Hiệu quả từ mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm

Thứ sáu - 03/05/2019 23:22
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp thì việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất đặc biệt được coi trọng. Vụ Đông Xuân 2018-2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng sản xuất hàng hóa tại xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ. Hiện nay mô hình đã đến thời kỳ thu hoạch và mang lại những kết quả rất khả quan
Ông Lợi bên ruộng lạc của mình
Ông Lợi bên ruộng lạc của mình
Ông Nguyễn Đình Lợi thôn Phú Ngạn, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ có 6 sào (500m2/sào) đất màu tại xứ đồng Chăm thôn Phú Ngạn, vụ Đông Xuân năm nay gia đình ông Lợi tham gia vào chương trình dự án cải thiện nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên cây lạc với diện tích 3 sào. Do vùng ruộng Chăm có tính chất đất bùn sét, độ thoáng khí kém, nắng thì khô cứng nên cây trồng thường bị thiếu nước. Để phục vụ cho việc gieo trồng lạc, chương trình đã xây dựng cơ sở hạ tầng tưới phục vụ cho ruộng mô hình khi thời tiết khô hạn. Giống lạc chương trình đưa vào sử dụng là L14, giống có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng rộng, tỷ lệ nhân cao. Lạc được trồng trên luống có độ cao 15- 20 cm, mặt luống rộng 1,2 đến 1,5 m, rãnh 30 cm, mặt luống được chia thành 4-5 hàng chạy dọc theo chiều dài luống, bố trí gieo trồng với khoảng cách 22cm x 10cm x 1 hạt/hốc (45 cây/m2), độ sâu khi lấp hạt là không quá 6cm. Trong quá trình gieo cấy lạc đã ứng dụng cơ giới hóa bằng máy gieo hạt MGH-1.
Gặp chúng tôi trên ruộng lạc ông Lợi vui vẽ cho biết nhờ tham gia mô hình bản thân ông cũng như các hộ dân đã đã nắm bắt được các kỹ thuật mới như: sử dụng chế phẩm trichoderma nhằm gia tăng lượng vi sinh vật có ích trong đất, cải tạo đất; sử dụng đạm urê hạt vàng 46a+ thay thế urê thông thường nhằm giảm thất thoát phân bón và tăng hiệu quả sử dụng phân cho cây lạc. “Bao nhiêu năm, nay thấy đồng có vụ lạc khá. Tôi rất vui sướng vì kết quả trên ruộng lạc mô hình, năng xuất và chất lượng lạc đều cao hơn so với trồng đại trà, với 3 sào lạc trong chương trình này sẽ cho tôi thu nhập cao hơn 1.500.00 đồng so với 3 sào tôi trồng bên ngoài mô hình”, ông Lợi nói.
Mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa được triển khai tại HTX Thanh Sơn, thôn Phú Ngạn, xã Cam Thanh có 47 hộ tham gia với diện tích 10,68 ha. Tham gia mô hình các hộ đã được hỗ trợ 100% giống lạc L14 đảm bảo phẩm cấp và chế phẩm vi sinh, 30% phân bón nhả chậm và một phần kinh phí để mua máy gieo lạc.
