So với các HTX nông nghiệp khác, đến nay, hệ thống máy móc của HTX nông nghiệp Cam An, xã Thanh An, Cam Lộ đã được đầu tư tương đối đồng bộ, đầy đủ với hệ thống xay xát gạo khép kín, máy hút chân không, máy đóng bao bì và máy cưa gỗ rừng trồng FSC với tổng giá trị khoảng 80 triệu đồng. Anh Nguyễn Thế Hoài, Phó Giám đốc HTX, người trực tiếp tham gia mô hình sản xuất gạo sạch của HTX nông nghiệp Cam An cho biết: “Từ khi HTX được quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống xay xát gạo, hút chân không đóng gói bao bì thành phẩm đã giải quyết rất lớn vấn đề tiêu thụ lúa gạo cho thành viên HTX. Vụ vừa qua, HTX thí điểm 30 ha sản xuất gạo sạch, trong đó tôi có tham gia làm 4 ha. Sau khi thu mua lúa của thành viên HTX, chúng tôi tiến hành xay xát, đóng gói thành bao bì sản phẩm cung ứng cho thị trường, được người tiêu dùng rất ưa chuộng vì tiện lợi, chất lượng”.
HTX nông nghiệp Cam An có 560 hộ thành viên tham gia, diện tích gieo trồng lúa cả năm của HTX đạt hơn 670 ha, năng suất bình quân một năm thu được hơn 3.000 tấn lúa. Hằng năm, HTX tổ chức thu mua lúa khô cho thành viên HTX khoảng 50 - 80 tấn. Theo ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc HTX nông nghiệp Cam An, con số này vẫn còn hạn chế so với sản lượng lúa người dân làm ra. Tuy vậy, trong điều kiện kho bãi nhỏ hẹp, HTX đã cố gắng thu mua, xay xát, đóng gói bao bì sản phẩm để cung ứng cho thị trường với giá thu mua cho người dân cao hơn từ một đến hai giá so với việc người dân bán cho tư thương.
“Khó khăn nhất của các HTX là vốn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị. Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh nên đến nay, HTX cơ bản đã có đầy đủ các loại máy móc cần thiết phục vụ cho sản xuất. Gạo sạch do HTX nông nghiệp Cam An hoàn thiện quy trình sản xuất, đóng gói, hút chân không bảo quản cung ứng cho thị trường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, chúng tôi đang hoàn thiện nhãn hiệu để có thể nhân rộng mô hình sản xuất. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ đầu tư mua máy sấy để có thể tiến hành thu mua lúa tươi cho người dân, giải quyết tình trạng tư thương ép giá khi người dân bán lúa tươi tại ruộng”, ông Hoàng Văn Châu cho biết.
Không riêng gì HTX nông nghiệp Cam An, chính sách hỗ trợ nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản theo Quyết định 556 của UBND tỉnh đối với nhiều HTX đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị nông sản cho nông dân. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ cho 10 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điển hình như hỗ trợ cho HTX dịch vụ sản xuất cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây Bắc Hướng Hóa (HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa) giàn phơi tự nhiên và máy xay xát chế biến cà phê sạch theo hướng hữu cơ, HTX Cổ Mỹ (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh) máy nghiền bột mịn và xay đậu xanh tằm, HTX Tân Hợp (Hướng Hóa) máy chế biến sản phẩm gừng, nghệ, HTX Thành Công (Vĩnh Linh) hệ thống làm mát và máy phát điện phục vụ chăn nuôi lợn, HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong được hỗ trợ máy móc trong chế biến gạo sạch canh tác tự nhiên. Ngoài ra có HTX hồ tiêu Cùa được hỗ trợ hệ thống sấy tiêu, HTX Quang Hạ (Gio Linh) và HTX Cam An (Cam Lộ) được hỗ trợ máy móc trong chế biến gạo sạch, HTX Trường Sơn (Cam Lộ) được hỗ trợ máy chiết xuất tinh dầu để sản xuất dược liệu, HTX Đông Triều (Triệu Phong) được hỗ trợ hệ thống sấy lạnh trong chế biến sản phẩm ớt, HTX Kinh Môn (Gio Linh) được hỗ trợ máy móc trong chăm sóc và khai thác gỗ rừng trồng… Riêng năm 2019, tổng số vốn hỗ trợ là 500 triệu đồng, 10 HTX được hỗ trợ trong hai năm 2018 và 2019 là các HTX kiểu mới và có hai HTX thuộc miền núi của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông.
Ông Lê Đình Phức, Giám đốc HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa cho biết: “Trước đây khi HTX chưa có giàn phơi sấy và máy xay xát cà phê, chúng tôi chủ yếu thu mua cà phê tươi và nhập cho các thương lái, giá trị kinh tế không cao. Sau khi được đầu tư máy móc, HTX đã tham gia chế biến, đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn, giá trị sản xuất được nâng lên rõ rệt. Ví dụ như trước đây giá một cân cà phê tươi bán được 6.000 đồng thì nay nâng lên 8.000 đồng, quan trọng hơn là chúng tôi đã làm chủ được chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất, chế biến, tiếp thị cho đến thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Có thể thấy hầu hết các HTX được hỗ trợ mua sắm máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất đều phát huy hiệu quả tích cực, góp phần hoàn thiện được các khâu trong sơ chế, chế biến sản phẩm, đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng nhằm thúc đẩy HTX phát triển, tổ chức sản xuất theo hướng liên doanh liên kết, xây dựng vùng hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.