Cùng với sự quan tâm của nhà nước ta về phát triển khoa học công nghệ, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, chất lượng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh. Việc phát triển khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng tạo ra các sản phẩm mới, công nghệ mới; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và kinh doanh; quan tâm đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhiều sản phẩm của địa phương, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sự chuyển mình cho nền nông nghiệp của tỉnh, góp phần đưa nhiều chỉ tiêu chủ yếu của ngành đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp giai đoạn hiện nay là triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Chủ thể thực hiện là: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh với mục tiêu nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, xây dựng một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn huyện, tỉnh, quốc gia theo Chương trình OCOP.
Qua hơn một năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, các sản phẩm tham gia chương trình không ngừng được hoàn thiện nâng cấp và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã. Đến nay, có 19 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng KH-CN để nâng cao năng suất, chất lượng, hoàn thiện mẫu mã và đẩy mạnh xúc tiến thương mại đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt là trong các khâu sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 72% số HTX nông nghiệp có ứng dụng khoa học kỹ thuật, trong đó có 13% HTX ứng dụng vào khâu sơ chế, chế biến các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như cà phê, lúa chất lượng cao, hồ tiêu, đậu xanh tằm… Điển hình như HTX Cà phê Chân Mây bắc Hướng Hóa sau khi ứng dụng công nghệ chế biến, hệ thống nhà phơi tự nhiên, hệ thống máy rang xay và ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng, giá trị sản phẩm tăng hơn 200% so với trước đây (từ 80.000 đồng/kg tăng lên 200.000 đồng/kg), HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong với ứng dụng kỹ thuật canh tác tự nhiên, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng máy móc trong chế biến gạo hữu cơ…sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP với tiêu chuẩn 4 sao đã làm cho giá trị sản phẩm tăng lên 250% (từ 12.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg), có gần 5% số HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (HTX Đông Triều, HTX Cổ Mỹ, HTX Thành Công, HTX Đông Thanh…) và còn rất nhiều các HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng thành công khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cho giá trị sản phẩm.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng giá trị các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng xác định khoa học - công nghệ, cần ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu
Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chuyển giao và nhân rộng các tiến bộ khoa học công nghệ, các mô hình ứng dụng có hiệu quả đến tận người dân nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thứ ba, thường xuyên tập huấn, nâng cao kiến thức và khả năng tiếp nhận kết quả tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, nâng cao năng lực của người dân trong việc ứng dụng các khoa học công nghệ mới; tập huấn kiến thức về chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP), về tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ tư, ưu tiên nguồn lực xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị của tỉnh…