Xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm “Gạo sạch Quảng Trị”

Thứ năm - 12/08/2021 21:47
Là một tỉnh có diện tích lúa không lớn lắm (hơn 49.000 ha/năm) nhưng Quảng Trị có chất đất khá tốt cộng với nông dân có kinh nghiệm thâm canh, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên trồng lúa ở tỉnh đạt kết quả khá. Những năm qua, trước những hạn chế của phương pháp canh tác vô cơ, phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ được các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó có cây lúa mang lại hiệu quả tích cực, tạo hàng hóa gạo hữu cơ được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng. Nhằm tăng giá trị sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo sạch Quảng Trị” và xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm gạo hữu cơ của tỉnh Quảng Trị”.
Sản xuất lúa hữu cơ tại xã Thanh An, Cam Lộ - Ảnh: T.C.L
Sản xuất lúa hữu cơ tại xã Thanh An, Cam Lộ - Ảnh: T.C.L
  
Dự án xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo sạch Quảng Trị” cho sản phẩm gạo hữu cơ của tỉnh. Để có căn cứ, dự án tiến hành thu thập thông tin, tài liệu về sản phẩm gạo hữu cơ và vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm dựa trên các nguồn thông tin như: Các tài liệu, đề tài khoa học, công trình nghiên cứu liên quan đến sản phẩm gạo hữu cơ; ý kiến của các nhà sản xuất, kinh doanh và các chuyên gia về nhu cầu đăng ký, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận; điều tra về quy mô, hiện trạng, đánh giá thực trạng về hoạt động của vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị.
 
Dự án cũng tiến hành phân tích chất lượng sản phẩm gạo trồng theo hướng hữu cơ và các vùng lân cận không theo hướng hữu cơ; phân tích các điều kiện tự nhiên và người sản xuất liên quan đến tính đặc thù sản phẩm gạo hữu cơ của tỉnh. Xây dựng bản đồ vùng sản xuất gạo hữu cơ đủ điều kiện đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Thiết kế biểu tượng, địa danh gắn với nhãn hiệu chứng nhận, thiết kế hệ thống nhận diện nhãn hiệu chứng nhận. Xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.
 
Sau khi được cấp bằng bảo hộ, dự án xây dựng nội dung quản lý, phát triển và quản lý nhãn hiệu chứng nhận. Các bước tiếp theo là thực hiện đánh giá, kiện toàn mô hình tổ chức và các điều kiện phục vụ hoạt động quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận; thiết kế mô hình hệ thống quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng hệ thống công cụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm gạo hữu cơ được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tỉnh Quảng Trị; xây dựng các nội dung phục vụ việc phát triển nhãn hiệu; tổ chức vận hành thí điểm các nội dung quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận; tổ chức đánh giá để hiệu chỉnh, hoàn thiện mô hình quản lý và phát triển nhãn hiệu.
 
Việc thực hiện đăng ký mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận được tiến hành trong quá trình xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Quảng Trị”. Đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo hữu cơ, đặc biệt là chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp hiện đại. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình xây dựng và phát triển chuỗi giá trị liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với hợp tác xã và người dân. Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng thí điểm 5 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận theo chuỗi giá trị tại các huyện vùng đồng bằng của tỉnh.
 
Các hoạt động quảng bá và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo sạch Quảng Trị” cho sản phẩm gạo hữu cơ của tỉnh cũng được tiến hành ngay sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận nhằm giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Để thực hiện tốt hoạt động này, các tổ chức quản lý nhãn hiệu thực hiện xây dựng công cụ giới thiệu, quảng bá sản phẩm gạo hữu cơ mang nhãn hiệu chứng nhận như: Thiết kế và in ấn bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm gạo hữu cơ mang nhãn hiệu chứng nhận; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các website, mạng xã hội…
 
Các hoạt động phát triển thương mại cho sản phẩm gạo hữu cơ mang nhãn hiệu chứng nhận cũng sẽ được quan tâm như: Hỗ trợ để các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận của địa phương có mặt tại các điểm bán hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, OCOP tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; phát triển du lịch kết hợp với phát triển nông nghiệp bền vững nhất thiết và tạo được những nét đặc sắc cho khách du lịch có thể trải nghiệm và học hỏi…
 
Về mục tiêu lâu dài của dự án, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Thị Nga cho biết: “Lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Gạo sạch Quảng Trị” giúp mở rộng thị trường tiềm năng ở trong và ngoài tỉnh bởi những lợi thế nổi bật như: Gạo sạch Quảng Trị được chuẩn hóa mang tính đặc thù của đặc sản địa phương; được nhận diện bởi bộ nhận diện thương hiệu thống nhất; các vùng nguyên liệu tiềm năng trong tỉnh được tiếp tục đầu tư và phát triển, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng. Dự án sẽ thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Gạo sạch Quảng Trị” cho sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng của tỉnh nhằm phục vụ mục tiêu kiểm soát chất lượng, uy tín của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Thông qua việc tạo lập, quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Gạo sạch Quảng Trị” sẽ nâng cao giá trị của sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, qua đó nâng cao đời sống của người dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm”.
 
Với xu thế hội nhập kinh tế, nền kinh tế thị trường đang ngày càng đòi hỏi các sản phẩm có sự đảm bảo về chất lượng, giá cả ổn định và có nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo sạch Quảng Trị” cho sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng của tỉnh để được bảo hộ và tạo chuỗi liên kết của sản phẩm là một việc làm cần thiết nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển cây lúa có giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Kết quả của dự án sẽ là tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay1,634
  • Tháng hiện tại40,968
  • Tổng lượt truy cập9,590,553
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây