Tạo đà xây dựng nông thôn mới đúng lộ trình

Thứ bảy - 10/09/2022 04:06
Hơn mười năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Trị đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều miền quê đáng sống, văn minh và hiện đại.
Huyện Cam Lộ là địa phương đã về đích nông thôn mới đầu tiên ở Quảng Trị.
Huyện Cam Lộ là địa phương đã về đích nông thôn mới đầu tiên ở Quảng Trị.
 
 

Nâng chất các tiêu chí nông thôn mới

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là không dừng lại, không chạy theo thành tích, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phải luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để cùng thống nhất xây dựng chương trình một cách phù hợp nhất, cũng như giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí trong nông thôn mới để hướng tới nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Ông Hồ Xuân Hoè - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị cho hay: Hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đang chuyển biến mạnh mẽ từ “lượng” sang “chất”. Tỉnh Quảng Trị cũng đang tích cực triển khai thống kê, rà soát các tiêu chí nông thôn mới đã đạt của từng xã để có những hỗ trợ, giải pháp phù hợp duy trì và phát triển bền vững các tiêu chí.

Trên thực tế đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị đã và đang xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng từng tiêu chí nông thôn mới một cách cụ thể nhằm đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Xã Cam Chính (huyện Cam Lộ) là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Cam Lộ là một ví dụ điển hình trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí. Năm 2016, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, chính quyền và người dân xã Cam Chính đã nỗ lực rất lớn để triển khai thực hiện nâng chất các tiêu chí nông thôn mới như: Trồng đường hoa, đường cây xanh bóng mát trên địa bàn toàn xã; lựa chọn các khu dân cư để chỉ đạo điểm; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, tiến tới nhân rộng ra các khu dân cư còn lại.

Đồng thời xã Cam Chính cũng tập trung xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân như: Trồng cây hồ tiêu tập trung, trồng cây chè vằng, trồng cây sắn dây, trồng dứa, nuôi gà Cùa, nuôi dê…Với những nỗ lực đó, đến cuối năm 2019 xã Cam Chính là 1 trong 3 xã được UBND tỉnh Quảng Trị lại công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Quảng Trị.

Ông Phạm Viết Thanh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới huyện Cam Lộ cho hay: Không chỉ ở xã Cam Chính mà ở tất cả các xã còn lại huyện Cam Lộ sau khi về đích nông thôn mới, chính quyền và người dân tập trung ngay vào việc giữ vững và nâng chất các tiêu chí.

Ngoài ra, UBND huyện Cam Lộ cũng luôn quan tâm và coi trọng công tác chỉnh trang nông thôn mới; luôn thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí; thành lập các tổ công tác và triển khai xây dựng các đề án. Đặc biệt là đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Cam Lộ đạt 48,72 triệu đồng, là kết quả tích cực trong điều kiện ảnh hưởng bởi Covid-19 và thiên tai gây hậu quả nặng nề năm 2020.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị có 63/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện nông thôn mới (huyện Cam Lộ) và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy và Cam Chính); bình quân các xã trên địa bàn toàn tỉnh đạt 16,1 tiêu chí; không có xã đồng bằng đạt dưới 16 tiêu chí và xã miền núi đạt dưới 8 tiêu chí.

Những con đường hoa ở xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) tạo nên cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Kiến tạo những miền quê đáng sống

Ngày 04/11/2021, Tỉnh uỷ Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; theo đó sẽ triển khai thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ chọn 1-2 xã chỉ đạo điểm tỉnh xây dựng xã nông thôn mới thông minh; mỗi huyện sẽ chọn 01 xã chỉ đạo điểm của huyện và các xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu sẽ lựa chọn 01 thôn để xây dựng nông thôn mới thông minh theo bộ tiêu chí đã đặt ra. 

Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; 25 xã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2020. 

Ông Trần Trọng Tuấn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị cho hay: Để thực hiện kế hoạch này, tỉnh đã đề ra hàng loạt giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động. 

Quảng Trị cũng sẽ nâng cao năng lực Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp. Tổ chức tổng kết đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong giai đoạn vừa qua, rút ra bài học kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm sáng tạo... phục vụ xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới; huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện...

Xây dựng nông thôn mới, không chỉ giúp các địa phương trên địa bàn hoàn thành mục tiêu xóa nghèo bền vững mà còn góp phần kết nối người dân Quảng Trị, cho thấy nông thôn mới không phải là đích đến để có thể dừng lại, thụ hưởng, mà chính là thử thách mới trong triển khai nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.

Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng và đặc sản để đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xác định đây là nội dung đột phá, động lực, sức sống của chương trình nông thôn mới thời gian tới.

Ngoài ra việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn; các lĩnh vực y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường nông thôn cải tạo cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch cộng đồng được chú trọng. Qua đó đã từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, kiến tạo những miền quê đáng sống. 

Nguồn tin: Tạp chí Nông thôn mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,503
  • Tháng hiện tại43,123
  • Tổng lượt truy cập9,592,708
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây