Đưa hương vị cà phê Hướng Phùng bay xa
Ông Lê Đình Phức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa còn nhớ như in cảm giác hồi hộp khi lần đầu tiên được giới thiệu sản phẩm tại một hội nghị cấp cao, có rất nhiều đại biểu quốc tế tham dự. Đó là vào cuối tháng 11/2018, sản phẩm cà phê của HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa có mặt tại Hà Nội để tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị toàn thể ISG 2018: Phát triển Nông nghiệp - Dinh dưỡng bền vững: Hành động của Việt Nam để không còn nạn đói đến năm 2025. Đây là hội nghị thường niên giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT với các đối tác quốc tế, các cơ quan liên quan nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ để thực hiện các chương trình của Chính phủ.
Để đưa hương vị đặc trưng của cà phê từ một xã biên giới xa xôi của tỉnh Quảng Trị ra thủ đô, hành trang ông Phức mang theo không chỉ là các loại sản phẩm cà phê do HTX sản xuất mà còn có chiếc máy xay hạt cà phê và các dụng cụ pha chế cà phê chuyên dụng. “Tai nghe, mắt thấy sản phẩm cà phê do HTX sản xuất, đại biểu còn được nhâm nhi tách cà phê do chính bàn tay thiếu nữ Vân Kiều, là thành viên của HTX pha chế ngay tại hội thảo. Chúng tôi đã thật sự tạo ấn tượng khi đưa được trọn vẹn quy trình sản xuất cà phê của một HTX miền núi đến một hội nghị tầm cỡ quốc tế”, ông Phức chia sẻ. Ông Hoàng Đức Quyền, Trưởng Đại diện Dự án Phát triển sinh kế cho người dân tộc thiểu số (EMEE) ở huyện Hướng Hóa cho biết thêm: “Sản phẩm cà phê của HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa được các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ tham gia tại hội nghị lúc bấy giờ đánh giá là mô hình “người thật, việc thật”. Thưởng thức một li cà phê ngon đương nhiên thật tuyệt, nhưng sẽ ngon hơn rất nhiều khi biết rằng lần đầu tiên người nông dân ở một địa bàn vùng sâu, vùng xa tham gia và làm chủ được chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất, chế biến, tiếp thị cho đến thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Với vai trò cán bộ kĩ thuật, anh Tuấn tích cực hướng dẫn các thành viên HTX thay đổi phương thức chăm sóc cây cà phê. Ảnh: LT |
Ra đời vào tháng 3/2018, HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa hiện có 11 thành viên thì có đến 10 người là đồng bào dân tộc thiểu số. HTX quản lí 70 ha cà phê trong đó có 35 ha cà phê sản xuất hữu cơ. Tuy mới thành lập được một năm, địa bàn hoạt động ở một xã vùng biên giới, thành viên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng HXT Chân Mây Bắc Hướng Hóa đã khẳng định được vị thế của một HTX kiểu mới. Đây là một trong rất ít HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoàn thành chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Thành viên HTX mà chủ yếu là đồng bào dân thiểu số đã biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cà phê theo đúng tiêu chuẩn doanh nghiệp yêu cầu để có thể kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn gấp đôi thị trường và ổn định từ đầu đến cuối vụ. Không dừng lại ở đó, HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa đã chế biến thành công sản phẩm cà phê đóng gói dưới 2 dạng: cà phê phin và cà phê rang xay với thương hiệu Cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây. Hiện sản phẩm Cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây của HTX đã được ngành chức năng kiểm định chất lượng, cấp mã vạch, công bố chất lượng để lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, Ban quản trị HTX còn biết ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường qua website riêng với tên miền htxchanmay. com. Đây cũng là HTX đầu tiên ở Quảng Trị có kế hoạch định hướng cụ thể trong việc đào tạo nhân lực khi đầu tư kinh phí trên 100 triệu đồng để cho 5 thành viên và con em thành viên tham gia học nghề về rang xay, pha chế cà phê tại thành phố Hồ Chí Minh và Hội An (tỉnh Quảng Nam) nhằm phục vụ nhu cầu chế biến sâu về sản phẩm cà phê trong tương lai của HTX.
Tầm nhìn của một giám đốc
Dù bây giờ chuyện sử dụng điện thoại liên lạc không còn xa lạ gì với người dân nhưng ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng vẫn là điều khó thực hiện bởi đây là địa bàn vùng biên giới, sóng điện thoại rất yếu nên không phải lúc nào cần cũng gọi điện được. Vậy nên dù là thời đại công nghiệp 4.0, muốn gặp được người dân ở đây vẫn phải đến gõ cửa từng nhà vào ban đêm. Nói vậy để thấy rằng, làm việc với bà con ở đây không chỉ bắt tay chỉ việc, nói đi đôi với làm mà còn phải kiên trì và tâm huyết. Chỉ riêng thao tác thu hoạch cà phê tươi phải đạt 100% quả chín, không tạp chất trộn lẫn theo đúng cam kết với doanh nghiệp, Hội đồng quản trị HTX đã phải có những cuộc họp đến nửa đêm với các thành viên.
Để tập hợp được những nông dân vốn chỉ quen với tập quán canh tác nương rẫy sang việc sản xuất hàng hóa theo yêu cầu thị trường là việc làm cần có thời gian và có người tiên phong dẫn đầu. Dẫu biết không dễ dàng nhưng ông Phức vẫn tự nguyện đứng ra đảm nhiệm công việc ấy. Dưới cái nắng đầu mùa, ông không quản ngại lên rẫy hướng dẫn tỉ mỉ từng thành viên HTX cách tỉa cành đúng cách cho cây cà phê trồng mới, ông nói như phân bua: “Mô hình HTX kiểu mới thì giám đốc hay ông chủ cũng phải đi làm, kinh doanh thật, dân họ mới tin, mới vào HTX”. Trước khi đảm nhiệm vai trò quản lí HTX, ông Phức từng có thời gian gắn bó với ngành Nông nghiệp khi làm việc ở một nông trường cao su ở Đông Nam Bộ. Sau này về Hướng Phùng sinh sống, ông mở công ty kinh doanh dịch vụ xăng dầu và vật liệu xây dựng nhưng vẫn biết cách tận dụng những lợi thế đất đai, khí hậu đặc thù ở vùng đất này, cộng với kinh nghiệm tích lũy được để trồng cây cà phê, cao su. Gắn bó nhiều với ngành Nông nghiệp, lại có tư duy nhanh nhạy theo kiểu kinh tế thị trường của một chủ doanh nghiệp tư nhân nên khi bắt tay vào quản lí HTX, ông Phức đã có cách nghĩ và làm rất thực tế. Ông nhận thấy làm nông nghiệp nếu chỉ sản xuất theo kiểu manh mún, cung cấp nguyên liệu thô ra thị trường thì chỉ có thể lấy công làm lãi. Từ thực tế sản xuất của người dân địa phương, ông hiểu một trong những nguyên nhân khiến cà phê Hướng Hóa chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường do chưa được sản xuất theo quy trình sạch, vì thế dễ bị ép giá hoặc bán với giá thấp. Mong muốn hỗ trợ người dân làm chủ sản phẩm do mình làm ra để thay đổi cuộc sống khó khăn của chính họ là động lực thôi thúc ông liên kết với những nông dân trong vùng để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ông Phức lấy vườn cây của mình ra làm mô hình thí điểm, trình diễn ứng dụng tất cả các tiến bộ khoa học vào canh tác để bà con học tập. “Để thay đổi được thói quen canh tác thì không chỉ hướng dẫn kĩ thuật mà còn phải cho bà con thấy rõ lợi ích của việc thay đổi. Vườn cà phê tôi chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn gấp đôi thị trường thì bà con sẽ làm theo thôi”. Nghe ông nói, nhìn ông làm chúng tôi hiểu rằng muốn phát triển HTX lớn mạnh, cần có giám đốc giỏi, có tâm với nông dân, có tầm nhìn rộng lớn, có kế sách phát triển thị trường tốt.
Ông Phức giới thiệu sản phẩm cà phê của HTX tại Hội nghị toàn thể ISG 2018. Ảnh: NVCC |
Dù vai trò của mình không nhỏ nhưng khi nói về sự thành công của HTX, ông Phức luôn nhắc tới sự đóng góp, đồng hành của Dự án EMEE ở huyện Hướng Hóa. “HTX ra đời dựa trên nền tảng ban đầu của nhóm hộ sản xuất cà phê hữu cơ do dự án xây dựng. Nếu như trước kia, khi chưa biết đến việc sản xuất cà phê sạch, người nông dân chỉ quen canh tác cà phê theo quán tính và kinh nghiệm truyền tai nhau dẫn đến chất lượng sản phẩm cà phê ngày càng thấp. Đã có một thời gian dài, người trồng cà phê ở Hướng Hóa nói chung và xã Hướng Phùng nói riêng phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là không có sự liên kết giữa người nông dân với nông dân. Sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp còn hạn chế, nên giá sản phẩm xuống thấp tưởng như cây cà phê không trụ vững ở vùng đất này. Vậy nên khi năm 2015, Dự án EMEE hỗ trợ nông dân vùng Hướng Hóa sản xuất cà phê sạch bền vững, thân thiện môi trường, an toàn với người sản xuất và tiêu dùng thông qua các nhóm hộ đã giúp người dân tiếp cận với quy trình trồng và chăm sóc cà phê chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn cà phê, thu hái hạt cà phê khi quả quả chín đạt từ 99% trở lên… Đó là tiền đề rất quan trọng để HTX xây dựng nên một mối quan hệ sản xuất hợp tác có kĩ thuật, kỉ luật”, ông Phức khẳng định.
Cú hích từ cán bộ trẻ
Có được hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu đến cuối vụ cho các thành viên với mức giá ổn định 10.000 đồng/kg, trong khi giá sản phẩm quả cà phê tươi trong vùng chỉ ở mức 4.000 đồng/kg, lại còn bấp bênh phụ thuộc thương lái là sự một trong những lợi ích thiết thực nhất mà HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa đã mang về cho thành viên.
Hôm chúng tôi đi theo cán bộ HTX đến rẫy phê của chị Hồ Thị Thăng, dù gần cuối vụ thu hoạch nhưng 2 ha cà phê của gia đình chị vẫn còn những cành cà phê trái to, căng mọng, được đánh giá có đến 90% trái đạt chất lượng doanh nghiệp yêu cầu. Chị Thăng khẳng định: “Có được vụ cà phê bội thu như thế này là nhờ HTX hướng dẫn kĩ thuật, hỗ trợ vật tư, bao tiêu sản phẩm. Vào HTX là mua chung, bán chung, mua phân bón chung thì giá thấp, hàng thật; bán cà phê chung thì giá cao, lợi nhuận của HTX thì mình cũng có phần trong đó, vui lắm chứ”. Hội đồng quản trị HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa hiện có 5 thành viên, hoạt động với phương châm “3 cùng” với nông dân: cùng làm - cùng bán - cùng quản lí. Ngoài vai trò “đầu tàu” của ông Phức, HTX còn được “tiếp lửa” khi đây là 1 trong 5 HTX được tỉnh chọn thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại HTX. 23 tuổi, anh Lê Thành Tuấn tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế với tấm bằng kĩ sư nông nghiệp được chọn vào làm việc tại HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa với vai trò là cán bộ kĩ thuật. Là cán bộ trẻ, có trình độ lại được vào làm việc ở một đơn vị vừa bước vào hoạt động, anh Tuấn có cơ hội thể hiện năng lực thông qua việc hỗ trợ Hội đồng quản trị ổn định tổ chức, sắp xếp công việc một cách khoa học. Với sự năng động của mình, anh Tuấn đã giúp HTX tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để phát triển như: Sự hỗ trợ của Dự án EMEE trong việc phát triển cà phê hữu cơ; sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh trong quá trình xây dựng website riêng cho HTX; hỗ trợ thực hiện các thủ tục đăng kí kiểm định cũng như công bố chất lượng sản phẩm cà phê do HTX sản xuất từ Sở Khoa học và Công nghệ… Hiện anh Tuấn đang tích cực cùng ông Phức đưa vào trồng thử nghiệm các giống cà phê mới như TN1, TN2, TN7, TN9, THA1… của Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để thay thế dần giống cà phê đang ngày một già cỗi, thoái hóa ở địa phương.
Anh Tuấn trở thành cộng sự đắc lực cùng ông Phức trên hành trình chèo lái con thuyền HTX vươn ra biển lớn. Không dừng lại việc xây dựng vùng nguyên liệu cà phê sạch, HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa đang hướng tới việc chế biến sâu sản phẩm cà phê hữu cơ bằng đề án xây dựng một xưởng chế biến theo công nghệ hiện đại cho sản phẩm cà phê mang thương hiệu địa phương. Giải thích về việc HTX đầu tư cho 5 người đi học cách chế biến cà phê khi nguồn lực HTX mới đi vào hoạt động chưa ổn định, ông Phức chia sẻ về ý tưởng sẽ cho ra đời một quán cà phê nhỏ ngay tại xã Hướng Phùng với slogan “Cà phê chia sẻ, Cà phê nhân đôi” do chính con em thành viên HTX phục vụ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của HTX vươn ra xa hơn, như mạch ngầm lan tỏa thương hiệu và thị trường cho sản phẩm cà phê Hướng Hóa.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn