Nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Thứ tư - 13/05/2020 03:02
Năm 2020, tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ các tổ chức kinh tế và người dân tích cực tham gia chương trình, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh của địa phương trong sản xuất hàng hóa.
Các sản phẩm được Hội đồng thẩm định công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: TT
Các sản phẩm được Hội đồng thẩm định công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: TT

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, toàn tỉnh đã có 19 sản phẩm đã được đánh giá, gồm 2 sản phẩm đạt mức điểm 4 sao, 17 sản phẩm đạt mức điểm 3 sao. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, các chủ thể sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhận thấy được những lợi ích khi tham gia thực hiện chương trình OCOP nên tích cực phối hợp. Tuy vậy, OCOP là một chương trình mới đối với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, do đó trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, phổ biến chương trình đến người dân chưa được triển khai sâu rộng. Hầu hết các thành viên chuyên trách của Tổ giúp việc cấp tỉnh, huyện là cán bộ kiêm nhiệm phụ trách nhiều lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan phân công nên chưa tập trung nghiên cứu sâu để triển khai thực hiện chương trình. Mặt khác, mặc dù đã được tập huấn nghiệp vụ nhưng là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình nên một số nội dung chưa được hiểu rõ và đầy đủ. Thành viên Tổ giúp việc chưa có kinh nghiệm nên còn nhiều lúng túng trong quá trình hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, phát triển sản phẩm.
 
Về phía các chủ thể sản xuất chưa nắm bắt được chương trình nên trong quá trình hoàn tất các hồ sơ thủ tục còn nhiều thiếu sót. Qua thực tế triển khai cho thấy phần lớn có chú trọng đến chất lượng sản phẩm nhưng hình thức vẫn chưa được quan tâm như bao bì, nhãn mác, quy cách đóng gói…Vì vậy rất nhiều sản phẩm có chất lượng tốt và thị trường tiêu thụ khá phổ biến nhưng chưa thực sự làm nổi bật được sản phẩm, cần bổ sung nhiều tài liệu minh chứng kèm theo mới đảm bảo hồ sơ dự thi OCOP cấp tỉnh.
 
Năm 2020, tỉnh xác định tập trung phát triển, nâng cấp các sản phẩm OCOP đã được đánh giá. Đối với các địa phương trong chỉ đạo điểm chương trình OCOP tập trung phát triển sản phẩm để đạt hạng 4 sao, 5 sao. Xây dựng 2-3 dự án/huyện phát triển chuỗi giá trị gắn với chương trình OCOP để tạo mô hình điểm của tỉnh. Đồng thời thực hiện tốt công tác khảo sát, đánh giá thực trạng sản phẩm tham gia theo bộ tiêu chí để xây dựng kế hoạch đào tạo, tư vấn tại chỗ cho chủ thể hoàn thiện sản phẩm theo đúng quy định. Tổ chức đánh giá chuỗi giá trị các sản phẩm tiềm năng đạt từ 3 sao trở lên để phân tích rõ điều kiện, khả năng phát triển của sản phẩm, có các biện pháp hỗ trợ theo chuỗi, khâu sản xuất.
 
Để nâng cao hiệu quả triển khai chương trình OCOP trong thời gian tới, đồng thời chuẩn bị tốt cho công tác xây dựng chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông đến tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của chương trình OCOP. Các địa phương tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả công tác triển khai chương trình OCOP của địa phương, ban hành kế hoạch thực hiện năm 2020 đi vào thực chất, hiệu quả, tránh hình thức gây tốn kém về thời gian và kinh phí thực hiện. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, triển khai thực hiện chương trình. Xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực. Chú trọng phát huy được tính sáng tạo của các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư trong thực hiện chương trình. Tăng cường đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản Quảng Trị. Duy trì và nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, quản lý việc hoạt động của các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để đạt hiệu quả và phát triển bền vững, qua đó quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển làng nghề góp phần phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế của địa phương.
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết thêm: “Để sản phẩm OCOP đạt tiêu chí có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt như yêu cầu đặt ra của Bộ Nông nghiệp và PTNT đối với các địa phương, thời gian tới ngành chức năng sẽ tăng cường tập huấn, hỗ trợ triển khai, kiểm tra việc tuân thủ các cam kết về chất lượng của chủ thể kinh tế sau khi đã có sản phẩm đạt sao OCOP. Nâng cao vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP, đồng thời có kế hoạch cụ thể hỗ trợ các sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, cảnh quan, văn hoá và tính cộng đồng của địa phương. Rà soát và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo minh bạch và chất lượng, không chạy theo thành tích. Đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch cả năm về xúc tiến thương mại cho chương trình OCOP, thông báo cho cơ quan chuyên trách của chương trình là Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh để tổng hợp, lên phương án điều phối, quảng bá, tổ chức tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại”.
 
Về nguồn kinh phí thực hiện chương trình, ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp, các địa phương huy động thêm nguồn lực khác, kể cả nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị các huyện Gio Linh, Hướng Hóa và thành phố Đông Hà điều chỉnh kinh phí liên quan đến nội dung hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm sang các nội dung trọng tâm, trọng điểm như tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn thực hiện chương trình OCOP, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì của sản phẩm… Đối với việc in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên khuyến khích chủ thể tham gia tự thực hiện hoặc hỗ trợ với số lượng vừa phải. Sau khi sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ tem OCOP gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
 

 
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay2,385
  • Tháng hiện tại37,087
  • Tổng lượt truy cập9,586,672
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây