Thông tin từ Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, hiện nay trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh có 201 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 125 công trình nước tự chảy ở vùng miền núi và 76 công trình cấp nước bằng hệ bơm dẫn ở vùng trung du và đồng bằng. Phần lớn các công trình trình cấp nước tập trung nông thôn hiện có trên địa bàn tỉnh có công suất nhỏ (từ 20 đến dưới 100 m3 /ngày- đêm), quy mô cấp nước tối đa là 350 hộ. Đa số các công trình cấp nước này được xây dựng từ năm 2002 trở vể trước với công nghê lạc hậu và phần lớn không có hệ thống xử lý nước. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai nên hiện nay phần lớn các công trình thường bị thiếu nước vào mùa nắng hạn, chất lượng nước sau xử lý không đảm bảo. Hiện tại,có nhiều công trình cấp nước tập trung đang ở tình trạng không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, cụ thể ở huyện Triệu Phong có 2/6 công trình, huyện Hải Lăng có 1/26 công trình,huyện Cam Lộ có 4/17, Gio Linh có 12/19 công trình. Đặc biệt, nhiều công trình cấp nước tự chảy ở các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả (huyện Hướng hóa có 42/52, huyện ĐaKrông có 58/72). Đến nay có khoảng 28,4% hộ dân ở nông thôn sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước tập trung và khoảng 71,6 % hộ dân ở nông thôn đang sử dụng nước sinh hoạt từ các nguồn cấp nước là khe suối, giếng khoan, giếng đào...).
Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1738/QĐ-UBND, 1739/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, các xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới phải có từ 15% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện đạt chuẩn NTM.Tương tự, các xã không thuộc khu vực III phải có từ 20% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện thẩm định đạt chuẩn NTM.Đối với xã muốn đạt chuẩnnông thôn mới nâng cao, yêu cầu chỉ tiêu này còn phải cao hơn với tỷ lệ từ 55% số hộ trở lên “được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung” (cho xã không thuộc khu vực III) và từ 40% số hộ trở lên cho xã thuộc khu vực III.Đối với huyện nông thôn mới được đánh giá đạt chuẩn nông thông mới khi 10% số xã trong huyện có tối thiểu 55% số hộ sử dụng nước sạch từ công trình tập trung và có tối thiểu 18% số hộ trong huyện sử dụng nước sạch từ công trình tập trung. Tương tự, huyện đạt nông thôn mới nâng cao khi có 50% số xã trong huyện có tối thiểu 55 % số hộ sử dụng nước sạch từ công trình tập trung và có tối thiểu 28% số hộ trong huyện sử dụng nước sạch từ công trình tập trung.
Căn cứ theo quy định nêu trên, qua rà soát hiện nay nhiều xã không đạt chỉ tiêu này, kể cả những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo thống kê của Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn thì hiện tại trên địa bàn vùng nông thôn của tỉnh có 59/101 xã đã có công trình cấp nước tập trung (trong đó chủ yếu tập trung ở huyện hướng Hóa, ĐaKrông và huyện Cam Lộ), các huyện còn lại số lượng xã có công trình rất ít. Cụ thể: huyện Gio Linh 5/15 xã, huyện Hải Lăng 9/15 xã, huyện Vĩnh Linh 3/15 xã, huyện Triệu Phong 4/17 xã có công trình cấp nước tập trung. Tuy nhiên, xét theo quy định của Bộ tiêu chí nông thôn mới thì đến thời điểm này chỉ có 36/101 xã đạt chuẩn (huyện Cam Lộ 6/7 xã đạt, Hải Lăng 9/15 xã đạt, Vĩnh Linh 0/15 xã đạt, Gio Linh 8/15 xã đạt, Triệu Phong 4/17 xã đạt, ĐaKrông 4/12 xã đạt, Hướng Hóa 5/19 xã đạt).
Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2022, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các xã thực sự khó khăn khi thực hiện đạt chỉ tiêu này, cụ thể trong 7 xã đăng ký đạt chuẩn, hiện chỉ có 2/7 xã đạt (Xã Gio Châu và xã Hải Thái), các xã còn lại không có hộ sử dụng nước sạch từ công trình tập trung gồm có: Hải Khê, Hải Chánh huyện Hải Lăng; Triệu Vân, Triệu An, Triệu Lăng huyện Triệu Phong. Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 2/7 xã đạt (Tân Hợp huyện Hướng Hóa; Hải Thượng huyện Hải Lăng); các xã không có công trình gồm xã Triệu Trạch huyện Triệu Phong; xã Vĩnh Thủy, Kim Thạch, Vĩnh Giang huyện Vĩnh Linh; các xã có công trình nhưng tỷ lệ hộ sử dụng dưới 25% gồm các xã Triệu Đại huyện Triệu Phong; xã Cam Chính và Cam Nghĩa huyện Cam Lộ.
Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã tập trung ưu tiên đầu tư công trình cấp nước tập trung để đảm bảo cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, thêm vào đó công tác duy tu, bảo dưỡng, vận hành, quản lý sử dụng công trình còn nhiều bất cập, do vậy, hiện nay nhiều công trình xuống cấp sử dụng không hiệu quả hoặc không sử dụng được. Mặt khác, việc đầu tư công trình cấp nước tập trung cần có thời gian, lộ trình, nguồn lực đầu tư khá lớn, đồng thời nghiên cứu đầu tư công trình mang tính liên vùng, liên xã, không thể đầu tư cho từng xã để đạt tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Do vậy, hiện nay nhiều xã đang thực sự gặp khó khăn khi xét chỉ tiêu này để về đích nông thôn mới.
Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2030, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, tối thiểu 60 l/ngày; đến năm 2045, 100% số dân được dùng nước sạch đạt quy chuẩn, bền vững. Do vậy, để thực hiện hoàn thành mục tiêu của Chiến lược đề ra, đồng thời hỗ trợ các địa phương thực hiện hoàn thành mục xây dựng nông thôn mới, đề nghị các cấp, các ngành cần quan tâm, ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung theo lộ trình; các địa phương cần tuyên truyền vận động huy động nguồn xã hội hóa từ người dân.Tiếp tục truyền thông, giáo dục nâng cao ý thức và hành động bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý và giữ gìn nguồn nước sạch trong cộng đồng. Đồng thời tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng các công trình cấp nước theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo hoạt động bền vững và đẩy mạnh công tác giám sát chất lượng nước tại công trình cấp nước đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.