HTX liên kết với doanh nghiệp để thực hiện dịch vụ phân bón có hiệu quả, một số HTX liên kết với doanh nghiệp để thực hiện dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, điển hình như HTX Kinh Môn (Trung Sơn), HTX Phước Thị (Gio Mỹ), HTX Quang Hạ (Gio Quang)…”. Để hỗ trợ, giúp người dân an tâm sản xuất, huyện Gio Linh đã chú trọng phát triển kinh tế tập thể. Nhưng để đa dạng hóa ngành nghề và phù hợp với điều kiện từng vùng, nhiều HTX nông nghiệp đã chuyển đổi mục đích hoạt động. Phần lớn các HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi hoạt động đã thực hiện các dịch vụ sản xuất như tổ chức sản xuất, cung ứng giống, các dịch vụ thủy nông, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thu hoạch; làm cầu nối chuyển giao khoa học-kỹ thuật từ công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công của nhà nước…với tổng doanh thu năm 2017 trên 15 tỷ đồng.
Ở HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ có 70 hộ tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ. Vụ hè thu năm 2018 HTX đưa vào sản xuất 20 ha lúa, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt 70 tạ/ha, sau khi trừ các khoản chi phí, lãi khoảng 35 triệu đồng/ha... Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Phước Thị cho biết: “Từ khi triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa sạch, nông dân được rất nhiều cái lợi. Đó là người dân đã có sự liên kết để sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thực hiện đúng cam kết về kỹ thuật và không phải lo tìm đầu ra sản phẩm. Mặt khác, việc tuân thủ không sử dụng thuốc BVTV đã thay đổi thói quen sản xuất theo phương thức truyền thống, góp phần cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng, cải tạo đất, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cho chính người dân. Vì thế HTX chúng tôi dự kiến trong vụ đông xuân tới sẽ liên kết mở rộng diện tích lên 50 ha lúa sạch cho khoảng 115 hộ tham gia”.
Với đặc thù nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, vậy nhưng xã Gio Châu là địa phương thường xuyên mất mùa do thiên tai, lũ lụt, sâu bệnh…Mặc dù năng suất lúa đạt thấp nhưng nông dân chậm thay đổi về nhận thức, thường xuyên gieo cấy những bộ giống cũ, dài ngày và gieo cấy muộn so với lịch thời vụ của huyện đề ra. Trước thực trạng đó, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo sát sao tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương, đặc biệt là củng cố hoạt động các mô hình HTX, tổ hợp tác và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, trong vụ sản xuất đông xuân 2017-2018, sản xuất nông nghiệp ở xã Gio Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực từ việc tuân thủ đúng lịch thời vụ, thay đổi khâu làm đất, cơ cấu lại bộ giống và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh. Các HTX, tổ hợp tác đã chủ động đưa các loại giống mới ngắn ngày, năng suất cao vào sản xuất đại trà như Thiên Ưu 8, HN6 nên năng suất tăng đột biến, đạt 61 tạ/ ha. Tuy nhiên để sản xuất nông nghiệp ở xã Gio Châu tăng trưởng bền vững trước hết cần phải đưa vào sản xuất đại trà các bộ giống mới, ngắn ngày. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng HTX, tổ hợp tác để lựa chọn các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn để đưa vào sản xuất. Ngoài các yếu tố về giống và kỹ thuật thâm canh, công tác thủy lợi cần phải được quan tâm. Các HTX, tổ hợp tác cần có kế hoạch chuyển đổi một số diện tích không có khả năng tưới sang trồng các loại cây trồng khác. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhằm tăng sản phẩm hàng hóa, làm tốt hơn nữa dịch vụ đầu ra cho nông dân yên tâm phát triển sản xuất có hiệu quả.
Trao đổi về định hướng phát triển kinh tế hợp tác xã và tổ hợp tác, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng khẳng định: “Các mô hình kinh tế HTX và tổ hợp tác đã mang lại những kết quả tích cực về phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương. Vì thế Gio Linh tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể về phát triển kinh tế tư nhân nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ thành lập mới các HTX, tổ hợp tác khi có đủ điều kiện. Riêng trong năm 2018 đã thành lập mới được 3 HTX và sắp tới triển khai các bước thành lập mới HTX ở một số xã miền tây của huyện. Tập trung chuyển đổi thành mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, sản xuất và cung cấp dịch vụ theo hướng chuyên sâu. Rà soát, đánh giá thực trạng kinh tế trang trại, ngành nghề nông thôn để điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các loại hình kinh tế này phát triển bền vững, tiếp cận các tiêu chí mới về trang trại, làng nghề truyền thống và các thành phần kinh tế tư nhân”.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn