Dấu ấn nổi bật của ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2015-2020

Thứ tư - 14/10/2020 04:17
Trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI, ngành nông nghiệp đã xây dựng chương trình hành động cụ thể và tập trung thực hiện nhiều giải pháp nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó đáng chú ý là đã từng bước thay đổi hình thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung chuyên canh, thâm canh, khai thác được tiềm năng đất đai và lợi thế mỗi vùng, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp như thay đổi hình thức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị đã có bước phát triển khá ổn định và toàn diện theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt trên 4%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra.

Nét đáng chú ý là đã tạo sự đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, sớm hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng chuyên canh, hình thành cánh đồng lớn; sản xuất có liên kết, tạo ra nông sản sạch. Nhiều nông sản đã có nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý như hồ tiêu Quảng Trị, cà phê Khe Sanh, cam K4 Hải Phú, Gạo sạch Hải Lăng, Triệu Phong, ném Vĩnh Linh, ném Hải Lăng, gỗ FSC. Đặc biệt đã liên kết với doanh nghiệp xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa hữu cơ, không chỉ cho năng suất cao mà còn khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên đồng ruộng và điều đáng nói hơn là theo kết quả phân tích của Phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và hóa sinh, Đại học Hiroshima, Nhật Bản gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng, đặc biệt là phát hiện ra hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B trong gạo có tác dụng chống bệnh gout, tiểu đường và béo phì.

Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh cho chúng tôi hay: Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, từ năm 2010, HTX đã dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, sử dụng các loại giống mới và áp dụng các biện pháp thâm canh. Tuy nhiên, sản xuất theo lối truyền thống năng suất không cao và sản phẩm làm ra bán không được giá. Sau khi thảo luận, bàn bạc với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam, chúng tôi đã phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và từ vụ Hè Thu năm 2017, HTX đã quy hoạch đồng ruộng và tuyên truyền, vận động gần 80 hộ tham gia mô hình. Từ đó đến nay, sản xuất trên diện tích 23 ha, gieo giống lúa có chất lượng cùng một ngày, quá trình chăm sóc chỉ sử dụng phân bón Ong Biển, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, kết quả cho thấy, năng suất tăng dần qua các năm, có vụ đạt 70 tạ/ha, lúa lại bán được giá, thu nhập bình quân 47 đến 50 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng đại trà 15-20%. Mặt khác, môi trường an toàn, góp phần cải tạo thổ nhưỡng, hệ sinh thái đồng ruộng, nhiều loài cá, ốc, cua đồng đã xuất hiện trở lại trên ruộng lúa nên HTX đang duy trì mô hình này và có kế hoạch sẽ mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng rau củ quả theo phương pháp thủy canh, nhà lưới, nhà màng tiếp tục mở rộng, khẳng định đây là hướng đi đúng trong việc khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, theo hướng thâm canh bán công nghiệp, gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn, cùng với thực hiện các chính sách, tạo điều kiện cho người dân mua sắm, cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, vươn ra khơi xa, các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương ven biển, triển khai các biện pháp khôi phục và phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đem lại thu nhập lớn.

Ông Phan Thanh Tôn ở xã Hải An, huyện Hải Lăng không giấu được niềm vui, kể rằng: Tháng 6 năm 2020, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị hỗ trợ ban đầu 50% chi phí tôm giống và 40% chi phí thức ăn công nghiệp và tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc. Theo đó, gia đình thiết kế 3 ao: 1 ao ương giai đoạn 1 với diện tích 200 m2 được lót bạt hoàn toàn, bố trí hệ thống oxy, mái che bằng lưới lan, 1 ao nuôi giai đoạn 2 diện tích 1.000 m2 và 1 ao nuôi giai đoạn 3 diện tích 2.000 m2, ngoài ra, còn có hệ thống ao lắng và ao xử lý nước. Ông đã tiến hành thả 400.000 con giống tôm thẻ post 12 vào ao ương và nuôi trong vòng 1 tháng. Khi tôm đạt kích cỡ 900 con/kg sẽ chuyển sang ao nuôi thứ 2, trong giai đoạn 2 khi tôm nuôi 1,5 tháng đạt kích cỡ 145 con/kg thì chuyển sang ao nuôi thứ 3. Vơi cách nuôi này cho thấy môi trường ao nuôi sạch hơn và thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt hạn chế dịch bệnh. Sau 4 tháng nuôi, kết quả cho thấy tỷ lệ tôm sống đạt 75%, khối lượng bình quân 55 con/kg, sản lượng gần 5,5 tấn tôm thương phẩm. Với giá bán tôm thẻ 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng.

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị cho biết: Trong 5 năm qua, ngành đã thực hiện các chính sách của tỉnh và tập trung triển khai các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, trên địa bàn có hơn 80% diện tích lúa chất lượng cao, hơn 7.000 ha cánh đồng lớn, hơn 500 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và hàng trăm ha canh tác tự nhiên, thân thiện với môi trường, sản lượng lương thực có hạt bình quân là 27,89 tấn, trong đó, năm 2018 đạt 28,9 vạn tấn, đạt cao nhất từ trước đến nay. Trong giai đoạn mới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang đứng trước thời cơ và thách thức đan xen lẫn nhau, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường, giá cả nông sản trên thị trường không ổn định, sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong cơ chế thị trường diễn ra gay gắt, quyết liệt hơn, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Do vậy, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sắp tới đề ra, ngành sẽ tiếp tục xác định chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng, lấy khoa học công nghệ làm then chốt. Cùng với chủ động xây dựng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao đã tích cực kêu gọi và thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và cả nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Đây là hướng đi thích hợp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngoài sự nỗ lực của toàn ngành cần có sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực hoạt động của hình thức kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả nhưng phải tính đến nhu cầu thị trường. Đồng thời tỉnh và các ngành chức năng cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tăng cường thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nông thôn.

Nguồn tin: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,648
  • Tháng hiện tại38,841
  • Tổng lượt truy cập9,588,426
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây