Ông Trương Thanh Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Giáo Liêm, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong cho hay: Ruộng đồng của HTX nằm ở cuối kênh nam Thạch hãn nên nguồn nước không đảm bảo và lâu nay người dân sản xuất theo truyền thống, sử dụng các loại giống cũ nên năng suất không cao. Vụ Đông Xuân 2018-2019, HTX đã mạnh dạn quy hoạch cánh đồng lớn, chuyển hướng canh tác theo mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Sau khi được Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới tập huấn kỹ thuật, 120 hộ gia đình đã nắm rõ quy trình kỹ thuật, cùng nhau sản xuất 1 loại giống mới HN 6 và sử dụng công cụ sạ hàng, gieo cùng 1 ngày và trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa việc chăm sóc, bón phân, điều tiết nguồn nước đều cùng 1 thời điểm.
Đây là lần đầu tiên HTX áp dụng mô hình canh tác này trên diện tích 25 ha. Nhờ sử dụng giống mới và áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên không chỉ giảm được lượng giống, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất đạt rất cao 60,1 tạ/ha, cao hơn ruộng đại trà sử dụng giống HC95 là 10 tạ/ha, lợi nhuận kinh tế ở ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà 1 ha hơn 4.000.000 đồng. Mặt khác, thông qua mô hình đã làm cho người dân thấy được những hiệu ích thiết thực mang lại đó là phương thức tổ chức sản xuất hợp lý, cơ giới hóa sản xuất, hệ thống tưới tiêu đồng bộ, hạn chế ô nhiễm môi trường trên đồng ruộng. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, HTX sẽ tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình canh tác, nhất là cơ giới hóa, tưới tiêu khoa học.
Bên cạnh đó, phối hợp với các ban ngành chuyên môn, tổ chức tập huấn và hướng dẫn phương pháp ủ phân vi sinh bằng nguyên liệu hữu cơ, đặc biệt là rơm rạ, tuyên truyền vận động người dân sử dụng phân hữu cơ bón cho đồng ruộng, nhằm cải tạo độ màu mỡ của đất. HTX cũng rất mong các cấp, các ngành và Dự án tiếp tục hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng như bê tông hóa giao thông nội đồng, sữa chữa, nâng cấp và xây dựng lại hệ thống tưới tiêu một cách hoàn chỉnh, phục vụ sản xuất lúa tập trung theo hướng hàng hóa.
Không chỉ đối với cây lúa, trong vụ Đông Xuân 2018-2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị đã tổ chức chỉ đạo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu nhân rộng trên cây lạc vụ thứ hai tại HTX Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh với diện tích 17 ha. Thấy được hiệu quả của vụ trước mang lại, vụ này, 200 hộ gia đình đã tích cực tham gia tập tập huấn kỹ thuật làm đất, ngâm ủ hạt giống, bón phân, phòng trừ dịch hại, điều tiết mực nước. Với việc sử dụng giống lạc Lỳ Tây nguyên, sử dụng máy gieo hạt, đảm bảo mật độ gieo, phủ bạt ni lon, bón phân vi sinh và có cân đối tỉ lệ NPK, kết hợp chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên mặc dù thời tiết hầu như không có mưa và nắng nóng kéo dài nhưng cây lạc vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 24,8 tạ/ha, cao hơn đại trà 7,6 tạ/ha, lợi nhuận kinh tế cao.
Bà Ngô Thị Hoán, thành viên tham gia mô hình cho biết: Trước đây người dân ở đây trồng lạc theo truyền thống, nhờ trời, thường xuyên mất mùa nhưng nay áp dụng quy trình kỹ thuật được tập huấn thấy hiệu quả mang lại cao hơn nhiều. Điều quan trọng nhất đó là Dự án đã giúp cho từng hộ gia đình thay đổi phương thức canh tác, nông dân liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, sản xuất trên cùng 1 cánh đồng, đặc biệt áp dụng màng phủ ni lon, tiết kiệm nước tưới, tiết kiệm công làm cỏ và bón phân chỉ thực hiện một lần duy nhất trước khi gieo hạt.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật nhấn mạnh: Để giúp cho người dân ở những vùng khó khăn về nguồn nước tưới sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, từ năm 2017 đến nay, Sở NN&PTNT đã tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Dự án WB 7, xây dựng mô nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu với diện tích trên 1.000 ha, hàng ngàn nông dân được hưởng lợi và tất cả các mô hình đều cho kết quả rất tốt. Không chỉ triển khai đối với cây lúa, Dự án còn hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lạc, ngô và 1 số cây trồng khác theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích. Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật đã tổ chức khảo sát thực tế, hỗ trợ giá giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật. Với việc sử dụng các loại giống có phẩm cấp đã cho năng suất và lợi nhuận cao hơn so với sản xuất truyền thống, đặc biệt là hạn chế được sâu bệnh hại, từ đó giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm được chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra nông sản an toàn thực phẩm. Điều quan trọng hơn là đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, đem lại hiệu ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Thực tế cho thấy, trong điều kiện biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng khó lường, việc chuyển đổi theo hướng canh tác thông minh là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả cao. Do vậy, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ, xây dựng và nhân rộng mô hình, nhất là hướng đến tập huấn và hướng dẫn phương pháp ủ phân vi sinh để cải tạo độ màu mỡ của đất, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Tác giả bài viết: Bá Thuần
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn