Với quy mô hơn 2.000 con gà/lứa, anh Phạm Hữu Phương ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm thịt gà của mình. Anh chủ yếu là bán gia cầm sống, chưa qua giết mổ, sơ chế nên giá trị không cao; sản phẩm không có nhãn mác, thông tin truy xuất nguồn gốc. Nhưng từ khi tham gia mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với sản phẩm thịt gà do Chi cục QLCLNLS&TS tỉnh triển khai, những khó khăn trên của anh Phương đã được giải quyết. Trao đổi với chúng tôi, anh Phương cho biết, trong quá trình thực hiện mô hình anh được cán bộ kỹ thuật của Chi cục QLCLNLS&TS hướng dẫn đầy đủ và giám sát chặt chẽ các công đoạn từ chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, đóng gói, dán nhãn và kết nối đưa ra thị trường tiêu thụ.
Cụ thể, gà giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ. Sử dụng thức ăn hữu cơ như lúa, gạo, cám, bột bắp, bột cá… trộn ủ lên men với chế phẩm sinh học, bổ sung nguồn thức ăn xanh sẵn có của gia đình. Trong quá trình nuôi chỉ sử dụng vắc xin phòng bệnh, các loại men vi sinh, vitamin; tuyệt đối không sử dụng kháng sinh và các chất cấm; định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại để phòng bệnh. Quá trình giết mổ được hỗ trợ về kỹ thuật, máy móc, dụng cụ để sơ chế, đóng gói. Sau khi giết mổ làm sạch, gà được đóng gói, hút chân không, dán nhãn, tem truy xuất nguồn gốc và vận chuyển đến nơi tiêu thụ là các cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh. “Tham gia mô hình tôi thấy sản phẩm sau khi hoàn chỉnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác thông tin đầy đủ nên được thị trường đón nhận. Đầu ra sản phẩm ổn định. Hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây”, anh Phương cho hay.
Theo kỹ sư Lê Quang Biên, cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo mô hình, mặc dù trên địa bàn tỉnh có tổng đàn gia cầm khá lớn, hơn 2,8 triệu con nhưng sản phẩm bán ra trên thị trường chủ yếu vẫn là gia cầm sống, chưa qua giết mổ, sơ chế. Việc liên kết các khâu của quá trình từ khi sản xuất ban đầu đến khi thành sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường để tạo thành chuỗi cung ứng thực phẩm thịt gà an toàn vẫn còn mới, chưa được hộ chăn nuôi quan tâm thực hiện. Sản phẩm sau khi giết mổ được bày bán tại các chợ, cửa hàng phần lớn không có nhãn mác, thông tin truy xuất nguồn gốc; việc kinh doanh qua nhiều khâu trung gian nên người tiêu dùng khó phân biệt được thực phẩm có an toàn hay không. Trong khi với mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với sản phẩm thịt gà, các khâu trong quá trình sản xuất đều được kiểm soát chặt chẽ; định kỳ lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu về vi sinh vật, kim loại nặng, kháng sinh. Gà sau khi đạt kích cỡ thu hoạch được đưa về điểm giết mổ nằm tách biệt với khu vực chăn nuôi; thực hiện giết mổ đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm; sau đó được làm sạch, đóng gói bằng máy hút chân không; dán nhãn có logo nhận diện sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Anh Biên cho biết, nếu như trước đây hộ chăn nuôi sau khi kết thúc giai đoạn nuôi sẽ xuất bán gà tươi sống nên giá trị sản phẩm chưa cao thì với mô hình này, sản phẩm thông qua các khâu giết mổ, sơ chế, đóng gói giám sát về an toàn thực phẩm đã thành sản phẩm hoàn chỉnh để đưa ra thị trường, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn rõ rệt. “Theo tính toán, với quy mô 2.000 con/lứa mức lợi nhuận tăng thêm khi sản xuất theo chuỗi so với trước đây là 22 triệu đồng. Ngoài ra, sản phẩm có thông tin nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên tạo niềm tin cho khách hàng yên tâm sử dụng”, anh Biên cho biết thêm.
Năm 2020, Chi cục QLCLNLS&TS đã xây dựng và triển khai thành công 3 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gồm các sản phẩm thịt lợn tại thôn Tích Tường, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị; thịt gà tại thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ và rau tại Tổ hợp tác rau an toàn thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 105 triệu đồng. Tham gia thực hiện mô hình các hộ được hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong quá trình nuôi, trồng theo hướng tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn ủ với các chế phẩm sinh học; các kỹ thuật sơ chế đảm bảo an toàn thực phẩm; ghi chép hồ sơ sản xuất, sơ chế để thực hiện truy xuất nguồn gốc; lấy mẫu đất, mẫu nước tưới, mẫu nước chăn nuôi, mẫu nước sơ chế để kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Định kỳ Chi cục QLCLNLS&TS tiến hành lấy mẫu rau để kiểm tra định tính, định lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại vi sinh vật E. Coli và Salmonela; lấy mẫu test nhanh hoocmon kích thích tăng trưởng nhóm Beta-Agonist, kiểm tra định lượng các chỉ tiêu kháng sinh như Cloramphenilcol, Streptomycin, vi sinh vật Salmonela… đối với sản phẩm thịt gà, thịt lợn.
Kết quả, sau hơn 5 tháng triển khai, các sản phẩm đều đạt yêu cầu theo quy định, được Chi cục QLCLNLS&TS cấp xác nhận và logo sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hiệu quả kinh tế của các mô hình cũng vượt trội so với sản xuất thông thường. Cụ thể, đối với mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm thịt lợn an toàn, với việc tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp ủ với chế phẩm sinh học để lên men đã giúp tăng hiệu quả tiêu hóa, tạo chất lượng thịt thơm ngon, lợi nhuận cao hơn so với nuôi thông thường khoảng 1,7 triệu đồng/con; đối với chuỗi thịt gà an toàn là 22 triệu đồng/2.000 con; đối với mô hình chuỗi rau an toàn là 25,8 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, Chi cục QLCLNLS&TS còn kết nối các hộ với các cửa hàng thực phẩm sạch để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ in ấn nhãn mác, tờ rơi giới thiệu và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLS&TS Phan Hữu Thặng khẳng định, việc xây dựng và vận hành thành công mô hình chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh 3 sản phẩm rau, gà, lợn đã giúp các hộ làm quen với phương thức sản xuất mới, cùng liên kết sản xuất ra sản phẩm an toàn; nâng cao thu nhập. Các sản phẩm của mô hình đều đạt tiêu chuẩn an toàn, khi đưa ra thị trường có nhãn mác, logo nhận diện giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm đã được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi; dễ dàng kiểm tra thông tin về lô hàng, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, sơ chế… thông qua quét mã QR bằng điện thoại thông minh. Đồng thời, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát sản phẩm, truy xuất đến tận cơ sở sản xuất khi có vấn đề vi phạm về an toàn thực phẩm. Ông Thặng cho biết, trong thời gian tới, Chi cục QLCLNLS&TS sẽ tiếp tục theo dõi, vận hành các mô hình đã thực hiện thành công; định kỳ lấy mẫu giám sát để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm. Tăng cường quảng bá, giới thiệu những sản phẩm của chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đến các cơ sở kinh doanh, bếp ăn tập thể… để có nguồn tiêu thụ ổn định, giúp người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sản phẩm sạch nhiều hơn.
Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình xây dựng thêm các chuỗi sản phẩm có nguy cơ cao, có lượng tiêu thụ nhiều để cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. “Hiện nay, các chứng nhận hữu cơ, chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GMP, HACCP, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm… hầu như chỉ kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm, kiểm soát một số công đoạn sản xuất mà chưa kiểm soát được toàn bộ chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh. Sản phẩm đưa ra thị trường chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa sản phẩm an toàn và không an toàn; đặc biệt đối với các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác nên chưa tạo được sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Do vậy, sản xuất, cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi có sự kiểm soát chất lượng của cơ quan chức năng được xem là một giải pháp có tính đột phá và bền vững trong điều kiện sản xuất hiện nay; đồng thời giúp cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng từ các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Thặng nhấn mạnh.