Ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cho biết: Xã có 2 làng nghề truyền thống làm bún là Thượng Trạch và Linh Chiểu với gần 100 hộ tham gia, bình quân mỗi ngày sản xuất trên 20 tấn. Trước đây, các hộ chủ yếu sản xuất thủ công nhưng nay phần lớn đã đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến quy trình vừa giảm bớt nhân công, vừa rút ngắn thời gian làm ra sản phẩm. Đặc biệt, nhờ có sự quan tâm của tỉnh và huyện, 2 làng nghề được xây dựng ở địa điểm mới, cách xa khu dân cư, có hệ thống xử lý nước thải đã giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Cùng với các làng nghề từng bước được khôi phục và phát triển, những năm gần đây, trên địa bàn nông thôn Quảng Trị ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư vốn, mở mang cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu mua, chế biến các loại nông lâm thủy sản, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bà Mai Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Dược liệu Định Sơn ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ cho hay: Nhận thấy trên địa bàn phong trào trồng các loại cây dược liệu phát triển mạnh, năm 2009, bà đã thành lập doanh nghiệp, mua mắm dây chuyền thiết bị, thu mua và chế biến sâu, sản xuất ra các loại cao. Qua hơn 10 năm hoạt động đã khẳng định chổ đứng trên thị trường nhờ sản phẩm có chất lượng tốt, được vinh danh và đạt Top 10 Thương hiệu tin cậy, sản phẩm chất lượng cấp Quốc gia năm 2017, liên tục trong 3 năm từ năm 2016 đến 2018 vinh dự được UBND tỉnh Quảng Trị cấp Bằng chứng nhận “sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, năm 2019 Cao chè vằng được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh phân hạng 3 sao.
Còn chị Hoàng Thị Nghi, Tổ trưởng Tổ thu mua chế biến hải sản ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh phấn khởi nói với chúng tôi rằng: Được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ huyện Gio Linh và của chính quyền địa phương, tháng 8 năm 2018, Tổ hợp tác thu mua chế biến hải sản ở xã Gio Hải được thành lập, thu hút 28 chị em tham gia. Ban đầu mỗi thành viên đóng góp 14 triệu động cộng với 360 triệu đồng của huyện cho mượn không lấy lãi trong 3 năm, ngoài việc xây dựng kho chứa hàng hóa, Tổ đã mua sắm ô tô để vận chuyển, các dụng cụ đựng cá, thiết bị hấp sấy cá. Đồng thời xây dựng quy chế hoạt động, mọi thành viên đều có ý thức trong việc thu mua, sơ chế, đảm bảo các loại hải sản có chất lượng tươi sống, không có chất bảo quản. Do vậy, sản phẩm của Tổ đủ điều kiện xuất đi các tỉnh trong nước và sang thị trường Trung quốc. Từ đó đến nay, đời sống của các thành viên luôn ổn định, bình quân 1 tháng thu nhập 7 đến 8 triệu đồng.
Còn ông Lê Bá Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần May Quảng Trị cho hay: Nhận thấy ở khu vực nông thôn có lực lượng lao động dồi dào và thời gian nông nhàn rất lớn, trong những năm qua, đơn vị đã về nhiều nơi trong tỉnh, cùng với địa phương tổ chức khảo sát thực tế và đã chọn lựa một số điểm ở huyện Triệu Phong, xây dựng 3 xưởng may, thu hút hàng trăm lao động. Việc làm này được chính quyền địa phương rất ủng hộ và người dân rất phấn khởi vì có thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Có thể nói, mấy năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn. Cùng với đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ở các cụm công nghiệp, làng nghề để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, ưu tiên tạo quỹ đất, vay vốn ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp hướng về nông thôn cũng như tạo điều kiện cho người dân xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến gắn với nguyên liệu tại chỗ như cà phê, cao su, hồ tiêu, tinh bột sắn, tinh bột nghệ, tinh dầu và các loại cao dược liệu, may mặc, cơ khí, gò hàn, chế biến gỗ, mộc mỹ nghệ, chế biến nước mắm. Đặc biệt, mặc dù nguồn ngân sách còn hạn chế nhưng bình quân mỗi năm tỉnh Quảng Trị dành 2 tỷ cho vốn khuyến công. Đồng thời, tranh thủ thêm nguồn từ Trung ương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp của tỉnh cùng với các địa phương đã tổ chức các hoạt động, hỗ trợ cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đầu tư mua mắm máy móc, thiết bị, đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Cùng với đó, mở các lớp đào tạo khởi sự doanh nghiệp, đào tạo nghề, truyền nghề, hỗ trợ đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, hỗ trợ tham gia tham gia hội chợ, triển lãm. Chính nhờ vậy, toàn tỉnh hiện có 7.770 cơ sở sản xuất hoạt động tại 15 cụm, 3 điểm công nghiệp và ở khu vực nông thôn, có sự đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho gần 21 nghìn lao động, có 15 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Nhờ chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm và từng bước chuyển lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thu nhập thấp sang lĩnh vực công nghiệp có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, hiện tại các cơ sở sản xuất còn nhỏ bé, manh mún, chưa hình thành được ngành nghề và sản phẩm chủ lực của địa phương. Do đó, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho tỉnh và chủ động tìm kiếm nguồn lực, tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng ở các cụm, điểm công nghiệp. Đồng thời, tổ chức, rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản trị điều hành, kiến thức cơ bản về kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, hỗ trợ đào tạo và nâng cao tay nghề cho công nhân và người lao động, hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Tiếp tục củng cố, khôi phục và phát triển các ngành nghề và làng nghề truyền thống, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và thực hiện dịch vụ tư vấn về khoa học, công nghệ để hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn. Mặt khác, khuyến khích thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, tạo điều kiện về mặt bằng, vay vốn tín dụng, tiếp cận với các chính sách ưu đãi của tỉnh để tập trung vào các lĩnh vực đầu tư chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị hàng hóa cũng như hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ và kiểu dáng công nghiệp để xây dựng thương hiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu để đưa sản phẩm đến với thị trường.