Khó vạn lần dân liệu cũng xong

Thứ tư - 16/08/2023 04:45
Thay đổi cơ sở hạ tầng thực chất mới chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Điều quan trọng là chương trình xây dựng nông thôn mới phải giúp người dân có chủ kiến trong xây dựng quê hương và trở thành đối tượng trực tiếp thụ hưởng thành quả. Làng quê chỉ thực sự thay da đổi thịt khi đời sống của nông dân được nâng cao cả vật chất lẫn tinh thần.
Lão nông Nguyễn Đăng Lực (trái) giữa vườn cây trái - Ảnh: V.N
Lão nông Nguyễn Đăng Lực (trái) giữa vườn cây trái - Ảnh: V.N

     Dưới những mái nhà hạnh phúc

     Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của ông Nguyễn Đăng Lực, một lão nông tại thôn Cam Phú (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ). Trong điện thoại, ông Lực hí hửng khoe: “Vải đã chín rồi! Mời chú về thưởng thức. Vải năm nay không sai quả nhưng ngọt lịm. Vợ chồng tôi nhờ người hái xuống, một phần bán còn chủ yếu để gửi cho các con và biếu anh em họ hàng”. Niềm vui của ông Lực khiến chúng tôi nhớ lại, cách đây không lâu đã từng “lạc” vào không gian vườn tược sinh thái của ông Lực nằm bên bờ sông Hiếu quanh năm xanh mát êm đềm. Giữa nắng gắt của trưa hè, ngôi nhà vợ chồng ông Lực dù nằm hút sâu cuối ngõ, giữa một vườn hoa quả tại thôn Cam Phú nhưng vẫn lộng gió. Ông Lực mắc vài chiếc võng, một bộ bàn ghế, ấm trà mạn dưới vườn cây rợp bóng tận hưởng không gian êm đềm. Khách đến chơi nhà, vợ chồng ông Lực đưa ra vườn giới thiệu rồi tiếp khách dưới những gốc cây cổ thụ. Con đường dẫn vào nhà ông nhẽ ra đã được nới rộng để hai xe ô tô có thể tránh nhau như bao đoạn đường khác. Nhưng chính cái khoát tay đầy suy tư của ông lực đã ngăn cản việc các hộ dân hiến đất mở rộng con đường này. Ngẫm cho kỹ, đó chẳng phải là điều khó lý giải. “Thời điểm này, phong trào hiến đất làm đường rất sôi nổi. Đây là cơ hội để tôi mở rộng con đường. Nhưng thú thật, hai hàng cây chè tàu đã gắn bó với cuộc đời tôi và nó sẽ tồn tại, tươi xanh mãi mãi như tuổi thanh xuân của đời người. Nông thôn mới không có nghĩa là bê tông hóa một cách cứng nhắc để rồi thế hệ mai sau nhận ra chúng ta đang dần thiếu đi màu xanh của sự sống” - ông Lực lý giải. Ngôi nhà nhỏ hiện chỉ có hai vợ chồng ông Lực sinh sống nằm trong mảnh vườn rộng gần 0,5 ha với hàng chục gốc vải, ổi, bưởi. Mùa vải năm nay không sai quả nhưng không khiến vợ chồng ông Lực buồn. Ông suy nghĩ giản đơn, những gì ông thu hoạch ở khu vườn này phải là sản phẩm hoàn toàn thuận tự nhiên. “Nuôi mấy con lợn, con gà, ủ phân bón cho cây trồng. Tuyệt nhiên tôi không sử dụng phân bón hóa học cũng chẳng bao giờ phun thuốc trừ sâu. Vải cứ mùa ra hoa đậu quả lại cách một mùa chẳng có thu hoạch gì. Hai đứa con gọi điện về bảo bố mẹ phải giữ được khu vườn, phải có những sản phẩm sạch. Sau này lập gia đình chúng sẽ đưa các cháu về đây trải nghiệm” - ông Lực chia sẻ. Ve đã bắt đầu cất những bản nhạc râm ran dưới trưa hè nắng gắt. Dưới những gốc vải vài chục năm tuổi, cuộc sống của vợ chồng ông Lực cứ thế ngày qua ngày, thanh bình và đầm ấm. Đó cũng chính là cuộc sống dưới nhiều mái nhà truyền thống tại xã Cam Thành. Từ nhiều năm nay, phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả vừa phát triển kinh tế vừa tạo ra không gian sinh thái đáng sống. Trong quan niệm của người dân nơi đây, khi đã đủ điều kiện để hưởng thụ một cuộc sống với điều hòa, tủ lạnh, smart tivi, điện thoại thông minh thế hệ mới thì không gian xanh là một phần không thể thiếu giúp cuộc sống cư dân nông thôn trở thành mảnh ghép hoàn hảo.
     Ông Đào Văn Khánh có 1,3 ha đất tại thôn Cam Phú trước đây trồng hồ tiêu. Khi hồ tiêu bước qua thời kỳ cực thịnh, ông mạnh dạn chuyển sang trồng các giống cam như V2, Xã Đoài, Xã Đoài lòng vàng… Ngay sau khi trồng, ông đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Công việc chăm sóc vườn cam vì thế cũng đỡ cực nhọc. Vườn cam không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật dù cho thu nhập không cao nhưng ông không lấy đó làm phiền lòng. “Vụ bói vườn cam của tôi đem lại nguồn thu trên 100 triệu đồng. Mẫu mã sản phẩm tuy không đẹp nhưng chất lượng, có bao nhiêu cũng bán hết. Vui là vì thế! Giờ người tiêu dùng thông thái hơn trước, chất lượng được quan tâm hàng đầu vì vậy người sản xuất cũng vì thế phải thay đổi cách nghĩ, cách làm”.
    Ông Lê Anh Chương, Chủ tịch UBND xã Cam Thành chia sẻ, địa phương rất ít ruộng lúa, đa phần người dân sống nhờ những vườn cao su, tiêu, cà phê và trồng rừng. Vài năm lại đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá sôi nổi. Nhiều thôn đã xây dựng được các vườn cây ăn quả, vườn dược liệu cho thu nhập cao và bền vững. “Cam Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 và từ đó đến nay đã có những bước tiến trong tư duy sản xuất của người dân. Chẳng bao lâu nữa, Cam Thành sẽ trở thành vựa cây ăn quả và dược liệu hàng hóa của Cam Lộ. Lúc đó cuộc sống của người dân sẽ còn khấm khá hơn nữa” - ông Chương phấn khởi.
     Tôi không phải là Đảng viên nhưng là con của Đảng
     Con đường từ ngã ba thôn Cam Phú vào khu dân cư phía trong gồm hàng chục hộ dân trước đây phải đi vòng vèo, mất gần 30 phút thì nay đã được rút ngắn lại. Gần nhà, gần ngõ, thứ tình cảm thiêng liêng ở làng quê này có lẽ chưa bao giờ đẹp và gắn kết đậm đà hơn thế. Đường đổ bê tông còn tươi mới, dài hàng trăm mét, rộng 3 mét được hoàn thành đã chia đôi khu vườn của vợ chồng ông bà Mai Thanh Bình - Trần Quý. Có vài người xuất hiện ý nghĩ: Có lẽ, trong cơn sốt đất những năm qua, ông Thanh bà Quý muốn mở đường để bán đất được giá. Thế nhưng, những ý nghĩ ấy chỉ thoảng qua và trở thành một câu chuyện vui ở làng quê này. Bởi đằng sau chuyện hiến đất của vợ chồng già này là cả một tấm lòng. Nó giúp làng quê yên bình nhân lên những tấm lòng cao thượng. Con đường được mở không làm giá trị khu vườn của vợ chồng già tăng lên mà còn khiến ông bà phải lọ mọ lên xã, lên huyện điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng bà Quý vẫn vui vẻ: “Vợ chồng tôi đã hiến 800 m2 vườn để làm đường nối các khu dân cư trong thôn. Nếu thôn cần thêm nữa để mở rộng đường và lề đường, chúng tôi vẫn vui vẻ. Chỉ là sau khi hiến đất, tôi mong được điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tiện cho việc sử dụng sau này”.
     Chúng tôi hỏi: Hai vợ chồng ông bà hiến cho thôn nhiều đất như vậy con cái có ai phản đối không? Ông Bình trả lời: “Đất là Nhà nước giao cho chúng tôi quản lý, sử dụng. Khi Nhà nước cần thì chúng tôi sẵn sàng trả lại để quê hương được giàu đẹp hơn. Chuyện hiến đất là vợ chồng tôi quyết định và con cái cũng đồng thuận. Vợ chồng tôi tuy không phải là Đảng viên nhưng là con của Đảng. Có Đảng lãnh đạo mới có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc như ngày hôm nay nên chúng tôi không ngại chia sẻ”. Ông Lê Đa Sinh, Bí thư Chi bộ thôn Cam Phú cho biết, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ban đầu còn gặp khó khăn vì người dân đều tiếc đất đai. Tuy nhiên, sau khi một số đoạn đường được mở rộng, người dân thấy được lợi ích nên đã chủ động gặp thôn để xin hiến đất. Bây giờ, hiến đất làm đường đã trở thành phong trào, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. “Nhà ông Bình, bà Quý là trường hợp đặc biệt. Mặc dù ông bà đều đã trên 70 tuổi nhưng ngoài việc hiến 800 m2 đất thì còn vận động người dân cùng hiến đất làm đường giao thông. Nhiều đoạn đường trong thôn trước chỉ 1 ô tô đi được thì nay 2 ô tô đã có thể tránh nhau; các ngõ đều thông nhau rất thuận tiện cho đi lại, phát triển kinh tế. Đó chính là lợi ích của việc hiến đất làm đường giao thông mang lại. Nhìn thấy được điều đó nên người dân ở đây rất đồng thuận hiến đất làm đường” - ông Sinh chia sẻ. Ông Trương Thanh, trưởng thôn Cam Phú cho biết thêm, sau nhiều lần hiến đất, mục tiêu đường giao thông thôn xóm phải rộng từ 6 mét trở lên hiện nay đã đạt được nhưng phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới vẫn chưa dừng lại. Trong “cơn sóng” hiến đất mới thấy được giá trị của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khi chủ trương sát với thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân thì không lo gì không thành công. Đúng là, dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. “Hiện nay trong thôn còn có 30 hộ đăng ký hiến đất mở rộng đường giao thông. Sau khi hiến đất, các hộ này sẽ tự nguyện xây lại tường rào mà không yêu cầu hỗ trợ. Toàn thôn hiện chỉ còn 1 km đường giao thông chưa được đổ bê tông. Sắp tới, khi được hỗ trợ kinh phí, chúng tôi sẽ đối ứng phần còn lại bê tông hóa 100% đường làng ngõ xóm” - ông Thanh cho biết.
     Lãnh đạo xã Cam Thành cho hay, hiện nay xã đã được thẩm định các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Để nông thôn mới thực sự đem lại hạnh phúc cho người nông dân, ngoài việc tiếp tục duy trì phong trào hiến đất nới rộng đường giao thông địa phương sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả; chuyển đổi đất màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu; thành lập các tổ hợp tác trồng cây ăn quả; xây dựng đề án mô hình chăn nuôi bò nhốt, cải tạo chất lượng đàn dê, thành lập tổ hợp tác nuôi dê, bò... “Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Cam Thành đạt trên 58,5 triệu đồng. Để phát triển sản xuất, hướng tới nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân, hiện nay chúng tôi đã và đang tính toán để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cam Thành không những sẽ là vùng cây ăn quả trù phú, vùng trồng rừng gỗ lớn FSC mà còn là vùng cây dược liệu hàng hóa trong tương lai” - Ông Lê Anh Chương, Chủ tịch UBND xã Cam Thành chia sẻ.

Nguồn tin: Bài và ảnh Vũ Nguyên tạp chí Cửa Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay11,025
  • Tháng hiện tại203,621
  • Tổng lượt truy cập8,403,918
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây