Phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa và đi vào chiều sâu.
Thứ tư - 26/09/2018 20:52
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, trong hơn 7 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận đã vào cuộc 1 cách tích cực, triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp. Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người dân, các địa phương còn có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực và sức mạnh của cả cộng đồng để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa. Đặc biệt đã có nhiều hình thức, biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập
Cho đến nay, toàn tỉnh có 42/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 36% và bình quân 1 xã đạt 14,25 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trong đó đáng chú ý là 1 số nơi còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tìm ra các biện pháp khắc phục nên đã hoàn thành nhiều tiêu chí khó. Điển hình như xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng là 1 xã nằm trong vùng úng trũng, độc canh cây lúa, quỹ đất hạn hẹp, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới có xuất phát điểm thấp nhưng đến cuối năm 2017 đã đạt 19/19 tiêu chí. Ông Lê Chí Thọ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Có được kết quả đó là nhờ xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân. Chỉ tính từ năm 2011 đến năm 2017, xã đã huy động được tổng nguồn vốn 72,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 28,5 tỷ, ngoài xây dựng thêm 5 trạm biến áp và sửa chữa mạng lưới điện, trạm bơm, đã bê tông hóa đường liên thôn, liên xóm, xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, chợ, trường học và các thiết chế văn hóa, phục vụ sản xuất và sinh hoạt cũng như đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân. Cùng với đó, trong những năm qua, xã đã từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất, dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng lớn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức thâm canh, tăng năng suất. Đồng thời hỗ trợ cho người dân xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn quy mô có sử dụng hầm biogas, phát triển chăn nuôi gia cầm. Đặc biệt chăm lo đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt trên 40%, toàn xã có 55 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, 182 cơ sở thương mại, dịch vụ đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động. Nhờ vậy, đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,4 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,19%. Đối với xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh trải dài trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp nên khi triển khai xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng vì mức đầu tư cao hơn các nơi khác. Thế nhưng nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tranh thủ từ bên ngoài, trong hơn 6 năm qua, với tổng vốn huy động được 92,7 tỷ đồng cùng với nhân dân hiến đất, hiến cây, đã từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Đặc biệt trong phát triển kinh tế, xã đã triển khai nhiều biện pháp, khai thác có hiệu quả lợi thế của địa phương, sản xuất mang tính hàng hóa. Cùng với mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, thâm canh, tăng năng suất lúa và hoa màu, nhân rộng mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm trở lên, nhiều hộ gia đình đã trồng rừng sản xuất, lập vườn trồng cây ăn quả, phát triển trang trại, gia trại. Bên cạnh đó, người dân đã đầu tư vốn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả rất cao. Từ những kết quả đạt được đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người ở xã Vĩnh Sơn đến cuối năm 2017 đạt 39,1 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,72%. Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn nhấn mạnh: Tuy không phải được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm thấp, nguồn lực còn nhiều hạn chế nhưng xã đã đạt chuẩn, đó là nhờ chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, nắm rõ các chủ trương, mục đích, ý nghĩa của chương trình nên nhiều tiêu chí khó cũng được triển khai, thực hiện thuận lợi. Để tạo điều kiện cho các địa phương sớm đạt được các tiêu chí, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết 04 về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 -2020, định hướng đến năm 2025, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 03 về việc hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi, tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, Nghị quyết số 05 về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Các huyện, thị xã cũng đã ban hành 1 số cơ chế, chính sách riêng để triển khai chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Chính nhờ vậy toàn tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân không chỉ hiến đất, hiến cây, tham gia ngày công mà còn đóng góp tiển của. Với nguồn này, các địa phương đã ưu tiên hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, làm cho bộ mặt nông thôn có thêm nhiều thay đổi cũng như tiếp sức cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới mấy năm trở lại đây, đó là với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, tạo điều kiện của chính quyền, sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ số lượng sang chất lượng, từng bước xóa dần lối canh tác nhỏ lẻ, manh mún, liên kết, hợp tác sản xuất với quy mô lớn. Cùng với chủ động vay vốn, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tiếp nhận cái mới, ở đâu người dân cũng biết khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bằng nhiều cách làm sáng tạo. Hiện tại nhiều nơi đã mở rộng diện tích trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC, tạo ra vùng nguyên liệu gỗ lớn, có giá trị cao, tập trung phát triển cây công nghiệp dài ngày, trong đó tích cực chăm sóc, thâm canh cao su, tái canh cà phê, trồng hồ tiêu theo hướng bền vững. Ở vùng đồng bằng, với sự hỗ trợ và dịch vụ của HTX, các hộ gia đình cùng nhau xây dựng cánh đồng lớn, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng năng suất, sản lượng, 1 số nơi đã xây dựng mô hình canh tác tự nhiên. Đặc biệt liên kết với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Nam cung cấp phân bón Obi - Ong biển và bao tiêu sản phẩm, 13 HTX đã tổ chức cho sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 390 ha, sản lượng thu hoạch hơn 2013 tấn, tính ra mỗi ha sản xuất 2 vụ không chỉ đạt giá trị 80 đến 100 triệu đồng, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với canh tác truyền thống mà còn tạo ra sản phẩm sạch, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trên đồng ruộng và bào vệ sức khỏe cho con người. Bên cạnh đó, người dân đã lựa chọn và đưa vào gieo trồng các loại hoa màu đem lại thu nhập cao, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại, vay vốn, cải hoán, đóng mới tàu thuyền, nâng cao năng lực khai thác hải sản, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Gần đây mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện 1 số nơi như trồng rau ở Hải Lăng, trồng dưa lưới ở Vĩnh Linh, Gio Linh. Không chỉ thi đua phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nhân dân đã tự giác chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, chung tay bảo vệ môi trường. Các tổ chức đoàn thể đã đảm nhận các công trình, phần việc cụ thể như xây dựng Đoạn đường kiểu mẫu, Tuyến đường xanh, sạch, đẹp, Tuyến phố văn minh, Đường sáng, rác sạch, nhà hạnh phúc, Đường hoa yêu thương. Các xã thường xuyên duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Có thể nói, sau hơn 7 năm thực hiện, phong trào xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa và đi vào chiều sâu, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên để chỉ đạo triển khai thực hiện. Người dân đã có sự chuyển biến mạnh về nhận thức, hiểu rõ hơn về xây dựng nông thôn mới không phải là một dự án, một chương trình đầu tư, hỗ trợ, mà đây là một phong trào, họ chính là chủ thể. Các hoạt động tại cơ sở đều thực hiện phương thức “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và thụ hưởng”. Tuy nhiên phong trào xây dựng nông thôn mới trong thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại, nhiều địa phương không tăng thêm tiêu chí, một số xã hiện nay các tiêu chí chỉ mới đạt chuẩn ở mức tối thiểu theo quy định, nhiều xã đã đạt chuẩn nhưng thu nhập, đời sống của người dân chưa cao, môi trường, cảnh quan nông thôn chưa thực sự sáng, xaanh, sạch, đẹp. Để đến năm 2020 toàn tỉnh có từ 59 đến 65 xã đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 50 đến 55%, có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn huyện chưa có xã đạt chuẩn, không còn xã đồng bằng đạt dưới 16 tiêu chí, không còn xã miền núi đạt dưới 8 tiêu chí, tỉnh Quảng Trị đang tập trung chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận và các đoàn thể trong việc vận động nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia thực hiện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức, nhất là người đứng đầu. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, huy động tối đa nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.