Lan tỏa mô hình “Dân vận khéo” phát triển kinh tế ở Tân Lập

Thứ ba - 23/01/2024 19:40
Là địa phương có gần 1/3 dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trong những năm qua, Đảng bộ xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mô hình “dân vận khéo” về phát triển kinh tế bước đầu đem lại kết quả khả quan, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng.
Mô hình nuôi dê được hỗ trợ của gia đình chị Vui đang phát triển tốt
Mô hình nuôi dê được hỗ trợ của gia đình chị Vui đang phát triển tốt

       Trước đây, gia đình chị Hồ Thị Vui ở bản Cồn thuộc diện hộ nghèo, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nương rẫy theo tập quán lạc hậu nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống khó khăn, nhà ở tạm bợ. Đầu năm 2023, Đảng uỷ xã chỉ đạo giao Ủy ban MTTQ Việt Nam xã chủ trì xây dựng điểm mô hình “dân vận khéo” để làm cơ sở nhân rộng, giúp các hộ đồng bào DTTS có điều kiện thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Gia đình chị Vui may mắn được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã chọn hỗ trợ 2 con dê giống; được cán bộ Hội Nông dân xã trực tiếp về tận nhà hướng dẫn cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho vật nuôi. Phấn khởi vì được hỗ trợ dê giống, vợ chồng chị Vui quyết tâm làm ăn để thoát nghèo. Nhờ được chăm sóc, chăn nuôi đúng cách, sau 1 năm, dê giống của nhà chị Vui đẻ được 4 con. Nhận thấy căn nhà của gia đình chị ở còn tạm bợ, Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp giúp chị vay 40 triệu đồng với lãi suất thấp, vợ chồng chị bỏ công tự xây dựng căn nhà sàn kiên cố, sạch đẹp vừa hoàn thành. Cuối năm 2023, vợ chồng chị mạnh dạn xin ra khỏi hộ nghèo. Chị Vui phấn khởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi vất vả lắm, do không có điều kiện phát triển kinh tế nên quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc, nhà cửa hư hỏng nặng không có tiền sửa chữa, mỗi khi mưa bão đến là phải đi xin trú ẩn ở nhà khác. Được xã hỗ trợ dê giống, nay đã phát triển thành đàn nên gia đình tôi đỡ vất vả hơn, đặc biệt là vay được tiền làm nhà ở mới, ổn định. Chúng tôi hứa sẽ chăn nuôi dê thật tốt để có tiền trả nợ, đầu tư phát triển sản xuất, có cuộc sống vật chất lẫn tinh thần tốt hơn”.
       Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có chỉ tiêu hạ thấp tỉ lệ hộ nghèo đến năm 2025 xuống mức 2,5%, Đảng uỷ xã đã xây dựng các kế hoạch nhằm cụ thể hoá, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trong đó, chú trọng chỉ đạo Mặt trận và các hội, đoàn thể vận động người dân phát triển kinh tế được coi là một giải pháp sát thực, tập trung vào vùng đồng bào DTTS. Đảng ủy xã đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị: hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và hội cựu chiến binh chủ trì xây dựng mô hình. Trên cơ sở khảo sát, lựa chọn các hộ nghèo, ưu tiên hộ đồng bào DTTS để xây dựng mô hình. Tùy điều kiện thực tế của từng thôn, bản cũng như từng hộ gia đình để có phương án xây dựng mô hình phù hợp. Với phương thức hỗ trợ trực tiếp về cây, con giống, phân bón, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, các mô hình được lựa chọn chủ yếu là chăn nuôi dê, gà, trồng sắn nguyên liệu. Trong năm đầu tiên vận động người dân phát triển kinh tế, xã đã xây dựng được 9 mô hình, trong đó 5 mô hình chăn nuôi dê; 3 mô hình chăn nuôi gà; 1 mô hình thâm canh cây sắn nguyên liệu KM94 với tổng kinh phí hỗ ban đầu trên 30 triệu đồng/hộ. Trong quá trình triển khai, cán bộ hội nông dân về tận nơi để trực tiếp hướng dẫn khoa học kỹ thuật bằng phương thức “cầm tay chỉ việc”, tạo điều kiện cho các hộ tham gia tập huấn tại xã, thôn, tín chấp vay vốn thông qua các hội, đoàn thể để mở rộng sản xuất. Mặt trận và các đoàn thể phụ trách mô hình được phân công thường xuyên thăm hỏi, động viên và nắm bắt chiều hướng phát triển của từng hộ để có hướng hỗ trợ. Tạo điều kiện cho các hộ làm thí điểm tham quan học hỏi kiến thức cũng như kinh nghiệm tại các mô hình có hiệu quả tại địa phương. Qua một năm triển khai, đến nay tất cả các hộ được hỗ trợ cây, con giống ở xã đều phát triển tốt. Đàn gia súc, gia cầm phát triển thuận lợi, không bị dịch bệnh, tổng đàn gà hơn 150 con; tổng đàn dê hơn 30 con. Mô hình thâm canh cây sắn phát triển tốt, cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với niên vụ trước. Đặc biệt từ hiệu quả khả quan này, Đảng uỷ xã đã chỉ đạo Hội Nông dân xã khảo sát để nhân rộng thêm 2 mô hình, mỗi mô hình 0,15 ha sắn nguyên liệu dành cho 2 hộ nghèo người dân tộc Vân Kiều. Hiện nay, cả hai hộ đều đã xuống giống. Cũng từ kết quả này, Đảng uỷ xã chỉ đạo xây dựng thêm 1 mô hình sắn nguyên liệu trồng 6 sào tại thôn Tân Trung để làm mô hình “Vườn sắn khuyến học”.
       Năm 2024, Đảng uỷ xã có chủ trương từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đất đai của từng địa bàn. Bên cạnh giao nhiệm vụ cho Mặt trận và các đoàn thể chính trị, Đảng uỷ còn giao nhiệm vụ cụ thể cho các chi bộ thôn, bản khảo sát và chọn phương án cụ thể, đăng ký xây dựng mô hình phát triển kinh tế, lấy đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có cam kết với Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Hiện đã có Hội Nông dân xã đăng ký và tiến hành xây dựng 1 mô hình chuyển đổi cây hồ tiêu kém năng suất sang trồng thanh long ruột đỏ trên diện tích 300 m2 với 30 trụ. Hội Nông dân xã hỗ trợ mô hình này toàn bộ cây giống, vật liệu đúc trụ bê tông và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long. Chi bộ bản Cồn đã khảo sát và đăng ký xây dựng mô hình chuyển đổi giống lúa ngắn ngày năng suất cao vụ hè thu 2024. Các mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế ở xã Tân Lập mang lại kết quả đáng phấn khởi, đem lại nguồn thu nhập và tạo cơ sở, động lực cho các hộ vươn lên thoát nghèo, tạo sức lan toả lớn trong cộng đồng về tinh thần thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Với những kết quả đạt được, năm 2023, Khối Dân vận Đảng uỷ xã Tân Lập được Ban Dân vận Tỉnh uỷ tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác vận động người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
       Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lập Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Thời gian tới, Đảng uỷ xã căn cứ kết quả của các mô hình để chỉ đạo nhân rộng, nhất là đối với 2 bản người DTTS. Đồng thời, tiến hành khảo sát, nghiên cứu thêm một số loại cây trồng, vật nuôi mới đưa vào làm điểm cho các mô hình tiếp theo. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, góp phần hạ thấp tỉ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

Nguồn tin: Sưu tầm: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay4,153
  • Tháng hiện tại35,665
  • Tổng lượt truy cập9,585,250
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây