Các đợt thiên tai vừa qua đã làm 52 người chết, 02 người mất tích, 37 người bị thương, 281 nhà bị thiệt hại (62 hộ thuộc diện di dời nhà ở) và 107.019 hộ ngập lụt, nhiều điểm trường, cơ sở y tế, nhà văn hóa bị nước ngập trên 3m; nhiều trang thiết bị bị hư hỏng hoàn toàn; hàng chục nghìn ha cây trồng (lúa, rau màu, cây lâu năm,…); hàng chục nghìn con gia súc (trâu, bò,dê, lợn), hàng trăm nghìn gia cầm (gà,vịt), vật nuôi thủy sản bị ngập, cuốn trôi; một số tuyến đường do sạt lở bị chia cắt nên khó khăn trong công tác hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai.
Xác định việc di dời, sắp xếp lại dân cư vùng thường xuyên bị thiên tai là nhiệm vụ chính trị cấp bách hàng đầu; ổn định cuộc sống dân cư, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập lụt; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quanxây dựng rà soát quy hoạch tổng thể bố trí, sắp xếp dân cư thiên tai đến năm 2025 để tổ chức thực hiện.
Ảnh: Kiểm tra hiện trường sạt lở xã Hướng Sơn
Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2016-2020 đã bố trí, ổn định cho: 295 hộ (bình quân 60hộ/năm). Trong đó: Tập trung: 127 hộ, xen ghép: 168 hộ. Di dân vùng biên giới: 81 hộ; Di dân vùng thiên tai ( sạt lở, lũ quét): 204 hộ và di dân ra Đảo Cồn cỏ: 10 hộ.Xây dựng 08 công trình (02 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng kiêm nhà mẫu giáo, 04 công trình đường giao thông; 02 hệ thống nước sinh hoạt) phục vụ cho người dân đến ổn định đời sống tại nơi ở mới.
Giai đoạn 2016-2020 bao gồm tỉnh đã xây dựng 02 dự án đầu tư bố trí dân cư vùng thiên tai: Dự án Di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị và Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư, di dân khẩn cấp ổn định định canh định cư ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét và sạt lở xã Tà Rụt huyện Đakrông. Hiện các dự án đang trong giai đoạn hoàn thành, do thiếu vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại, dự kiến bố trí dân cư vào năm 2021.
Nhìn chung, công tác quy hoạch, kế hoạch được đặt lên hàng đầu nên trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo sự thống nhất đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở, phát huy được sức mạnh tổng hợp. Vì vậy, hàng năm đều hoàn thành chỉ tiêu nhà nước giao. Thực hiện công tác bố trí sắp xếp dân cư trong những năm qua đã làm giảm áp lực về mật độ dân số ở vùng đồng bằng, vùng ven biển đông dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của một bộ phân dân cư nằm trong vùng sạt lở ven sông và vùng lũ quét ở các địa bàn trọng yếu thường bị thiên tai đe doạ, biến đổi khí hậu phức tạp. Từng bước tạo nên những cơ sở hạ
tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như: Giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm xá, điện sinh hoạt...cho các vùng dân cư mới, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước ổn định và phát triển sản xuất ngày càng có hiệu quả và giao lưu với các vùng trong tỉnh. Góp phần bố trí, sắp xếp lại lực lượng lao động- dân cư hợp lý giữa các vùng, tăng mật độ dân cư đáng kể ở những vùng xung yếu của tỉnh như vùng biên giới Việt –Lào, hải đảo, vùng ven biển... tạo thế vững chắc trong việc củng cố an ninh quốc phòng trên các địa bàn của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số vấn đề: Tiến độ đầu tư không đáp ứng theo quy hoạch tổng thể bình quân chỉ đạt 20-30% mục tiêu của dự án đề ra, vì vậy một số vùng còn thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt... nên việc bố trí kế hoạch tiếp nhận dân đạt tỷ lệ thấp chưa đáp ứng yêu cầu, hạn chế đến quá trình khai thác tiềm năng vùng dự án. Nguồn vốn đầu tư vào chương trình còn quá ít, ngân sách địa phương còn hạn chế nên việc đầu tư hỗ trợ thêm cho các hộ dân vùng dự án còn ít, các chương trình đầu tư hỗ trợ khác lồng ghép còn hạn chế. Công tác tuyên truyền vận động đến tận người dân tuy đã đạt được kết quả nhất định nhưng chưa thường xuyên, liên tục, thiếu sự kiên trì từ cán bộ chỉ đạo xuống cơ sở..., nhận thức của một số hộ dân còn coi chính sách hỗ trợ của Nhà nước như một chính sách xã hội nên khi đến vùng dự án các hộ dân còn ỷ lại, thiếu sự đầu tư phát triển sản xuất ban đầu.
Do điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết tỉnh Quảng Trị nói chung và các vùng dự án bố trí sắp xếp dân cư nói riêng hết sức khắc nghiệt. Trình độ dân trí các vùng biên giới, vùng sâu vùng xa đang ở mức thấp, cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt và đời sống, cho phát triển sản xuất còn yếu kém và lạc hậu, thiếu đồng bộ. Chương trình thay đổi nhiều lần làm cho công tác tổ chức nhân sự và quản lý ở các huyện thiếu thống nhất, chưa tập trung, chưa tạo điều kiện cho các địa phương, các dự án thu hút và lồng ghép nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn nội lực. Cơ chế chính sách chậm thay đổi, suất đầu tư quá thấp so với nhu cầu thực tế, địa phương chưa có nhiều chính sách, kinh phí hỗ trợ.Thu nhập bình quân đầu người thấp, nguồn thu của tỉnh còn thấp không đủ, chủ yếu dựa vào vốn hỗ trợ của Trung ương. Do đó chưa có sự hỗ trợ đáng kể cho các vùng dự án nhằm tháo gỡ những khó khăn để các dự án thực hiện đạt hiệu quả cao
Trong giai đoạn tới (2021-2025) trên cơ sở đã rà soát bổ sung, số hộ cần di dời toàn tỉnh đến năm 2025 là 1.350 hộ (bình quân 270 hộ/năm) .Trong đó: Thiên tai (bao gồm cả thiên tai tại các xã biên giới Việt-Lào): 800 hộ; Biên giới: 352 hộ; Đặc biệt khó khăn: 128 hộ và Hải đảo: 70 hộ).
Để công tác bố trí sắp xếp dân cư đặc biệt dân cư vùng thường xuyên thiên tai, tạo môi trường ổn định cho người dân sống, sinh hoạt và sản xuất hướng đến xây dựng nông thôn mới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân di dời và ổn định đời sống phòng tránh thiên tai, kịp thời phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác bố trí dân cư vùng thường xuyên thiên tai.
Hai là, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức di dời người dân đến nơi ở mới an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản. Đối với các vùng khẩn cấp ngoài quy hoạch, cần tập trung nguồn lực hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Ba là, ưu tiên sắp xếp lại các khu dân cư có nguy cơ sạt lở, các điểm dân cư sống tại khu vực núi cao, đặc biệt khó khăn không thể đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; cần đánh giá lại công tác quy hoạch các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao.
Bốn là, ngoài nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, cần huy động lồng ghép các nguồn vốn khác tại địa phương để hoàn thành dự án bố trí dân cư tránh tình trạng nguồn vốn phân bổ ít, kéo dài qua các năm.
Năm là, huy động người dân tham gia vào tất cả các giai đoạn của dự án: Từ khi lập dự án, thực hiện dự án, vận hành và đánh giá dự án, có vậy dự án mới đảm bảo tính bền vững hiệu quả cao.
Sáu là, các địa phương cần tăng cường kết nối Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh phụ trách, đỡ đầu các xã xây dựng nông thôn mới để tăng nguồn lực hỗ trợ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân vùng thiên tai./.