Lan tỏa phong trào tự nguyện xin thoát nghèo ở Vĩnh Ô

Thứ năm - 11/01/2024 20:13
Không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu đãi của Nhà nước; chủ động trong sản xuất, tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập, đó là những tư duy mới đang hiện hữu và ngày càng lan toả trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã miền núi đặc biệt khó khăn Vĩnh Ô của huyện Vĩnh Linh với phong trào hộ nghèo người đồng bào Vân Kiều tự nguyện xin thoát nghèo.
Vợ chồng anh Hồ Văn Uân, chị Hồ Thị Duyên (bên trái) đi đầu trong phong trào hộ nghèo đồng bào Vân Kiều tự nguyện xin thoát nghèo ở xã Vĩnh Ô
Vợ chồng anh Hồ Văn Uân, chị Hồ Thị Duyên (bên trái) đi đầu trong phong trào hộ nghèo đồng bào Vân Kiều tự nguyện xin thoát nghèo ở xã Vĩnh Ô

      Ở thôn Cây Tăm, cũng như bố mẹ và bao thế hệ đi trước, cái nghèo cứ đeo bám lấy cuộc sống của vợ chồng anh Hồ Văn Uân (sinh năm 1992), chị Hồ Thị Duyên (sinh năm 1994). Những năm trở lại đây, được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, cộng với sức trẻ, lại cần cù, tháo vát trong công việc nên anh chị đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố, mua sắm thêm vật dụng, phương tiện nghe nhìn hiện đại phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, sổ hộ nghèo vẫn luôn thường trực trong gia đình này. Bởi sổ hộ nghèo được anh Uân, chị Duyên từng xem như vật hộ thân, không thể thiếu. Nhờ sổ hộ nghèo, gia đình nhận được nhiều chế độ đãi ngộ của Nhà nước, từ tiền điện, nước đến vốn vay sản xuất, rồi cả chuyện học tập, việc làm của con em đều được Nhà nước hỗ trợ. Đây cũng là tình trạng chung của gần 100 hộ nghèo trên tổng số 374 hộ ở xã Vĩnh Ô.
      Anh Hồ Văn Uân chia sẻ: “Đối chiếu với các tiêu chí, tôi tự xét thấy gia đình mình đủ điều kiện thoát nghèo. Chính vì vậy, vợ chồng tôi đã viết đơn và trở thành một trong những gia đình đầu tiên tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo khi xã Vĩnh Ô tiến hành khảo sát hộ nghèo vào tháng 10/2023”. Trưởng thôn Cây Tăm Hồ Văn Sanh phấn khởi cho biết thêm: “Mặc dù được cán bộ xã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng cốt yếu vẫn phải xuất phát từ chính nhận thức của bản thân nên anh Uân quyết định tiên phong xin ra khỏi hộ nghèo. Gia đình anh Uân đã làm một việc chưa từng có tiền lệ ở xã Vĩnh Ô, địa phương có đến 97% dân cư là người dân tộc thiểu số Vân Kiều”. Từ tấm gương của anh Uân, 4 hộ khác tại thôn Cây Tăm gồm: Hồ Văn Trung, Hồ Văn Hiệu, Hồ Văn Xan, Hồ Văn Nhiên cũng có đơn gửi chính quyền xã Vĩnh Ô xin ra khỏi hộ nghèo. Đặc biệt có 2 hộ do phụ nữ làm chủ hộ là hộ bà Hồ Thị Nhậu, Hồ Thị Ang ở thôn Lền đã trực tiếp gặp cán bộ xã để bày tỏ nguyện vọng và viết đơn xin thoát nghèo. Như vậy, đến nay, xã Vĩnh Ô ghi nhận gần 10 trường hợp tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Hồ Thị Hương cho biết: “Ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hoàn thành tiêu chí hộ nghèo là một thách thức lớn đặt ra cho cả hệ thống chính trị xã Vĩnh Ô. Tính đến cuối năm 2023, xã Vĩnh Ô còn 94 hộ nghèo, chiếm 25,07%. Trong quá trình rà soát hộ nghèo năm 2024, rất đáng mừng khi có nhiều hộ đồng bào Vân Kiều tự nguyện xin thoát nghèo. Điều này có ý nghĩa rất lớn, cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của bà con dân bản về công tác xóa đói, giảm nghèo, đồng lòng cùng chính quyền địa phương quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới”.
      Nhằm kịp thời động viên cũng như đồng hành với các hộ thoát nghèo một cách bền vững, huyện Vĩnh Linh chỉ đạo xã Vĩnh Ô triển khai kế hoạch chuyển đổi sinh kế, hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế. Các mô hình này tập trung vào khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng núi như: chăn nuôi đại gia súc, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, kinh doanh dịch vụ...Cùng với đó, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ dân sinh, đào tạo nghề, cải thiện điều kiện sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho biết: “Vĩnh Ô là đơn vị có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất ở huyện Vĩnh Linh. Năm 2023, theo kế hoạch đặt ra, xã Vĩnh Ô giảm trên 28% hộ nghèo. Nhưng kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2023, xã Vĩnh Ô đã vượt kế hoạch, giảm được 36,83% hộ nghèo, đến nay tỉ lệ nghèo đa chiều xã Vĩnh Ô còn 26,11%. Kết quả này rất đáng ghi nhận và đã góp phần quan trọng giảm tỉ lệ hộ nghèo chung toàn huyện Vĩnh Linh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 về mức 1,99%”. Xã Vĩnh Ô phấn đấu đến năm 2025, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống mức dưới 13% và về đích NTM theo đúng lộ trình.
      Xây dựng NTM làm cho diện mạo nông thôn không ngừng khởi sắc, quan trọng hơn, đối với xã miền núi đặc biệt khó khăn như Vĩnh Ô thì từ chương trình này đã góp phần thay đổi tư duy, nếp nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số về cuộc sống mới tiến bộ và văn minh hơn. Đây vừa là mục tiêu, nhiệm vụ và cũng là giải pháp tối ưu để Vĩnh Linh tháo gỡ “điểm nghẽn” lớn nhất trên hành trình về đích huyện NTM.

Nguồn tin: Sưu tầm Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
98 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay896
  • Tháng hiện tại19,194
  • Tổng lượt truy cập9,533,368
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây