Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI xác định mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sạch, hiện đại, bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định 3,5 - 4%, từng bước thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ mục tiêu phổ quát này, ngành nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển dần từ nền nông nghiệp số lượng sang chất lượng, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gắn với chế biến, ổn định thị trường tiêu thụ”.
Với cách làm mới, tạo điều kiện cho nông dân, nhiệm kỳ vừa qua nhiều mô hình liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp, nhà máy chế biến bước đầu phát huy hiệu quả; việc xây dựng, thử nghiệm một số mô hình liên kết “4 nhà”, “6 nhà” theo chuỗi giá trị mang lại kết quả khả quan. Cùng với đó, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ được đầu tư áp dụng với quy mô ngày càng tăng. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới và cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng năm sau cao hơn năm trước, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 27,5 vạn tấn/năm (vượt 2,5 - 3 vạn tấn so với Nghị quyết Đại hội XVI). Trên cơ sở hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, chủ động tưới tiêu cho vùng chuyên canh sản xuất lúa và rà soát, hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất khác do đó diện tích các loại cây trồng chính tăng lên đáng kể. Năm 2020, toàn tỉnh có diện tích trồng lúa trên 51.000 ha; trong đó diện tích lúa chất lượng cao khoảng 38.000 ha.
Ông Hồ Xuân Hòe khẳng định: “Một trong những yếu tố quan trọng để định hình nền sản xuất nông nghiệp mới đó là nông dân đã chủ động áp dụng và đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Tỉ lệ cơ giới hóa các khâu gia tăng liên tục qua các năm và đã đạt được một số kết quả nổi bật. Nếu như cơ giới hóa khâu làm đất năm 2015 chỉ đạt 87% thì đến nay đã tăng trên 90%. Tính đến cuối năm 2019, diện tích thu hoạch bằng máy đạt trên 90%; diện tích sử dụng công cụ sạ hàng trên 45%...”.
Mặc dù những năm qua, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, các dịch bệnh mới phát sinh, giá sản phẩm chăn nuôi giảm sâu nhưng người dân vẫn kiên trì sản xuất, nỗ lực tái đàn. Các hoạt động chuyển giao và ứng dụng khoa học- kỹ thuật, khuyến nông tiếp tục được đẩy mạnh và áp dụng rộng rãi góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ năm 2015 đến năm 2019, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại tăng từ 37.881 tấn lên 40.500 tấn, tăng 6,9%. Tỉ lệ lợn ngoại, lợn lai ngoại chiếm 80,76% tổng đàn lợn toàn tỉnh, tỉ lệ đàn bò lai zebu chiếm trên 54,88% tổng đàn bò.
Nhiệm kỳ vừa qua, lĩnh vực khai thác thủy sản cũng đạt được những kết quả quan trọng, sản lượng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năng lực tàu thuyền phát triển nhanh, đặc biệt là khối tàu trên 90 CV, không phát triển số lượng tàu cá dưới 30 CV. Trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu được đầu tư ngày càng hiện đại và đồng bộ; công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm được áp dụng rộng rãi; nhiều nghề khai thác thủy sản tiên tiến được chuyển giao cho ngư dân. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học được triển khai, nhân rộng và mang lại hiệu quả. Diện tích nuôi cá nước ngọt ở sông, ao hồ tự nhiên, ao hồ đào tiếp tục được mở rộng, hình thành một số vùng nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh ven bờ sông Bến Hải, sông Hiếu và vùng cát ở các huyện ven biển. Phát triển nhanh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên vùng cát, công nghệ nuôi lồng bè trên sông với các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 3.600 ha; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 37.000 tấn.
Việc lồng ghép phát triển thủy lợi gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới được ngành nông nghiệp quan tâm, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó có nội dung đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai nhằm góp phần hoàn thiện tiêu chí thủy lợi đối với các xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 108 xã hoàn thiện tiêu chí thủy lợi trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (tăng 60 xã so với năm 2016).
Kinh tế hợp tác đang thay đổi rõ rệt về vai trò, lợi ích. Hầu hết các hợp tác xã tổ chức đăng ký lại đúng quy trình đã hướng dẫn, thực hiện tốt các quy định Luật Hợp tác xã năm 2012 và có bước phát triển về chất lượng, tạo ra hướng đi mới hiệu quả, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 290 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với gần 73.000 thành viên; có 2.668 tổ hợp tác với 31.737 thành viên. Việc phát triển các tổ hợp tác là mô hình thích hợp nhất trong khi chưa đủ điều kiện thành lập hợp tác xã để khắc phục một số mặt còn yếu của kinh tế hộ, kinh tế cá thể; vừa tham gia xóa đói, giảm nghèo và góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay đã đạt được những kết quả nổi bật, trở thành phong trào rộng khắp, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhận thức của phần lớn cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân, thể hiện ở sự đồng tình ủng hộ, tự nguyện, tích cực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 52/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 44,4% số xã của tỉnh. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, văn minh, cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được nâng cấp và hoàn thiện.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết thêm, trong thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy ổn định chính trị, phát triển về kinh tế- xã hội của tỉnh.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn