Chuyển đổi số xóa khoảng cách nông thôn, thành thị

Thứ ba - 29/09/2020 05:02
Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương vừa có tờ trình gửi Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số và định hướng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về ý tưởng xây dựng đề án chuyển đổi số khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn tới. Ảnh: Nguyên Huân.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về ý tưởng xây dựng đề án chuyển đổi số khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn tới. Ảnh: Nguyên Huân.

 

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương về ý tưởng xây dựng một đề án mang tính cách mạng với khu vực nông thôn này.

Nhắc đến nông thôn là thường nghĩ đến khung cảnh làng quê thanh bình, vậy ý tưởng xây dựng đề án đưa số hóa về nông thôn được hiểu như thế nào, thưa ông?

Xu hướng trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay đều đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 dựa trên nền tảng của chuyển đổi số, kinh tế số, internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo hay các ứng dụng khác. Trong xu thế như vậy, việc chuyển đổi số, định hướng nông nghiệp thông minh là xu thế tất yếu.

Cụ thể, đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sau 10 năm chúng ta triển khai đã đạt được nhiều kết quả, theo như Thủ tướng nói là to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử.

Kết quả, đến nay chúng ta có 5.350 xã (chiếm trên 60% số xả của cả nước), 152 đơn vị cấp huyện (đạt 22,7%) đạt chuẩn nông thôn mới. Những con số về mặt số lượng đó đã vượt mục tiêu Chính phủ đề ra, bên cạnh đó đời sống người dân, cơ sở hạ tầng nông thôn cũng có nhiều đổi thay.

Ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn những thách thức và tồn tại. Lớn nhất là khoảng cách kết quả nông thôn mới giữa các vùng miền, vùng khó khăn, những xã chưa đạt chuẩn so với xã đạt chuẩn. Một số vấn đề chưa thật sự bền vững, kể cả cơ sở hạ tầng đầu tư nhưng thiếu duy tu, bảo dưỡng, vấn đề môi trường, đặc biệt là vấn đề xử lý chất thải rắn, nước thải, chất thải.

Giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp nói chung cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới đứng trước thách thức rất lớn. Đầu tiên là vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam theo các chuyên gia đánh giá là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Thứ hai là thách thức do vấn đề dịch bệnh từ cây trồng, vật nuôi cho đến dịch Covid - 19.

Dịch bệnh đã làm thay đổi trong cả chuỗi sản xuất, làm cho nhiều chuỗi sản xuất của chúng ta bị đứt gãy, giữa người sản xuất và người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn thói quen khi việc giao dịch phi tiếp xúc trực tiếp ngày một tăng cao.

Thứ ba là vấn đề thách thức cạnh tranh toàn cầu, trong quá trình hội nhập, kể cả nông sản, chúng ta không thể thuần túy cạnh tranh trên thị trường trong nước, trong tỉnh mà còn cạnh tranh cả những tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài.

Với những tồn tại trên, Đảng, Chính phủ xác định giai đoạn 2021 - 2025, phải đưa nông thôn mới vừa phát triển toàn diện mà phải bền vững về chiều sâu, thích ứng với bối cảnh mới. Chuyển thách thức thành cơ hội và cuộc cách mạng 4.0, cách mạng chuyển đổi số chính là thách thức và cơ hội để thúc đẩy nông thôn, nông nghiệp phát triển mang tính bền vững.

Đề án chuyển số số cho khu vực nông thôn giúp xóa nhòa khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong quá trình xây dưng nông thôn mới. Ảnh: TL.

Đề án chuyển số số cho khu vực nông thôn giúp xóa nhòa khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong quá trình xây dưng nông thôn mới. Ảnh: TL.

Vậy ý tưởng đề án chuyển đổi số khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới sẽ tập trung vào những nền tảng nào, thưa ông?

Đối với công nghệ số là không có biên giới, không có hàng rào về địa lí hay cách trở về mặt thực tế, tất cả trên một thị trường, thế giới phẳng bình đẳng. Do đó, nếu thúc đẩy được sự phát triển, chúng ta có thể giảm bớt được chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Vậy nội hàm của chuyển đổi số là gì? Đó là định hướng hướng tới một khu vực nông thôn thông minh, trên cơ sở đánh giá thực trạng hiện nay và xu hướng phát triển thiết yếu. Chúng tôi nhận thấy, nếu chúng ta không có được sự chủ động, thích ứng thì vùng nông thôn sẽ bị bỏ lại phía sau.

Đơn cử như trong xây dựng nông thôn mới chúng ta đã có rất nhiều ứng dụng về công nghệ thông tin, đơn giản như nhiều địa phương lắp đặt hệ thống camera an ninh như Cần Thơ, Đồng Tháp… thay cho đội ngũ dân quân tự quản đi tuần, nhờ đó mức độ vi phạm pháp luật giảm đi rất nhiều. Hay hệ thống tưới cảm biến tự động đã được áp dụng rất nhiều. Nhiều địa phương cũng đã thí điểm công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát điều hành nông thôn mới, hay mới đây nhất là chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm.

Tuy nhiên, ứng dụng chuyển đổi số ở một số địa phương còn mang tính tự phát, chủ yếu là từng cá nhân, từng địa phương từng chủ thể đề xuất ra và sử dụng chứ chưa có tiếp cận toàn diện, tổng thể, định hướng dài hơi xem cái gì làm trước, có bước đi, có lộ trình một cách bài bản. Trên cơ sở đó, hiện nay Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT cùng các bộ ngành xây dựng báo cáo chủ trương đầu tư giai đoạn 2021- 2025.

Bộ NN-PTNT thấy rằng, xu hướng ứng dụng chuyển đổi số là tất yếu, vậy thay vì mình thụ động để các địa phương triển khai một cách tự phát chúng ta cần tiếp cận một cách chủ động tổng thể, toàn diện với các bước đi và lộ trình phù hợp góp phần thúc đẩy nông thôn một cách bền vững hơn.

Số hóa khu vực nông thôn sẽ giúp khoách cách giữa thành thị và nông thôn ở Việt Nam xích lại gần nhau hơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TL.

Số hóa khu vực nông thôn sẽ giúp khoách cách giữa thành thị và nông thôn ở Việt Nam xích lại gần nhau hơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TL.

Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chính thức có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT đưa nội dung về công nghệ số trong nông thôn mới thành một nội dung trọng tâm. Thời gian tới, hạ tầng chuyển đổi số sẽ là hạ tầng thiết yếu chứ không chỉ thuần túy làm cho tăng độ phủ sóng 3G, 4G mà chúng ta đặt trọng tâm của nó, cơ chế đầu tư ra sao, xã hội hóa như nào.

Khi chúng ta nói đến mong muốn phát triển chuyển đổi số là chúng ta giữ 5 yếu tố tối thiểu về hạ tầng, bao gồm hạ tầng kết nối băng thông rộng với cáp quang phủ sóng về tận nông thôn, tiếp theo hạ tầng kết nối 4G, tiến đến là 5G. Làm sao mà mỗi người dân đều được tiếp cận kết nối internet qua các hệ thống kết nối căn bản với các chi phí hợp lý.

Hạ tầng thứ hai là về thiết bị, như cơ quan quản lý nhà nước phải có máy tính, các chủ thể phải có thiết bị thông minh để giúp cho người dân, chính quyền có thể tiếp cận được mạng.

Thứ ba là cái quan trọng nhất, cốt lõi của chuyển đổi số đó là hạ tầng về dữ liệu. Trên thực tế, chuyển đổi số chỉ có thể phát triển được nếu như thu thập được cơ sở dữ liệu chuẩn, chính xác, đa dạng. Hệ thống dữ liệu này chỉ có thể hưởng thụ được khi chúng ta chuẩn hóa nó và chúng ta kết nối nó giữa các bộ, ngành cũng như chia sẻ như dữ liệu đất đai, con người, sức khỏe… Lúc đó sẽ tạo ra được nền tảng phát triển rất nhiều các loại dịch vụ: y tế, nông nghiệp, góp phần phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ một cách hoàn chỉnh hơn.

Nếu trong nông nghiệp có hệ thống dữ liệu tốt về từng vùng trồng, cấp mã số vùng trồng, mã số gia đình, mã vạch, số hóa được từng sản phẩm để kiểm soát, nắm bắt được thông tin về khả năng sản xuất của từng nhóm chúng ta sẽ đánh giá dự đoán được cơ bản tác động đối với môi trường, thậm chí phân tích được cả nhu cầu ở tùy từng thời điểm về phân bón, dịch bệnh... để cung ứng, bù đắp, điều tiết sản xuất kịp thời.

Đặc biệt, còn một hạ tầng nữa khi chúng ta có đủ cơ sở dữ liệu số hóa nông thôn đó là hạ tầng về các phần mềm ứng dụng, khi có kết nối, thiết bị, dữ liệu sẽ có hàng nghìn doanh nhiệp đầu tư về phần mềm trên nền tảng dữ liệu, từ phần mềm mua bán online, bán thuốc trừ sâu, bán dịch vụ, phần mềm khảo sát nông nghiệp, nông thôn, ngành hàng...

“Trên cơ sở hiện nay, chúng tôi đưa được ý tưởng đó và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có đề án để đầu tư, tính toán từng bước đi và mục tiêu cho từng giai đoạn. Sau khi được Quốc hội thông qua, các Bộ, ngành, địa phương mới triển khai các bước đi cụ thể”, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,495
  • Tháng hiện tại38,688
  • Tổng lượt truy cập9,588,273
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây