Từ Nghị quyết “Tam nông”...
Cách đây 10 năm, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) diễn ra từ ngày 9- 17/7/2008 tại Hà Nội đã bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó đã ra Nghị quyết số 26- NQ/TW “về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một nghị quyết đầy đủ nhất, toàn diện nhất, tạo điều kiện quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực “tam nông” ở nước ta có bước phát triển hiệu quả và bền vững. Ông Lê Huy Ngọ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một lần trả lời báo chí đã có nhận định: “Tam nông là nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nói thì dài dòng vậy nhưng tựu trung của ba vấn đề này chỉ là nông dân. Nông dân thì làm nông nghiệp và sống ở nông thôn. Trong một nước nông nghiệp và có tới 73% dân số là nông dân như Việt Nam, nông dân vẫn luôn là “hậu phương”, là nền tảng tạo ra sự ổn định về chính trị. Chỉ khi giải quyết được vấn đề nông dân thì các vấn đề khác mới có cơ may giải quyết. Chỉ khi nông dân được xác định là trung tâm của một chính sách, thì chính sách ấy mới có thể phát huy hiệu quả”.
Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời đã làm thay đổi đáng kể cả trong nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với vấn đề “tam nông”. Người nông dân đã nhận được sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả thiết thực của nhà nước và toàn xã hội trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo những điều kiện tốt nhất để lĩnh vực này có cơ hội phát triển thuận lợi. Vị thế của người nông dân đã được xã hội tôn vinh. Công sức đóng góp vào tiến trình phát triển đất nước của người nông dân được ghi nhận xứng đáng. Tiềm năng, lợi thế, nội lực trong lĩnh vực “tam nông” từng bước được khơi dậy. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt nghị quyết về “tam nông” cũng được xem là sự đền ơn, đáp nghĩa của toàn xã hội đối với lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đất nước là nông nghiệp, chủ thể của quá trình phát triển là nông dân và địa bàn nông thôn - “hậu phương lớn” của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, chú trọng đầu tư thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng chính là để đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong tương lai gần.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền nông nghiệp Việt Nam đã đi những bước vững chắc và thu được những thành tựu quan trọng. Từ “khoán 100” đến “khoán 10”, từ giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cho nông dân, để nông dân “tự suy nghĩ trên luống cày của mình” đến thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới…Đó là một chuỗi chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đồng thời là thông điệp thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta tiếp tục chăm lo cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có tác dụng động viên lớn lao người nông dân vững vàng trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đầy khó khăn, thách thức, góp phần tạo nền tảng ổn định xã hội và tiếp tục thu được những thành tựu to lớn hơn nữa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. |
Đối với tỉnh Quảng Trị, từ năm 2008, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 72-CTHĐ/ TU thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X). Điều đáng ghi nhận là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nền nông nghiệp của tỉnh đang phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Điểm nổi bật nhất trong phát triển nông nghiệp những năm gần đây đó là tỉnh đã kiên trì thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, mức tăng trưởng trong nông nghiệp hằng năm đạt 2,5-3%, chiếm tỷ trọng 20,74% cơ cấu kinh tế; đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Sản lượng lương thực có hạt bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 26,4 vạn tấn. Đã tập trung phát triển 6 cây và 2 con chủ lực, ngoài rừng kinh tế còn có cây cao su, hồ tiêu, cà phê, lúa chất lượng cao, cây dược liệu, cây ăn quả; con bò và con tôm. Hình thành một số mô hình “liên kết 4 nhà”, chuỗi liên kết giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới từng bước được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Đã hình thành sự liên kết giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với Tập đoàn Đại Nam- Nhà máy sản xuất phân bón Obi- Ong biển, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, với quy mô 250 ha, tổng sản lượng gần 900 tấn lúa hữu cơ. Thành lập các HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ và vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại Vĩnh Linh; đầu tư công nghệ nhà màng, tưới tiết kiệm, thủy canh để sản xuất dưa lưới, rau xà lách, dưa hấu…ở Vĩnh Linh, Hải Lăng; phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến cà gai leo, chè vằng, đinh lăng, bột nghệ, bột sắn dây… tại Cam Lộ, tinh bột sắn tại Hướng Hóa.
Đến nay trên địa bàn có 4 doanh nghiệp triển khai dự án chăn nuôi công nghệ cao: Tân Triều (Hướng Hóa), Phước Trình (Triệu Trạch, Triệu Phong), Trường Phú (Triệu Tài, Triệu Phong), Hùng Dung (Hồ Xá, Vĩnh Linh); 20 trang trại chăn nuôi áp dụng chuồng kín, chuồng lạnh; trang trai gà Trằm Ri của Công ty Clean tại Hải Thượng, Hải Lăng với quy mô 18.000 con/năm đã được cấp chứng nhận VietGAP; xây dựng được thương hiệu gà địa phương (gà Tứ Hải). Đặc biệt, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiện nay trên địa bàn đã có 27 mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi, gồm 4 HTX chăn nuôi và 23 trang trại chăn nuôi liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi, trong đó có HTX Đoàn Kết (Cam Lộ) đang xây dựng chuỗi liên kết từ con giống, thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ lợn. Các liên kết trong chăn nuôi đã góp phần đảm bảo bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh cho các thành viên tham gia liên kết, đáp ứng được sản phẩm lớn và chất lượng cao cho thị trường.
Đưa cơ giới vào thu hoạch lúa mùa |
Một điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn là đến cuối năm 2017, có 572 hộ gia đình trồng rừng được cấp chứng chỉ với diện tích rừng 1.876,5 ha, đưa diện tích rừng được cấp chứng chỉ toàn tỉnh lên 22.158,7 ha. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước có diện tích lớn nhất thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng cho cả hai đối tượng là doanh nghiệp và hộ gia đình. ...
Đến xây dựng nông thôn mới
Song song với việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Đây là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế -xã hội, chính trị và an ninh - quốc phòng nông thôn. Cốt lõi của mục tiêu xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Mọi việc đều phải hướng vào mục tiêu này, trong đó nông dân phải là chủ thể. Lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá chất lượng xây dựng nông thôn mới. Đây được coi là “thước đo” hiệu quả bởi thực chất xây dựng nông thôn mới trước hết là vì người dân. Với những thành tựu thu được trong quá trình chăm lo phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn những năm qua, là tiền đề quan trọng để tỉnh Quảng Trị triển khai xây dựng nông thôn mới thuận lợi, đúng tiến độ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đã tiếp thêm luồng sinh khí, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, công cuộc xây dựng nông thôn phát triển vững chắc. Tại Quảng Trị, chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và thực hiện gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nhiều địa phương quyết tâm, nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới và huyện nông thôn mới. Đến tháng 9/2018, mức đạt tiêu chí nông thôn mới của tỉnh là trên 14,15 tiêu chí/ xã, số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 42/117 xã (chiếm trên 35% số xã).
Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, bằng cách huy động, thu hút từ nhiều nguồn lực để đầu tư, bộ mặt nông thôn Quảng Trị ngày càng khởi sắc. Kết cấu hạ tầng nông thôn liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, nước sạch và vệ sinh môi trường,...từng bước được xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Công tác đào tạo cho hội viên nông dân về kiến thức, phương pháp, sản xuất; phối hợp hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản được quan tâm hơn. Đây là yếu tố cơ bản để đến nay, toàn tỉnh có 21.803 hộ đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa xây dựng nông thôn mới trở thành một trong những phong trào thi đua trọng tâm của công tác hội, vận động đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “ Nông dân ta chí khí rất anh hùng, kinh nghiệm rất nhiều, lực lượng rất to. Điều đó đã chứng tỏ trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Nếu lãnh đạo tốt thì khó khăn gì họ cũng khắc phục được, việc gì to lớn mấy họ cũng làm được”. Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự quan tâm của Nhà nước và toàn xã hội cùng chăm lo cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân cả nước nói chung, nông dân Quảng Trị nói riêng sẽ có thêm điều kiện và cơ hội để vươn lên, làm tròn sứ mệnh là lực lượng đông đảo góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định chính trị- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng nông nghiệp, nông thôn trở thành “hậu phương” vững chắc trong công cuộc hội nhập và phát triển của đất nước.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn