Trước đây, hoàn cảnh gia đình chị Hoa Mơ rất khó khăn, nhất là khi 5 người con lần lượt chào đời trong khi đất sản xuất lại ít, phần lớn bạc màu, cằn cỗi. Năm 2001, từ số tiền gần 20 triệu đồng của chị em phụ nữ trong thôn và người thân cho mượn, vợ chồng chị vay thêm 30 triệu đồng để mở cửa hàng tạp hóa với gần 300 mặt hàng. Đồng thời học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các chị em khác để mở dịch vụ nhà hàng ẩm thực phục vụ cưới hỏi, việc hiếu, hỉ, lễ hội...
Chị Hoa Mơ chia sẻ: “Ở vùng bãi ngang này, điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp khó khăn. Nghĩ vậy nên tôi quyết định chuyển qua buôn bán, kinh doanh dịch vụ và chăn nuôi. Ban đầu cũng vất vả nhiều lắm, đặc biệt là trong dịch vụ kinh doanh ẩm thực, vì tất cả mình đều phải tự mày mò học, vừa học kiến thức để chế biến cho chất lượng, vừa học cách trình bày cho bắt mắt, kể cả tiếp thị tìm kiếm khách hàng. Nguồn nguyên liệu cũng phải lựa chọn đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng tốt. Có lẽ nhờ vậy mà mô hình của tôi đã được nhiều khách hàng xa gần tin tưởng tìm đến đặt hàng. Hiện nay, riêng dịch vụ ẩm thực đã tạo được việc làm thường xuyên cho 10 chị em trong địa phương với tiền công từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng”.
Năm 2016, Hội Phụ nữ xã Triệu Vân tổ chức tập huấn kiến thức chăn nuôi cho hội viên, chị Mơ lại tích cực tham gia. Khi được trang bị đầy đủ kiến thức, chị quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn. Hiện nay, mỗi năm chị nuôi 3 lứa, quy mô mỗi lứa khoảng 70 -80 con lợn thịt. Đồng thời, duy trì 5 lợn nái sinh sản để cung cấp con giống, chủ động phát triển chăn nuôi. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch bệnh cho lợn nên qua mấy lần dịch bệnh tai xanh ở lợn xuất hiện trên diện rộng nhưng gia trại của chị không bị ảnh hưởng, vẫn phát triển và cho nguồn thu ổn định.
Không dừng lại ở đó, 2 năm trở lại đây, khi đã có nguồn vốn trong tay, chị động viên chồng học hỏi để khai thác lợi thế vùng cát, nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, ngoài bán hàng tạp hóa, dịch vụ kinh doanh ẩm thực, chăn nuôi lợn, chị Mơ có 5 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 2,5 ha. Chị cho biết, riêng năm 2020, mô hình kinh tế tổng hợp của chị cho lợi nhuận gần 1 tỉ đồng.
Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Lê Thị Hoa Mơ còn là hội viên giàu lòng nhân ái, nhiệt tình hỗ trợ cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn bằng cách bán nợ lợn giống, thức ăn gia súc để phát triển chăn nuôi, sản xuất; cho chị em mượn vốn làm ăn không lấy lãi với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh cũng như kiến thức chăn nuôi, sản xuất giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo. Chị còn nhận đỡ đầu cho các em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 3 triệu đồng mỗi năm.
Với sự năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, mô hình kinh tế của gia đình chị Lê Thị Hoa Mơ mang lại nguồn thu nhập cao, có điều kiện tốt để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Đồng thời giúp đỡ nhiều phụ nữ khó khăn ở địa phương cải thiện cuộc sống. Chị Hoa Mơ là tấm gương sáng khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.