“Càng lên cao càng khó”
Nói về xây dựng nông thôn mới nâng cao, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa Trần Vinh đúc kết bằng câu nói ngắn gọn: “Càng lên cao càng khó”. Ông Vinh cho biết, năm 2015, xã Tân Hợp cán đích xây dựng nông thôn mới. Đó là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cũng là động lực để cán bộ, người dân địa phương thêm vững tin bước sang trang mới. Tuy nhiên, khi nắm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, mọi người không khỏi âu lo. “Hiện nay, xã Tân Hợp đang gặp khó ở tiêu chí cơ sở vật chất giáo dục và an ninh, trật tự. Trong đó, tiêu chí cơ sở vật chất giáo dục là thử thách lớn. Người dân trong xã đã dồn sức để xây dựng thành công nông thôn mới rồi, giờ rất khó để khơi dậy thêm nội lực”, ông Vinh nói.
Là một trong những địa phương về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới, dẫu có thời gian dài để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo nhưng cán bộ, người dân xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh vẫn đang loay hoay với những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Nguyễn Quang Chiến cho biết, thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã dồn sức huy động nguồn lực để xây dựng các trục đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng và các thiết chế văn hóa nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Vì thế, địa phương rất hy vọng nhận được sự tiếp sức của các cấp, ngành liên quan. Ông Nguyễn Quang Chiến chia sẻ: “Lãnh đạo xã đã tổ chức nhiều cuộc họp để trao đổi, bàn bạc, tìm giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao thành công. Tuy nhiên, nút thắt vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là trong huy động nguồn lực”.
Cũng như xã Tân Hợp và xã Vĩnh Thủy, hiện nay, xây dựng nông thôn mới nâng cao đã và đang là mục tiêu, quyết tâm chung của cán bộ, người dân nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, con đường đi đến nông thôn mới nâng cao của 63 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới trong tỉnh gặp khá nhiều rào cản. Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, các xã phải đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao trước khi đăng ký về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt nông thôn mới nâng cao, các xã phải hoàn thành 19/19 tiêu chí và 75/75 chỉ tiêu, tăng 18 chỉ tiêu so với xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và tăng 26 chỉ tiêu so với xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước. Ở một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Trị, việc “chinh phục” hết các tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao là không dễ.
Đỡ đầu để vượt khó
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, đến cuối năm 2022, Quảng Trị phấn đấu có 6,9% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tương đương 7 xã. Để hoàn thành mục tiêu ấy, từ rất sớm, lãnh đạo tỉnh đã tiến hành khảo sát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của những địa phương hoàn thành 19/19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Từ đây, nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn đã được nghiên cứu, triển khai. Đáng chú ý là UBND tỉnh sớm lựa chọn 7 xã gồm: Kim Thạch, Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh), Hải Thượng (Hải Lăng), Triệu Trạch (Triệu Phong), Cam Nghĩa, Cam Chính (Cam Lộ), Tân Hợp (Hướng Hóa) và yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tập trung hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ngay sau khi nhận chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan đã bắt tay ngay vào việc nắm bắt thực tế, rà soát hiện trạng mỗi địa phương ứng với bộ tiêu chí mới. Các cán bộ tâm huyết chủ động tổ chức thẩm tra trước đối với tiêu chí do đơn vị mình phụ trách, qua đó kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương. Cùng với đó, nhiệm vụ được chú trọng là trực tiếp hướng dẫn các xã đăng ký giải pháp, cách làm để có thể đạt được các tiêu chí khó; ưu tiên bố trí các nguồn kinh phí do ngành mình quản lý và thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn lực khác để hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trong các giải pháp hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, việc đỡ đầu các xã được các cấp và sở, ban, ngành liên quan chú trọng. Căn cứ các tiêu chí cần được hỗ trợ của địa phương, UBND tỉnh đã phân công từ 3 - 6 sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ xã. Đơn cử như ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở VH-TT&DL, Sở Nông nghiệp và PTNT có nhiệm vụ hỗ trợ địa phương đạt được các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, văn hóa, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, các tiêu chí gặp khó của xã nhận được sự tiếp sức của Sở Giao thông vận tải, Sở GD&ĐT, Sở VH-TT&DL, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế.
Qua ghi nhận, bước đầu, sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ban, ngành liên quan đã giúp 7 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022 tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đây cũng là động lực để cán bộ, người dân 7 địa phương kể trên nói riêng, các xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao nói chung thêm nêu cao quyết tâm vượt qua mọi rào cản.