Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 53 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm 4 sao và 46 sản phẩm 3 sao. Có thể nói rằng, chương trình OCOP đã phát huy được nội lực và gia tăng giá trị ở từng sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn.
Triển khai chương trình OCOP nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền của Quảng Trị đã được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, giá trị. Sản phẩm sau khi được công nhận OCOP được hỗ trợ đưa vào phân phối ở một số hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, tham gia các Hội chợ thương mại, hội chợ kết nối cung cầu góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Quảng Trị. Các chủ thể sản xuất là hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, hợp tác xã được đổi mới tư duy, sáng tạo mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm;được hỗ trợ về máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm. Chính nhờ những lợi ích khi được chứng nhận sản phẩm OCOP nên trong năm 2020 các chủ thể sản xuất cũng rất quan tâm đến việc nâng cấp sản phẩm lên thứ hạng cao hơn. Toàn tỉnh có 4 sản phẩm được nâng cấp từ sản phẩm 3 sao lên sản phẩm 4 sao. Một số sản phẩm OCOP đã và đang phát triển thị trường tốt hiện nay như gạo sạch Triệu Phong, các sản phẩm dược liệu như cao chè vằng, cao cà gai leo …
Chị Lê Hồng Nhạn - Chủ cơ sở cao cà gai leo An Xuân cho biết “ sản phẩm cao cà gai leo An Xuân được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2020 sản phẩm cà gai leo An Xuân được nâng cấpvà được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Mục đích tôi muốn nâng cấp sản phẩm của mình lên 4 sao đó là muốn có một cơ sở pháp lý vững chắc để sản phẩm của mình có thể dể dàng vào các siêu thị, chuổi cửa hàng nông sản sạch nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm của mình. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay đó là người tiêu dùng chưa thực sự hiểu về sản phẩm OCOP nên sự quan tâm của khách hàng còn hạn chế. Do đó, tôi nghĩ bên cạnh việc quan tâm giúp các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ kết nối thị trường thì các cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng cho người dân biết về những ưu việt của sản phẩm OCOP so với sản phẩm thông thường, từ đó giúp người dân có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm tốt nhất để sử dụng”.
Không chỉ dừng lại ở 53 sản phẩm được chứng nhận, năm 2021 tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa, công nhận ít nhất 23 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh;lựa chọn từ 1-2 ý tưởng sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa để xây dựng sản phẩm OCOP; lựa chọn từ 2- 4 sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng của địa phương để xây dựng sản phẩm 5 sao cho giai đoạn 2021-2025. Theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2021 có 66 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia, trong đó:nhóm thực phẩm 47 ý tưởng sản phẩm, nhóm đồ uống 01 ý tưởng sản phẩm, nhóm thảo dược 14 ý tưởng sản phẩm, nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí 02 ý tưởng sản phẩm, nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng 01- 02 ý tưởng sản phẩm.
Ông Hoàng Minh Trí – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết “ Đối với một sản phẩm OCOP điều quan trọng nhất đó là chất lượng, giá trị sản phẩm thực chứ không phải là danh hiệu. Để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng chất lượng sản phẩm OCOP cần phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, công tác đánh giá phân hạng sản phẩm phải đảm bảo thực chất, tránh tính trạng chạy theo thành tích về số lượng sản phẩm đạt chuẩn. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với tất cả các sản phẩm được chứng nhận và gắn sao OCOP, để các sản phẩm OCOP khi đưa ra thị trường đều đảm bảo chất lượng theo quy định, tránh trường hợp đội lốt sản phẩm OCOP để người tiêu dùng mất lòng tin. Kiên quyết loại bỏ những sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP nhưng không thực hiện đúng quy định”.
Việc đánh giá, gắn sao OCOP cho sản phẩm mới chỉ là bước ban đầu. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, cần thiết phải quan tâm đến việc làm thế nào để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo chuổi liên kết bền vững cho các sản phẩm OCOP. Nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết với nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi không phải được gắn sao OCOP thì tất cả các sản phẩm đều có thể thâm nhập sâu vào thị trường. Hiện nay, nhiều sản phẩm đã được chứng nhận OCOP nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn chưa có sự tăng trưởng mạnh. Các chủ thể tham gia OCOP chủ yếu là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Bên cạnh những doanh nghiệp có khả năng kết nối thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm thì còn nhiều chủ thể vẫn đang loay hoay tìm kiếm thị trường, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Việc phát triển các điểm bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng là khâu quan trọng, tạo nên hệ thống phân phối hiệu quả, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hiện nay khi ngành du lịch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, nhu cầu của khách du lịch về những sản phẩm đặc sản vùng miền cũng rất lớn. Vì thế, có thể kết hợp với những điểm, tour du lịch để quảng bá thêm cho sản phẩm OCOP Quảng Trị. Ngoài ra cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản phẩm OCOP. Có như vậy, trong thời gian tới sản phẩm OCOP Quảng Trị mới có thể khẵng định được thương hiệu và trở thành thói quen tiêu dùng trong đời sống hàng ngày của người dân.