Đến thời điểm này, theo thông tin từ Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh hiện có 4 huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025 gồm các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng và Vĩnh Linh. Xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới đòi hỏi khối lượng công việc cũng như nguồn lực đầu tư khá lớn, yêu cầu các địa phương phải hoàn thiện 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thiện 9/9 tiêu chí huyện đạt chuẩn. Giai đoạn 2016-2020, các huyện mới tập trung nguồn lực để đầu tư xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để hoàn thành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025, hiện nay hầu hết các huyện đang gặp nhiều khó khăn cần phải tập trung tháo gỡ.
Đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn đầu 2010-2020, Vĩnh Linh là huyện có nhiều xã nổi bật, nhiều điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của huyện là còn 3 xã miền núi chưa đạt chuẩn (Vĩnh Ô, Vĩnh Khê và Vĩnh Hà), trong đó khó nhất là vẫn là xã Vĩnh Ô. Theo báo cáo của xã, hiện nay mới đạt 11/19 tiêu chí, trong đó các tiêu chí thu nhập và hộ nghèo đạt rất thấp. Năm 2020, hộ nghèo trên địa bàn xã là 44,1%; thu nhập bình quân đầu người mới 20 triệu đồng/người. Như vậy, để Vĩnh Ô trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025 bên cạnh hỗ trợ về nguồn lực, huyện Vĩnh Linh cần tập trung chỉ đạo để xã Vĩnh Ô có thể hoàn thiện các tiêu chí khó như thu nhập, hộ nghèo, nhà ở…Ngoài ra, hiện nay, huyện vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt như còn trên 12 km đường huyện quản lý chưa đầu tư đạt chuẩn, mới có ¼ trường THPT đạt chuẩn quốc gia; việc đầu tư xây dựng bãi rác tập trung tại huyện mới đang trong giai đoạn triển khai nên công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện chưa đạt chuẩn theo quy định.
Để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, huyện Hải Lăng đã rất khẩn trương trong chỉ đạo thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV đã sớm ban hành kết luận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2020-2015. Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới. UBND huyện đã ban hành Đề án để cụ thể hóa chủ trương của Huyện ủy, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành, địa phương trên địa bàn huyện. Đến nay, đối với tiêu chí huyện nông thôn mới đã đạt 4/9 tiêu chí, có 11/15 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện huyện Hải Lăng còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ như: toàn huyện còn 4 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã Hải An và Hải Khê thuộc quy hoạch khu kinh tế Đông Nam, việc đầu tư hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới rất khó thực hiện do vướng quy hoạch. Đối với tiêu chí giáo dục, toàn huyện còn 2/3 trường cần phải đầu tư xây dựng đạt chuẩn mới đảm bảo có trên 60% trường học đạt chuẩn; trung tâm văn hóa thể thao huyện chưa đạt chuẩn. Hiện nay, huyện vẫn chưa có mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để đảm bảo ít nhất 10% sản lượng sản phẩm chủ lực của huyện. Hệ thống xử lý nước thải một số cơ sở sản xuất, làng nghề, cụm công nghiệp chưa được xử lý; việc thu gom, xử lý chất thải một số xã chưa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.
Đối với huyện Triệu Phong hiện nay mới đạt 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Đối với tiêu chí giao thông mới có 56,3% km đường huyện đạt chuẩn; có 2/4 trường THPT đạt chuẩn nhưng đạt năm 2016 phải tiến hành công nhận lại theo quy định của Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT. Đối với các tiêu chí này cần nguồn lực đầu tư khá lớn vượt ngoài khả năng ngân sách của huyện. Ngoài ra, huyện chưa có đề án, kế hoạch, phương án quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện; cần đầu tư hệ thống việc xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh cũng đề ra mục tiêu “ phấn đấu đưa huyện Gio Linh đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2025”. Huyện Gio Linh cũng đứng trước những khó khăn như toàn huyện chỉ có 1/3 trường đạt chuẩn quốc gia. Các bãi rác trên địa bàn huyện cơ bản đầy, cần đầu tư nhà máy xử lý rác để đảm bảo xử lý rác thải theo quy định. Ngoài ra hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường do hấp sấy cá của 67 hộ tại xã Gio Việt chưa được xử lý. Toàn huyện còn 7 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 1 xã miền núi (Linh Trường) mới đạt 9 tiêu chí, các tiêu chí khó như thu nhập, hộ nghèo cần phải tập trung chỉ đạo.
Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, đứng trước nhiều khó khăn như vậy, đòi hỏi các huyện cần phải có sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực lớn trong huy động nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành. Theo báo cáo rà soát ban đầu của các huyện, để đảm bảo về đích nông thôn mới trước năm 2025, cần nguồn lực đầu tư khá lớn trên 100 tỷ đồng/huyện. Hầu hết các huyện đều thiếu các tiêu chí cần nguồn lực như giao thông, trường học, môi trường. Hiện nay, có một số huyện đang còn lúng túng, chưa có giải pháp trong chỉ đạo thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, do một số tiêu chí do các ngành quản lý. Hiện nay, hầu hết các huyện đều chưa có quy hoạch vùng huyện, cần khẩn trương hoàn thiện lập quy hoạch vùng huyện làm cơ sở định hướng để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới. Cần tập trung chỉ đạo 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới trước 2025, trong đó đặc biệt quan tâm đến các xã miền núi, có giải pháp tập trung phát triển các mô hình sản xuất, huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở, tạo quỹ đất sản xuất cho bà con…..Một số huyện chưa xây dựng Đề án huyện nông thôn mới cần sớm xây dựng Đề án để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm để thuận lợi trong công tác chỉ đạo đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Ông Trần Trọng Tuấn – Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới cho biết thêm “Văn phòng điều phối nông thôn mới đã làm việc với các huyện, hướng dẫn các huyện rà soát kỹ hiện trạng và nhu cầu nguồn lực đầu tư đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Hiện nay, các huyện đang còn gặp nhiều khó khăn như có nhiều tiêu chí chưa đạt, trong đó có các tiêu chí khó như môi trường, liên kết trong sản xuất; nguồn lực đầu tư đề xuất khá lớn; các xã miền núi của các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh rất khó đạt các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, nhà ở... Vì vậy, trong thời gian tới, Văn phòng điều phối nông thôn mới tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung ưu tiên thực hiện hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tập trung chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn duy trì vững chắc kết quả đã đạt, không để rớt chuẩn; tiếp tục chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đề xuất các ngành cấp tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ thêm cho các địa phương; đề xuất các cơ quan, đơn vị được UBND tỉnh giao đỡ đầu, phụ trách các xã có kế hoạch hỗ trợ cụ thể; đề xuất lồng ghép một số hạng mục công trình cần đầu tư vào kế hoạch trung hạn 2021- 2025 của tỉnh. Chúng tôi luôn xác định xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong thời gian tới nên sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh, BCĐ tỉnh chỉ đạo. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương rất cần sự vào cuộc của tất cả các ngành cấp tỉnh, cùng đồng hành với địa phương”.