Lạc là cây cần nhiều dinh dưỡng nhưng có thời gian sinh trưởng ngắn và phân hóa mầm hoa sớm nên cần bón phối hợp phân vô cơ phân hữu cơ, bón sớm và tập trung. Theo Kỹ sư Dương Hồng Phong cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết lượng phân bón mà chương trình áp dụng cho 1ha lạc là: Phân hữu cơ: 6-10 tấn; Đạm urê hạt vàng 46a+: 65kg; phân Lân lâm thao: 600kg; phân Kali clorua: 160kg; Vôi bột: 500kg; chế phẩm Trichoderma: 10kg; Toàn bộ lượng phân này sẽ chia làn 2 đợt bón chính là bón lót và bón thúc. Giai đoạn bón lót: Toàn bộ lượng phân hữu cơ, phân lân, 70% vôi và 70% phân đạm. Sau khi rạch hàng, phân hóa học được trộn đều vào hàng đã rach sẵn (hàng rạch sâu 10-15 cm), phân hữu cơ bón sau cùng. Lấp một lớp đất dày 2-3cm lên trên phân sau khi bón lót để khi gieo hạt không bị tiếp xúc vào phân; Giai đoạn bón thúc chia làm 2 lần: (i) lần 1: Giai đoạn lạc có 3-4 lá thật với 30% lượng đạm còn lại và 50% Kali, bón phân cách gốc 6-8cm, bỏ phân rồi lấp đất kết hợp làm cỏ lần 1; (ii) lần 2: bón lúc hoa tàn đợt một, 50% lượng Kali và 30% lượng vôi còn lại. Vôi bón sát gốc vào lúc lạc đâm tia, vì canxi không di động trong cây nên bón vôi trực tiếp vào gốc là tốt nhất. Ngoài ra Kỹ sư Dương Hồng phong còn cho biết, để lạc sinh trưởng và phát triển tốt cần làm tốt công tác tỉa dặm, xới xáo, làm cỏ: khi lạc có 2 lá thật nên tỉa dặm để đảm bảo mật độ; khi lạc có 3-5 lá thật: nhổ cỏ, xới xáo đất, kết hợp bón thúc; khi lạc có 9 lá thật, lạc bắt đầu ra hoa thì cuốc cỏ xới sâu 5-6cm gần gốc; khi hoa đợt một tàn: bón phân, vôi còn lại, kết hợp vun gốc cho lạc.
Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Thanh Oai - Phó Giám đốc HTX Thanh Sơn, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ chi biết: “Việc triển khai mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa tại thôn Phú Ngạn đã đạt được kết quả rất khả quan, đặc biệt là việc nâng cao mật độ cây lạc một cách hợp lý và sử dụng hệ thống tưới đã đảm bảo năng xuất cũng như hiệu quả kinh tế cho người sản xuất chúng tôi. Năng suất của ruộng lạc mô hình đạt 25 tạ/ha, cao hơn ruộng đại trà 3 tạ/ha. Việc triển khai mô hình thành công thì đây là nguồn giống tốt chúng tôi sẽ phục vụ cho các vụ sản xuất tiếp theo”.
Việc triển khai mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đã mang lại hiệu quả so với sản xuất truyền thống trên cả 3 mặt hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế và hiệu quả về mặt xã hội. Việc thực hiện phun chế phẩm sinh học Tricoderma xử lý trước khi gieo đã làm tăng thêm độ phì cho đất, hạn chế các loại sâu bệnh hại cho cây; áp dụng phương thức gieo bằng công cụ gieo sạ đã tiết kiệm giống, công lao động, làm cho cây lạc có mật độ đều hơn, cây thông thoáng, cây khỏe dể chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; có nước tưới nên lạc được cung cấp đầy đủ nước trong các giai đoạn sinh trưởng, phát triển; Năng xuất và sản lượng lạc trong mô hình đều cao hơn ruộng đại trà, ruộng mô hình cho lợi nhuận cao hơn ruộng đại trà từ 8 đến 10 triệu đồng/ha. Ngoài ra đã nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch Hội nông dân xã Cam Thanh cho biết: “Thông qua việc triển khai mô hình, cán bộ địa phương và nhân dân chúng tôi đã được tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thấy được những lợi ích thiết thực từ mô hình trồng lạc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm mang lại. Từ đây chúng tôi sẽ tuyên truyền vận động bà con học tập, ứng dụng và sản xuất đại trà trong thời gian tới, nhằm mang lại hiệu quả ngày càng cao”. Ngoài ra ông Thức cũng có những kiến nghị, đề nghị ban Quản lý dự án tiếp tục hỗ trợ kinh phí, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn và xây dựng mô hình các vụ tiếp theo để bà con nông dân tiếp cận nhiều hơn nữa với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, để áp dụng vào sản xuất nhằm tăng năng xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiên đại hóa nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tác giả bài viết: Phan Việt Toàn - Trung tâm KN Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay1,161
  • Tháng hiện tại31,266
  • Tổng lượt truy cập9,580,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây