Ông Mừng và những việc làm ý nghĩa

Thứ hai - 23/12/2019 02:08
Hôm nhìn thấy ông Hoàng Xuân Mừng chống chiếc nạng gỗ bước lên sân khấu để nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ghi nhận sự đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương, mọi người đều xúc động, tỏ tấm lòng ngưỡng mộ. Càng ngưỡng mộ hơn khi vượt qua những khiếm khuyết của bản thân, ông đã nỗ lực trong tập luyện để trở thành một vận động viên khuyết tật tiêu biểu của tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trân trọng trao bằng khen cho ông Hoàng Xuân Mừng (áo đen). Ảnh: Ngọc Vũ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trân trọng trao bằng khen cho ông Hoàng Xuân Mừng (áo đen). Ảnh: Ngọc Vũ
 
Vận động viên khuyết tật giỏi
 
Đúng hẹn, chúng tôi về ngôi nhà cấp 4 khá khang trang của lão nông Hoàng Xuân Mừng (57 tuổi), trú ở thôn Tân Kỳ, xã Gio Quang, huyện Gio Linh, vào một ngày đầu tháng 11. Nở nụ cười tươi rồi rót li nước chè đậm mời khách, ông Mừng kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ dữ dội và quá trình vượt khó trở thành vận động viên (VĐV) vàng của tỉnh.
 
Một buổi sáng năm 1970, khi vừa tròn 8 tuổi, ông cùng 5 người trong gia đình bị giặc ép lên xe tải chở dồn vào ấp chiến lược Quán Ngang (Gio Linh). Trên đường di chuyển, chiếc xe không may trúng phải mìn nổ tung khiến 1 người chết, 5 người bị thương nặng, trong đó ông Mừng bị cụt chân phải. Tai nạn đó khiến nhiều năm về sau, ông vẫn cảm thấy thiếu tự tin vì bản thân tật nguyền. Nhìn về phía người vợ của mình là bà Trần Thị Huệ (51 tuổi) đang giặt quần áo ở giếng bên sân nhà, ông Mừng ứa nước mắt nói rằng: “Cuộc đời tôi may mắn gặp được bà ấy và có bốn đứa con ngoan hiền. Đó là những cục vàng mà tôi trân quý nhất”.
 
Bà Huệ thời thanh niên xinh đẹp, trắng trẻo nên nhiều người theo đuổi. Vào một buổi tối năm 1988, ông Mừng dẫn bạn đến tán tỉnh bà. Khi nhìn thấy chàng thanh niên có khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, dù ông bị cụt chân, bà Huệ vẫn thấy cảm thương rồi yêu và quyết định trở thành người vợ hiền của ông. Có vợ ở bên săn sóc, lại nhận được sự động viên, khích lệ của họ hàng, chòm xóm nên ông Mừng càng có động lực để vượt qua những khó khăn của bản thân, nuôi 4 người con ăn học.
 
Ông Hoàng Xuân Mừng bên những tấm huy chương và bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ
 
Nhận thấy mình có sức khoẻ khá tốt, từ năm 1997 ông Mừng đăng kí tham gia thi đấu thể thao người khuyết tật tỉnh ở môn điền kinh với 3 nội dung nhảy cao, chạy và nhảy xa. Ở tỉnh Quảng Trị, kinh phí có hạn nên việc rèn luyện chủ yếu do các vận động viên tự thân vận động. Trước mỗi đợi thi đấu, ông Mừng ra bãi cát trắng ở thôn nỗ lực khổ luyện. Chỉ còn một chân nên việc tập luyện gặp vô vàn khó khăn, số lần té ngã không thể nào đếm xuể. Sau mỗi giờ luyện tập, phía chân bị cụt tứa máu, toàn thân đau rã rời khiến vợ con lo lắng. Vậy nhưng, ông Mừng vẫn bền chí, chẳng bao giờ than vãn hay có ý định bỏ cuộc.
 
Sự khổ luyện của ông cuối cùng cũng được đền đáp. Qua 15 năm thi đấu, ông Mừng có bộ huy chương khoảng 60 cái, trong đó đa số là huy chương vàng. Hiện tại, kỉ lục môn nhảy cao 1,36 m và nhảy xa 3,58 m do ông lập ra chưa có vận động viên nào trong tỉnh phá vỡ được.
 
“Đi thi đấu, gặp gỡ mọi người giúp tôi tự tin, hòa nhập tốt hơn. Trở về nhà với những tấm huy chương, được vợ, con và những đứa cháu chào đón tôi lại càng ấm lòng, yêu thương gia đình hơn”, ông Mừng tâm sự.
 
Hiến đất và của để làm đường
 
Chăm chỉ làm việc, tăng gia sản xuất nên cuộc sống vợ chồng ông Mừng ngày càng khá hơn. Năm 2016, ông Mừng quyết định xây dựng tường rào và cổng bằng bê tông kiên cố dài 60 m, trị giá khoảng 50 triệu đồng. Thế nhưng, năm 2017 khi chính quyền đến nhà báo rằng, trong thời gian tới sẽ nâng cấp, mở rộng con đường liên xã đi qua khu vực tường rào nhà ông và còn xin lấn vào vườn thêm 3 m, không chút đắn đo, ông Mừng vui vẻ đồng ý. Chỉ cho chúng tôi biết nơi mình đã hiến đất, hiến của, ông Mừng cho biết, hàng rào trị giá 50 triệu đồng, cộng với 180 m2 đất trị giá 108 triệu đồng (theo giá đền bù của Nhà nước, đất của ông Mừng có giá 600.000 đồng/m2). Dù biết số tiền 158 triệu đồng là rất lớn đối với tôi nhưng vì việc chung của xã hội, ông chấp nhận cống hiến. Tại thôn Tân Kỳ, ông Mừng trở thành người đầu tiên xung phong hiến của, hiến đất, từ đó lan rộng ra cho các hộ khác làm theo.
 
“Thông thường, tiền đền bù giải phóng mặt bằng chiếm khá lớn trong xây dựng. Vì vậy, nếu mỗi người chịu thiệt thòi một chút để đóng góp cho việc chung thì sẽ có thêm nhiều đường, trường, trạm… được xây dựng phục vụ cuộc sống nhân dân. Đương nhiên xã hội không bao giờ lãng quên những cống hiến đó”, ông Mừng nói.
 
Ông Hoàng Xuân Mừng chăm sóc đàn lợn của gia đình. Ảnh: Ngọc Vũ
 
Đúng như lời ông Mừng, xã hội không bao giờ quên những đóng góp của nhân dân. Với riêng ông Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị còn tặng bằng khen tại hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM. Hôm đó, khi nhìn thấy ông Mừng chống chiếc nạng gỗ bước lên sân khấu để nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự đóng góp vào quá trình xây dựng NTM, mọi người ai nấy đều xúc động, bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ. Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, chính những người như ông Mừng đã giúp phong trào hiến đất, hiến của… lan tỏa rộng khắp, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng NTM của địa phương. Trong 10 năm qua, người dân trong tỉnh đã đóng góp bằng tiền mặt, công lao động, đất, cây… quy ra với số tiền 1.859,738 tỉ đồng, đây là động lực giúp Quảng Trị đạt nhiều kết quả đáng mừng. Đến nay, Quảng Trị đã có 52/117 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến hết năm 2019 sẽ có thêm 6 xã nữa về đích, nâng số xã đạt chuẩn lên 58.
 
“Lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh luôn ghi nhớ những đóng góp của nhân dân. Quá trình xây dựng NTM được xác định do nhân dân làm nòng cốt và có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi mong nhân dân tiếp tục đồng hành, ủng hộ nhiều hơn để các công trình hạ tầng được xây dựng quay lại phục vụ tốt hơn cho nhân dân” - ông Đồng nói.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập96
  • Hôm nay20,921
  • Tháng hiện tại104,712
  • Tổng lượt truy cập8,305,009
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây