Các xã miền núi Vĩnh Linh nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 03/10/2023 00:06
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Linh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra 23 chỉ tiêu trên tất cả các lĩnh vực, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 2 lĩnh vực đột phá. Trong đó có chỉ tiêu sớm đưa 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà “về đích” nông thôn mới (NTM). Đến nay, sau hơn nửa nhiệm kỳ, xã Vĩnh Hà đã hoàn thành các tiêu chí, 2 xã còn lại cơ bản đạt từ 13-15 tiêu chí xây dựng NTM.
Đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh phát triển cao su tiểu điền
Đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh phát triển cao su tiểu điền

      Trở thành xã miền núi đầu tiên ở Vĩnh Linh đạt chuẩn, hành trình xây dựng NTM của xã Vĩnh Hà là thành quả từ sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã. Khi bắt tay xây dựng NTM, xã Vĩnh Hà gần như phải làm từ đầu, bởi khi khảo sát đánh giá thực trạng xã chỉ đạt vỏn vẹn 1 tiêu chí. Được sự chỉ đạo sát sao từ các cấp ủy đảng, chính quyền cấp trên, Đảng ủy, UBND xã đã nhanh chóng ban hành lộ trình xây dựng NTM và triển khai thực hiện với chủ trương bám sát kế hoạch đã đề ra, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để chủ động thực hiện các tiêu chí quan trọng, nằm trong khả năng; vận dụng tối đa sức dân và các nguồn lực hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí; nhờ đó đã tạo ra những bước tiến đáng ghi nhận. Xã Vĩnh Hà đã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021 theo Quyết định số 657-QĐ/ UBND ngày 28/2/2022 của UBND tỉnh. Điều này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với người dân địa phương mà còn là tấm gương, động lực để các xã miền núi còn lại trong huyện học tập kinh nghiệm, sớm đưa địa phương mình “về đích” NTM.
     Theo lộ trình xây dựng NTM của huyện Vĩnh Linh, đến cuối năm 2023 phấn đấu đưa thêm xã Vĩnh Khê đạt chuẩn NTM. Hiện nay, chính quyền và người dân nơi đây đang bước vào giai đoạn tăng tốc cho chặng đường cuối, dồn lực hoàn thành 4 tiêu chí chưa đạt gồm trường học, hộ nghèo, tổ chức sản xuất và môi trường. Đặc biệt, để tăng nguồn thu nhập cho người dân, giảm dần tỉ lệ hộ nghèo, xã đã bố trí lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phát huy lợi thế địa hình đồi núi, xã khuyến khích và hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế trang trại vườn rừng, cây ăn quả, cao su, rừng tràm và chăn nuôi. Đồng thời chuyển giao, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các loại cây giống có phẩm cấp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, lớp dạy nghề cho lao động. Áp dụng các chính sách cho vay vốn thông qua ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ - nhóm vay vốn của hội, đoàn thể giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.
      Đối với xã Vĩnh Ô, tính đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM, còn lại 6 tiêu chí gồm trường học, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm, nhà ở dân cư, thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo. Đây đều là những tiêu chí khó thực hiện đối với một xã miền núi. Để khắc phục khó khăn, xã chủ trương thực hiện từng bước một. Trước hết phải thay đổi được hoàn toàn nhận thức của người dân về nhiệm vụ xây dựng NTM. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động đang được triển khai tích cực dưới nhiều hình thức như hội nghị trực tiếp, lồng ghép qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, họp tại thôn bản, hệ thống loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu... Nhằm giải quyết nguồn vốn đầu tư, xã định hướng tiếp tục thực hiện huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực như vốn trực tiếp từ chương trình NTM, chương trình giảm nghèo bền vững; vốn ngân sách huyện, xã, vốn từ các chương trình lồng ghép, vốn tín dụng, vốn từ doanh nghiệp để thực hiện các hạng mục còn thiếu. Mặt khác, xã cũng chủ động phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để ra tạo sức bật trong phát triển kinh tế. Từ lợi thế diện tích đất đồi rừng rộng lớn, xã khuyến khích người dân phát triển trồng rừng, xây dựng các mô hình chăn nuôi đa con như trâu bò sinh sản, lợn bản, dê, gà thả đồi... để tăng thêm thu nhập. Tận dụng lợi thế về vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ cùng bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Vân Kiều, xã chủ động xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và mô hình chợ phiên tổ chức vào ngày 19 hằng tháng. Từ đó mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân. Xã đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành ít nhất 3 tiêu chí trong năm 2023 và phấn đấu “về đích” NTM vào cuối năm 2024.
     Đồng hành với các xã trên hành trình này, huyện Vĩnh Linh cũng đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó đã làm việc với từng địa phương để kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình thực hiện xây dựng NTM. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, ngành, đoàn thể trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các xã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí. Tăng cường đầu tư vốn từ nguồn ngân sách địa phương cho xã Vĩnh Hà duy trì các tiêu chí và 2 xã còn lại thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Tiếp tục duy trì thực hiện đề án phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững cho các bản miền núi. Từ đó, từng bước hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng huyện NTM.

Nguồn tin: Bài và ảnh Phương Nga (Báo Quảng Trị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay4,003
  • Tháng hiện tại70,343
  • Tổng lượt truy cập8,479,985
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây