Tuy là một xã biên giới, ở xa Trung tâm huyện lại có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng để thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, trong những năm qua, xã A Ngo, huyện Đakrông đã có nhiều biện pháp phù hợp. Cùng với tuyên truyền, vận động, làm cho người dân có ý thức thay đổi tập quán làm ăn, xã đã đầu tư xây dựng cá công trình phúc lợi, phục vụ sản xuất và dân sinh, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế. Nhờ thâm canh lúa nước, mở rộng diện tích ngô, đặc biệt cây sắn và chăn nuôi gia súc, nuôi cá nước ngọt và trồng rừng, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, tính đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 8,2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND xã A Ngo nói với chúng tôi rằng: Một trong những vấn đề quan trọng được xã quan tâm đó là tìm cách để giúp cho người dân thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở khảo sát đất đai, khí hậu, chúng tôi hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật, chọn lựa 1 số loại cây, con chủ lực đưa vào sản xuất, chăn nuôi. Điều đáng phấn khởi là mấy năm trở lại đây, người dân đã từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước, dần dần thay đổi tập quán làm ăn, biết tìm cách để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, trong hơn 7 năm qua, huyện Đakrông đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện. Trên cơ sở cân đối các nguồn lực đầu tư của nhà nước, huyện đã lồng ghép với nhiều chương trình dự án, đã đầu tư 232 tỷ đồng xây dựng 70 công trình như đường giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nhà ở cho hộ nghèo. Cùng với đó, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ sản xuất và tăng cường tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 12,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm bình quân giảm 5,1%, cuối năm 2010 là 47,6 xuống còn 21,6% vào năm 2015. Giờ đây bộ mặt các bản làng ở huyện Đakrông đã có thêm nhiều thay đổi, 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã, có điện sinh hoạt, trường tiểu học, và trạm y tế, 100% xã được phủ sóng phát thanh, 90% xã được phủ sóng truyền hình, phần lớn các xã biên giới có hệ thống thông tin liên lạc. Đời sống của người dân được cải thiện một bước về điều kiện sống, người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, nhu cầu thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng như về nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập. Những kết quả của chương trình giảm nghèo đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, an sinh xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân trong những năm tới việc giảm nghèo còn gặp 1 số khó khăn.. Bà Ly Kiều Vân, Bí thư huyện ủy huyện Đakrông cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI đã chỉ rõ: Trong 5 năm tới, tập trung các giải pháp để hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo, trong đó đối với huyện Đakrông mỗi năm giảm từ 5 đến 6%. Để đạt được mục tiêu này, cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, huyện sẽ lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ chương trình 30a và các dự án khác và phát huy nội lực, trong đó xác định chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho những thôn bản còn nhiều khó khăn, tìm các giải pháp mang tính đột phá, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, thay đổi hình thức hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo. Đặc biệt quán triệt các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm hơn nữa đến công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng kế hoạch cụ thể và có các giải pháp thực hiện mang tính khả thi cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động về chương trình giảm nghèo.