Huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu - 05/08/2022 05:16
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng NTM. Từ đó góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện xây dựng NTM ngày một nâng lên.
Xã miền núi A Vao, huyện Đakrông có nhiều đổi thay khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh: T.L
Xã miền núi A Vao, huyện Đakrông có nhiều đổi thay khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh: T.L
  
Căn cứ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, vốn đối ứng ngân sách địa phương và cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời ban hành nghị quyết phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương 5 năm giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
 
Trên cơ sở nghị quyết phân bổ kế hoạch vốn đầu tư của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Quyết định số 1704/QĐ-UBND ngày 30/6/2022. Trong đó, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là 403 tỉ đồng, kế hoạch năm 2022 trên 141 tỉ đồng; vốn ngân sách tỉnh bổ sung thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là 316 tỉ đồng, kế hoạch năm 2022 phân bổ 40 tỉ đồng.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 3 huyện gồm Vĩnh Linh, Triệu Phong và Hải Lăng đã phân bổ chi tiết danh mục công trình, dự án cho đơn vị, địa phương trực thuộc. Theo kế hoạch đề ra, phấn đấu đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 68,3% số xã đạt chuẩn NTM (tương đương 69/101 xã) và tỉ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 6,9% (tương đương 7/101 xã).
 
Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã phân bổ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM và các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan phụ trách các tiêu chí. Các địa phương đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ các xã gấp rút hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu công nhận xã đạt chuẩn NTM cuối năm 2022 theo kế hoạch đề ra.
 
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng thực tế cho thấy, quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Trần Trọng Tuấn thông tin: “Hiện nay hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình chưa được ban hành đầy đủ nên gặp nhiều khó khăn để cụ thể hóa và áp dụng thực hiện. Nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM đã được UBND tỉnh phân bổ cho các các địa phương và đang tập trung triển khai thực hiện.
 
Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết những tháng cuối năm thường xuyên xảy ra mưa lũ nên rất khó có khả năng giải ngân hết nguồn vốn được bố trí trong năm…Đối với các địa phương, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả các tiêu chí ở một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội. Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm tu bổ thường xuyên…”.
 
Quá trình triển khai thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu trong bộ tiêu chí quốc gia NTM cấp huyện, cấp xã cũng đang gặp một số khó khăn, một số nội dung chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành. Đơn cử như tại chỉ tiêu 15.4. (bộ tiêu chí xã NTM) và chỉ tiêu 14.3, 14.4 (bộ tiêu chí xã NTM nâng cao) yêu cầu về tỉ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa, tỉ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử; để triển khai khám chữa bệnh từ xa, các cơ sở chữa bệnh phải hoàn thành “Bệnh án điện tử”.
 
Tuy nhiên thực tế cho thấy, hiện nay trong tỉnh chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới hoàn thành cơ bản chuyển đổi sang bệnh án điện tử, các đơn vị khác theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2028. Mặt khác, cơ sở hạ tầng thông tin y tế của tỉnh hiện nay chưa đáp ứng việc chuyển thông tin sức khỏe cá nhân (Chụp X- Quang, siêu âm, xét nghiệm,…) giữa các đơn vị. Từ năm 2018, Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, đã lập danh sách điều tra cho hơn 95% dân số của tỉnh.
 
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa khai thác được liên quan đến việc thuê bao đường truyền, bổ sung thông tin cá nhân kết nối từ các phần mềm khác, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dân còn chưa cao, đặc biệt chưa được cấp quyền bảo mật thông tin cá nhân. Hay chỉ tiêu 17.1 (bộ tiêu chí xã NTM) và 18.1 (bộ tiêu chí xã NTM nâng cao) yêu cầu về tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch, trong đó phải có sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung.
 
Đây là một chỉ tiêu khó thực hiện bởi hiện nay toàn tỉnh các công trình cấp nước tập trung rất ít, việc xây dựng các công trình này đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài. Chỉ tiêu 13.2 (bộ tiêu chí xã NTM nâng cao) có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn, thực tế hiện nay có rất nhiều xã còn lúng túng trong việc tìm ý tưởng sản phẩm tham gia OCOP do không có chủ thể có đủ năng lực phát triển sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm có giá trị cao; một số xã không có sản phẩm để phát triển thành sản phẩm OCOP…
 
“Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, từ nay đến cuối năm 2022, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho cán bộ và người dân về xây dựng NTM và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh"...
 
Đồng thời chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và bố trí đủ nguồn lực để phấn đấu hoàn thành mục tiêu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM và 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022. Triển khai hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện chương trình; chỉ đạo, đôn đốc các huyện, xã đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh năm 2022; kịp thời phân bổ nguồn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2022.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình; phát huy vai trò của mặt trận, các tổ chức đoàn thể các cấp, vai trò chủ thể của người dân trong giám sát, phản biện về kết quả xây dựng NTM ở cơ sở”, ông Trần Trọng Tuấn cho biết thêm.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,435
  • Tháng hiện tại43,055
  • Tổng lượt truy cập9,592,640
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây