Các địa phương miền núi gặp khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 19/12/2023 21:01
Đến nay, Chương trình MTQG xây dựng NTM ở Quảng Trị đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Mặc dù vậy, đối với các huyện ở khu vực miền núi quá trình triển khai đang gặp không ít khó khăn. Đây là thử thách đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của các địa phương cũng như sự quan tâm, tập trung nguồn lực hỗ trợ của các cấp, nhằm tháo gỡ “nút thắt” giúp các địa phương miền núi sớm hoàn thành chương trình xây dựng NTM.
Xã Hướng Lộc tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông nông thôn
Xã Hướng Lộc tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông nông thôn

      Nhiều tiêu chí khó thực hiện

     Là địa phương ở khu vực miền núi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Đakrông có xuất phát điểm thấp, khoảng cách chênh lệch so với các huyện ở đồng bằng khá lớn. Trong đó, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, xuống cấp; trình độ dân trí không đồng đều, phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều tập quán, phong tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất cũng như quá trình xây dựng NTM. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, bằng nỗ lực với phương châm “Việc dễ làm trước, việc khó làm sau”, tính đến hết tháng 6/2023, toàn huyện Đakrông đạt 113 tiêu chí/12 xã. Trong đó, riêng xã Triệu Nguyên đạt 16/19 tiêu chí; 3 xã là Ba Lòng, Mò Ó, Tà Rụt đạt 11/19 tiêu chí; A Ngo đạt 10 tiêu chí và các xã còn lại đạt dưới 10 tiêu chí. Tất cả những tiêu chí chưa đạt đều là những “nút thắt” mà các địa phương này đang gặp phải. Đơn cử, tại xã Đakrông, hiện chỉ mới đạt 8/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong số các tiêu chí mà địa phương chưa đạt, ngoài những “nút thắt” thực sự khó thực hiện như tiêu chí số 2, 10, 11 về giao thông, thu nhập và tỉ lệ hộ nghèo, xã Đakrông còn gặp khó khăn trong nhiều tiêu chí khác. Điển hình, đối với tiêu chí y tế, địa phương chưa thể về đích do tỉ lệ trẻ em thấp còi còn ở mức cao (26,2%); chương trình triển khai sổ khám chữa bệnh điện tử chỉ đạt mức thấp là 10%. Hay như tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã Đakrông hiện chỉ có Khu du lịch cộng đồng Klu là địa điểm giao lưu văn hóa, tổ chức các hoạt động lễ hội, thể dục thể thao của địa phương, còn lại, chưa có điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định. Ngoài ra, phần lớn các Trung tâm học tập cộng đồng, Nhà văn hóa ở các thôn, bản đều đã xuống cấp, hư hỏng hoặc có những thiết chế văn hóa bên trong còn thiếu thốn.
 

Hiện nay, tỉ lệ trẻ em thấp còi trên địa bàn xã Đakrông, huyện Đakrông còn ở mức cao 26,2% nên tiêu chí về y tế chưa đạt

     Tỉ lệ trẻ em thấp còi trên địa bàn xã Đakrông, huyện Đakrông còn ở mức cao 26,2% nên tiêu chí về y tế chưa đạt

 Trao đổi về những khó khăn trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông Võ Văn Sơn chia sẻ, để có thể “cán đích” NTM, chặng đường sắp tới địa phương còn không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua. “Nút thắt” lớn nhất đối với xã là hoàn thành tiêu chí về thu nhập và tỉ lệ hộ nghèo. Khó khăn của địa phương chính là điều kiện tự nhiên không thuận lợi, phần lớn diện tích là đồi núi, trong khi trình độ của người dân còn thấp, kỹ thuật canh tác thô sơ, lạc hậu, chủ yếu dựa vào nương rẫy theo lối truyền thống. Thêm vào đó, quy mô sản xuất và chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững gặp khó vô cùng. Điều này kéo theo việc triển khai các tiêu chí liên quan cũng hết sức khó. Tương tự, tại huyện miền núi Hướng Hóa, theo kết quả rà soát, đến cuối năm 2023, bình quân mỗi xã đạt 9,89 tiêu chí. Ngoài 5 địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng có xã vẫn nợ tiêu chí thì có 4 xã nằm trong lộ trình đăng ký đạt chuẩn vào giai đoạn 2021-2025; các xã còn lại đạt từ 5-10 tiêu chí. Có thể khẳng định rằng, bên cạnh những kết quả tích cực mà Chương trình MTQG xây dựng NTM mang lại thì các địa phương ở huyện Hướng Hóa đang gặp không ít rào cản trong tiến trình triển khai một số tiêu chí. Năm 2010, xã Thuận là 1 trong 8 địa phương được UBND tỉnh chọn làm điểm triển khai xây dựng NTM. Mặc dù, được quan tâm, hỗ trợ của các cấp trong quá trình thực hiện, tuy nhiên, sau hơn 12 năm triển khai, đến nay, địa phương chỉ mới đạt được 7/19 tiêu chí. Chia sẻ những khó khăn, Chủ tịch UBND xã Thuận Hồ A Dung cho biết, nguyên nhân dẫn đến tiến trình xây dựng NTM của xã bị chậm kế hoạch, ngoài những tiêu chí khó thực hiện do đặc thù là xã miền núi như tỉ lệ hộ nghèo, giao thông, thu nhập... thì xét theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, địa phương bị giảm 4 tiêu chí về thông tin và truyền thông, lao động, y tế và quốc phòng - an ninh. Bởi lẽ, tại thời điểm rà soát, các tiêu chí nói trên địa phương chưa đáp ứng do cơ sở hạ tầng không đồng bộ; nhận thức của người dân còn thấp; tình hình tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp...

      Cần những giải pháp đặc thù để “về đích” NTM

      Khó khăn trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện Đakrông, Hướng Hóa cũng là khó khăn chung của hầu hết các địa phương ở miền núi, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM Quảng Trị, toàn tỉnh hiện chỉ được 69/101 xã đã đạt chuẩn NTM, chiếm tỉ lệ trên 68%, trong đó, 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với cấp huyện, ngoài Cam Lộ về đích NTM vào năm 2019, phấn đấu xây dựng NTM nâng cao vào cuối năm 2023 và đến năm 2025 đạt huyện NTM kiểu mẫu thì các địa phương là Triệu Phong, Hải Lăng đang phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2023, Vĩnh Linh nỗ lực để “cán đích” vào năm 2024 và Gio Linh vào năm 2025. Riêng các huyện đã đạt từ 3-4 tiêu chí cấp huyện đang trên đà tập trung hoàn thiện các tiêu chí còn lại. Như vậy, xét theo lộ trình giai đoạn 2023-2025, các địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM chủ yếu là những địa phương đặc biệt khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ mặt nông thôn của xã Mò Ó, huyện Đakrông có nhiều khởi sắc sau gần 13 năm triển khai xây dựng NTM

   Bộ mặt nông thôn của xã Mò Ó, huyện Đakrông có nhiều khởi sắc sau gần 13 năm triển khai xây dựng NTM

  Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, kết quả xây dựng NTM của một số vùng miền vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn. Đơn cử, tại huyện Triệu Phong địa phương hiện đạt bình quân 17,8 tiêu chí/xã, trong khi, ở huyện Hướng Hóa chỉ đạt bình quân trên 9 tiêu chí/xã. Thêm nữa, hiện nay, nhiều địa phương đã chuyển sang giai đoạn nâng cao chất lượng, xây dựng xã NTM nâng cao và kiểu mẫu thì nay còn khoảng 28 xã ở miền núi chỉ đạt dưới 13 tiêu chí; một số xã đã đạt chuẩn nhưng vẫn chưa bắt kịp với bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Trong đó, 48/69 xã đã đạt chuẩn bị giảm tiêu chí. Nguyên nhân của những vấn đề này, một phần do các xã ở khu vực miền núi phần lớn có xuất phát điểm thấp trong xây dựng NTM, lại thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ. Trong khi, nguồn kinh phí thực hiện chương trình còn hạn chế so với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Nguồn lực huy động tại chỗ ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn từ quỹ đất và đóng góp của Nhân dân. Công tác lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình MTQG chưa thực sự đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, hiện nay, nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG do vướng mắc về cơ chế chính sách nên hầu hết chưa triển khai thực hiện được. Điều này ảnh hưởng đến việc hoàn thiện tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất ở các xã, nhất là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dẫn đến tiến độ giải ngân vốn theo kế hoạch năm đang còn chậm.
      Sau gần 13 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, nhìn chung diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất; đời sống vật chất cũng như tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Để có thể tiếp thêm sức mạnh cho những địa phương ở vùng khó “về đích” NTM theo lộ trình, rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương. Trong đó, tiếp tục tập trung nguồn lực cho các địa phương, nhất là hỗ trợ các huyện đăng ký lộ trình đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 ở miền núi; rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù đối với các địa phương vùng khó nhằm góp phần triển khai hiệu quả chương trình; tăng cường công tác đỡ đầu các xã khó khăn; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong thực hiện các tiêu chí, nội dung thành phần của chương trình...

Nguồn tin: Tin và ảnh Lê Trường báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay5,167
  • Tháng hiện tại126,795
  • Tổng lượt truy cập8,536,437
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây