Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP từ ngành nghề, làng nghề nông thôn

Thứ hai - 12/12/2022 08:20
Việc bảo tồn và phát triển ngành nghề, làng nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội ở nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển và bảo tồn ngành nghề, làng nghề. Giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” và “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025”, trong đó với mục tiêu đặt ra là “Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”.
Nghề thêu ren ở Hải Lăng
Nghề thêu ren ở Hải Lăng
Ngành nghề, làng nghề không chỉ là một khu vực sản xuất có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra thu nhập, việc làm cho người dân nông thôn mà còn mang trong đó những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống đậm bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, việc thúc đẩy phát triển và chuẩn hóa các sản phẩm từ ngành nghề, làng nghề nông thôn thành sản phẩm OCOP được xem là giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống, vừa duy trì sinh kế, vừa giải quyết hiệu quả bài toán thị trường; hướng đến mục tiêu cốt lõi là gia tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người dân khu vực nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 15 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, tập trung vào hai nhóm là “chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản” (10 làng nghề) và “sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ” (05 làng nghề). Trong đó, có 02 làng nghề, 11 làng nghề truyền thống và 02 nghề truyền thống. Có 05 Hợp tác xã, 01 doanh nghiệp và 2.200 hộ tham gia sản xuất trong các làng nghề với 3.500 lao động. Doanh thu ước đạt năm 2022 của các làng nghề đã được công nhận đạt 108 tỷ đồng (tăng 12 tỷ đồng so với năm 2021), thu nhập bình quân ước đạt 3,4 triệu đồng/người/tháng. Tổng số lao động trong nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2022 gần 2.300 người, trong đó số lao động thường xuyên là 1.325 người. Có 4 làng nghề với 8 sản phẩm OCOP chiếm 30,7% tổng số làng nghề đã được công nhận.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với mục tiêu trọng tâm là phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, được xem là trợ lực quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ngành nghề nông thôn trước xu thế của cuộc sống hiện đại. Sau 3 năm triển khai đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn dựa trên các thế mạnh, lợi thế mang tính đặc sản vùng miền và ngành nghề, làng nghề đặc thù. Tính đến cuối tháng 11/2022, toàn tỉnh Quảng Trị đã phát triển được 90 sản phẩm OCOP, trong đó có 8 sản phẩm từ làng nghề, ngành nghề truyền thống, như: nước mắm, ruốc bột, cao dược liệu, bún, bánh... 

Để đạt được mục tiêu mà các chương trình đã đề ra, cần phải đẩy mạnh phát triển và chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm thuộc ngành nghề, làng nghề truyền thống để thúc đẩy tham gia Chương trình OCOP. Cần tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, như: Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm xác định phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với chế biến, tạo bước đột phá, nâng cao hiệu quả hoạt động các hình thức tổ chức của làng nghề (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác...) để tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gắn với sản phẩm OCOP cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có lợi thế; Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, hướng đến các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để các sản phẩm làng nghề, ngành nghề truyền thống đạt được những tiêu chí của Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy, thương mại hóa các sản phẩm ra thị trường; Tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất tại các làng nghề tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị để quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề; gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch; tăng cường mở các tour, tuyến du lịch làng nghề, vừa phục vụ du lịch, vừa trình diễn nghề và bán sản phẩm làng nghề để các sản phẩm làng nghề được tiếp cận với khách du lịch trong và ngoài nước. Quan tâm tổ chức các hội chợ, triển lãm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề, OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh; Tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn theo hình thức học nghề gắn với phát triển làng nghề; đào tạo lại đội ngũ thợ, nghệ nhân ở làng nghề để nâng cao tay nghề; bồi dưỡng, đào tạo các chủ cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở ngành nghề nông thôn và các làng nghề đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc tiếp nhận công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn tin: Hoa Lệ, Chi cục Phát triển nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay4,153
  • Tháng hiện tại35,844
  • Tổng lượt truy cập9,585,429
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây