Đảng viên tiên phong vận động hiến đất, giải phóng mặt bằng

Thứ ba - 04/02/2020 02:05
Mỗi khi có dự án làm đường, xây dựng công trình nông thôn mới thì công tác giải phóng mặt bằng luôn là khâu quan trọng quyết định đến tiến độ thi công. Ở nhiều địa phương, công tác vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng được thực hiện rất tốt và hiệu quả nhờ vai trò tiên phong của đảng viên được phát huy…
Nhờ nêu cao vai trò tiên phong của đảng viên mà nhiều gia đình trong thôn Lai Bình tự nguyện hiến đất theo đảng viên Lê Văn Thợi (thứ hai từ trái qua). Ảnh: TT
Nhờ nêu cao vai trò tiên phong của đảng viên mà nhiều gia đình trong thôn Lai Bình tự nguyện hiến đất theo đảng viên Lê Văn Thợi (thứ hai từ trái qua). Ảnh: TT
  
Một ngày cuối năm 2019, dẫn chúng tôi ra thăm Trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng thôn Trúc Khê được xây dựng khang trang trên mảnh đất rộng rãi, bằng phẳng, anh Phan Văn Quý (sinh năm 1963), đảng viên của Chi bộ Trúc Khê, Chủ tịch UBMTTQVN xã Cam An, huyện Cam Lộ không giấu được niềm vui. Trước đây, Trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng thôn Trúc Khê nằm đối diện phía bên kia của tuyến đường liên thôn, cách nhà anh Quý không xa. Năm 2015, trước nhu cầu học tập của các em nhỏ, xã Cam An xây dựng điểm Trường Mầm non Vành Khuyên cụm phía Bắc gồm các thôn Trúc Kinh, Trúc Khê, Mỹ Hoà. Điểm trường này nằm trong khuôn viên của Trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng thôn Trúc Khê. “Khi địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới và trước nhu cầu thực tế của người dân, Chi bộ thôn Trúc Khê quyết định chuyển trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng sang nơi mới để đảm bảo các tiêu chí nông thôn mới cũng như thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt của người dân. Từ đó chi bộ có chủ trương giao cho tổ dân vận vận động nhân dân, trong đó lấy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên để vận động người dân hiến đất, hiến cây”, anh Quý kể.
 
Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đảng viên, anh Quý tự nguyện hiến 250 m2 đất lâm nghiệp để có mặt bằng xây dựng trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng thôn. Không chỉ vậy, anh còn tích cực vận động người thân trong gia đình và hàng xóm cùng hiến đất, hiến cây. Qua quá trình vận động, nhiều hộ tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất. Trong đó, phải kể đến anh Phan Văn Thỉ (sinh năm 1958), anh ruột của anh Quý, ông Hoàng Hữu Trình (sinh năm 1960) và bà Thái Thị Huệ (sinh năm 1946), mỗi hộ hiến 250 m2 đất ở và đất lâm nghiệp. Tổng cộng diện tích đất được hiến trên 1.000 m2 . Khi đã có mặt bằng rộng rãi, bằng phẳng, tháng 9/2019 Trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng thôn Trúc Khê được khởi công xây dựng với kinh phí trên 780 triệu đồng. Sau 3 tháng xây dựng, công trình hoàn thành và được bàn giao với sức chứa trên 150 người, có đầy đủ các công trình phụ.
 
52 tuổi đảng và 76 tuổi đời, ông Lê Văn Thợi (sinh năm 1944) ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh được các đảng viên trong chi bộ và nhân dân tin yêu, nể phục. Năm 2007, khi địa phương có chủ trưởng mở rộng khuôn viên Trường Tiểu học Vĩnh Chấp, khu vực Lai Bình (nay là Trường TH & THCS Vĩnh Chấp), ông Thợi đã hiến 200 m2 đất sản xuất cho địa phương. “Mảnh đất mà tôi hiến để địa phương mở rộng trường học là để trồng sắn. Lúc nghe chi bộ vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân hiến đất làm trường, 200 m2 đất nhà tôi đang trồng sắn và sắp thu hoạch. Nhưng việc giải phóng mặt bằng không thể chậm trễ, vì thế tôi hiến luôn 200 m2 đất cho địa phương”, ông Thợi nói. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn thấy việc làm ý nghĩa của ông Thợi nên cũng tự nguyện hiến đất với tổng diện tích đất được hiến gần 300 m2 .
 
Chưa dừng lại ở đó, năm 2017, xã Vĩnh Chấp phát động chương trình xây dựng nông thôn mới. Lúc này, nhu cầu thực tế của địa phương là cần làm một con đường nối từ trung tâm thôn Lai Bình đến vùng Khe Voóc dài hơn 1,5 km để giúp nhân dân trong vùng đi lại, buôn bán, sản xuất, vận chuyển nông sản được thuận lợi. Phát huy vai trò tiên phong của đảng viên, ông Thợi tự nguyện hiến 500 m2 đất sản xuất để địa phương có mặt bằng san ủi đất làm đường. Tiếp đó, ông Thợi cùng các đảng viên trong chi bộ đi đến từng gia đình để vận động, tuyên truyền nhân dân cùng hiến đất, hiến cây. Dần dần, người dân trong thôn hiểu ra rằng, từ trước tới nay, mỗi khi đến vùng Khe Voóc để canh tác, sản xuất hay buôn bán nông sản gặp rất nhiều khó khăn, vất vả bởi chỉ có một con đường mòn độc đạo. Nay nếu mỗi gia đình chịu hiến đất thì thôn sẽ có một con đường rộng rãi, quang đãng hơn, đi lại thuận tiện hơn… Đây là lợi ích chung của cả cộng đồng. Nghe theo ông Thợi, nhiều gia đình trong thôn Lai Bình đã tự nguyện hiến khoảng 1.000 m2 đất để địa phương làm một con đường cấp phối dài hơn 1,5km, rộng 5m nối trung tâm thôn Lai Bình với vùng Khe Voóc.
 
Cách đây chưa lâu, ông Thợi còn tự nguyện hiến 40m2 đất thổ cư để chính quyền địa phương làm tuyến đường bê tông nội thôn. Bí thư Chi bộ thôn Lai Bình Lê Đức Tiến cho hay: “Có thể nói, đảng viên Lê Văn Thợi là một trong những người hiến đất nhiều nhất thôn Lai Bình. Việc tự nguyện hiến đất, hiến cây sẽ giúp chính quyền địa phương thuận lợi hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình phục vụ nhân dân. Đến nay, đường làng ngõ xóm, hệ thống cơ sở hạ tầng ở thôn Lai Bình nói riêng và xã Vĩnh Chấp nói chung cơ bản đã thông thoáng, sạch đẹp và kiên cố”.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập96
  • Hôm nay18,762
  • Tháng hiện tại82,755
  • Tổng lượt truy cập8,283,052
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây