Hiệu quả từ mô hình nuôi cá nước ngọt theo nhóm hộ gia đình
Chủ nhật - 04/09/2016 22:35
Từ nguồn vốn được mượn không tính lãi của Chương trình Hạnh Phúc (Dự án KOICA), nhóm hộ gồm 5 gia đình ở thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã đầu tư nuôi cá nước ngọt với quy mô lớn. Mô hình này cũng mở ra hướng đi mới trong nghề nuôi cá nước ngọt tại địa phương.
Theo định kỳ, các thành viên nhóm hộ nuôi cá nước ngọt gồm năm thành viên do anh Trần Văn Thắng làm nhóm trưởng có buổi hội ý để chuẩn bị các công việc liên quan đến nuôi cá. Qua 6 tháng triển khai mô hình nuôi cá nước ngọt theo nhóm hộ, vừa qua nhóm đã thu hoạch lứa đầu tiên. Cuộc họp lần này nhằm thống kê chi phí các khoản và lợi nhuận thu được. Sau khi bộ phận kế toán tính toán các khoản, tổng thu vụ cá vừa rồi được hơn 500 triệu đồng, kết quả thu hoạch vụ đầu tiên khiến các thành viên đều phấn khởi.
Anh Trần Văn Thắng giải thích thêm: “Vừa rồi do chờ nguồn vốn của Chương trình Hạnh Phúc nên chúng tôi triển khai nuôi muộn, thành ra thay vì phải ương giống hoặc mua giống cá bé, để kịp vụ phải mua giống cá lớn hơn nên kinh phí tăng lên. Nhưng vụ nuôi “đầu tay đầu chân” mà thu được như vậy cũng đáng mừng rồi”.
Nhóm hộ anh Thắng triển khai nuôi cá nước ngọt trên diện tích khoảng 3ha, thuê lại bàu của thôn Nhật Lệ. Trên khoảng đất rộng đã hình thành ba khu vực hồ được be bờ vuông vắn, những thành viên nhóm hộ thôn Nhật Lệ khoe với chúng tôi rằng, để thành hình thành dáng như hôm nay, từ diện tích hồ bị bỏ hoang với lau lách và cỏ dại um tùm, các anh đã bỏ công sức không nhỏ. Bắt đầu từ việc thuê máy xúc, máy ủi để đào hồ đúng tiêu chuẩn, quy cách, xử lý hồ nuôi đảm bảo...tổng số tiền đầu tư làm hồ và chi phí nuôi lứa cá đầu tiên ngót nghét hơn 400 triệu đồng. Thuận lợi nhất của nhóm là được Chương trình Hạnh Phúc của tổ chức KOICA hỗ trợ cho mượn không tính lãi 20 ngàn USD, tương đương khoảng 420 triệu đồng trong thời gian 3 năm, còn lại các hộ đóng góp hơn 40 triệu đồng vốn đối ứng.
Anh Trần Văn Quyết, thành viên nhóm hộ cho biết thêm: “Việc nuôi cá nước ngọt vốn đã được các hộ gia đình tại địa phương thực hiện từ khoảng 15 năm nay. Tuy nhiên trước đây nhà ai nấy nuôi, nhỏ lẻ vậy nên cũng nhiều bất cập. Đó là tốn công chăm sóc, trông coi thường xuyên, không nắm kỹ thuật, sản lượng thu được có hạn nên đầu ra bấp bênh. Bây giờ nuôi tập trung khắc phục được nhiều vấn đề”.
Cái được nhất mà các thành viên tham gia nhóm hộ đều nhìn thấy rõ là việc áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc từ khâu xử lý ao nuôi đến chăm sóc, cách chế biến thức ăn, cho cá ăn sao cho đúng cách đã hạn chế tối đa dịch bệnh, đồng thời chất lượng cá thành phẩm đạt yêu cầu. Trước đây, các hộ chủ yếu nuôi cá tự nhiên nhưng bây giờ triển khai nuôi với quy mô lớn nên tập trung mua cá giống, thả nuôi các loại cá trắm, mè, chép, rô phi, cá trê...
“Thêm một cái mới nữa khi nuôi tập trung theo nhóm hộ là mọi hoạt động liên quan đến việc nuôi cá đều phải được các thành viên thống nhất. Ví dụ trước khi thả cá, thu hoạch hay quyết định số lượng mua cá giống đều phải có sự bàn bạc giữa các thành viên. Ngoài nhóm trưởng thì nhóm cũng cử ra kế toán, quản lý sổ sách liên quan đến việc thu chi các khoản, đảm bảo chặt chẽ nguyên tắc tài chính minh bạch”, anh Trần Văn Thắng, nhóm trưởng cho biết thêm. Sau khi thu hoạch lứa đầu tiên, hiện nhóm hộ anh Thắng đang khẩn trương xử lý lòng hồ để tự ươm cá giống chuẩn bị cho vụ tiếp theo .
Hiện tại, ngoài nhóm hộ của anh Trần Văn Thắng nuôi tập trung cá nước ngọt và được sự hỗ trợ cho mượn vốn của tổ chức KOICA, trên địa bàn xã Cam Thủy có khoảng 30 ha diện tích nuôi cá nước ngọt, chủ yếu tập trung ở các thôn Cam Vũ, Lâm Lang, Nhật Lệ. Ông Tạ Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết: “ Để giúp người dân phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt hiệu quả cao, thời gian qua Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện xây dựng các mô hình, đưa nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao để nhân rộng, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ, nhóm hộ nuôi cá nước ngọt. Thực tế ở địa phương cho thấy mô hình nuôi cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp từ 2-3 lần so với trồng lúa, chi phí đầu tư không cao, thời gian thu hoạch nhanh, đầu ra ổn định, rủi ro ít ”.
Những kết quả bước đầu của mô hình nuôi cá nước ngọt tập trung theo nhóm hộ ở xã Cam Thủy đang là một trong những hướng phát triển kinh tế mới, vừa đem lại hiệu quả thiết thực, vừa giúp các hộ dân gắn bó giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.