Toàn huyện Hướng Hóa có hơn 5.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Ba Tầng, Tân Liên và thị trấn Khe Sanh. Những năm trở lại đây, nhiều diện tích cà phê trên địa bàn huyện bị già cỗi, cùng với đất bạc màu nên cho năng suất thấp. Nhằm tái canh, duy trì, phát triển và xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh, huyện đã tập trung xây dựng và triển khai đề án “Tái canh cây cà phê”. Với sự hỗ trợ về cây giống, phân bón cũng như kiến thức khoa học kỹ thuật, người dân các vùng cà phê trọng điểm của huyện đã được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục tái canh. Hướng Phùng là “vựa cà phê” của Hướng Hóa. Toàn xã hiện có gần 17.000 ha cà phê, trong đó hơn 1.500 ha cho thu hoạch.
Nhằm tiếp tục mở rộng diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng, xã Hướng Phùng đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc tái canh cây cà phê. Được sự hỗ trợ của huyện thông qua đề án “Tái canh cây cà phê” từ năm 2016, với hình thức nhà nước và Nhân dân cùng làm, trong đó nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, đến nay xã đã thực hiện tái canh gần 200 ha cà phê, dự kiến tiếp tục tái canh 15 - 20 ha trong năm 2020. Ông Phan Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết: “Việc thực hiện tái canh cà phê ở Hướng Phùng thời gian qua cho kết quả tốt. Đây là cơ sở để người dân tin tưởng, yên tâm tiếp tục đầu tư phát triển diện tích cà phê. Hy vọng đề án “Tái canh cây cà phê” của huyện sẽ giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần cùng toàn xã xây dựng nông thôn mới”.
Ngoài xã Hướng Phùng, đề án tái canh cây cà phê còn được triển khai tại các xã Húc, Hướng Tân, Ba Tầng, thị trấn Khe Sanh. Tổng số phân hữu cơ vi sinh đã cấp tái canh gần 110 tấn. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu tái canh cây cà phê, từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, huyện Hướng Hóa đã lắp đặt vườn ươm cây giống công nghệ cao với kinh phí gần 800 triệu đồng ngay tại địa bàn, nhằm chủ động nguồn cây giống đạt chất lượng phục vụ chương trình tái canh cây cà phê năm 2020 và các năm tiếp theo của địa phương.
Đề án chuyển đổi trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây cao su cũng đang được Hướng Hóa triển khai có hiệu quả. Hiện nay, đề án này đang được thực hiện tại các xã Xy, A Dơi, Lìa với diện tích hỗ trợ gần 14 ha, gần 50 hộ được hưởng lợi. Cách thức là nhà nước hỗ trợ 40% kinh phí về cây giống và tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật. Tại xã A Dơi, từ năm 2018, thực hiện đề án chuyển đổi cây sắn kém hiệu quả sang trồng cao su, địa phương này đã chuyển đổi được 15 ha, năm 2019 chuyển đổi thêm 28 ha. Ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết: “Thực hiện đề án chuyển đổi cây sắn kém hiệu quả sang trồng cao su, hiện nay toàn bộ diện tích cao su ở A Dơi đều phát triển tốt, một số diện tích đã cho thu hoạch. Đây là mô hình hứa hẹn đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Dự kiến năm 2020 xã A Dơi tiếp tục chuyển đổi thêm 20 ha sắn kém hiệu quả sang trồng cao su. Việc chuyển đổi cây trồng là một trong những cơ sở giúp xã A Dơi hoàn thiện các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới trong tương lai gần”.
Các đề án liên doanh liên kết với các doanh nghiệp cũng đã được huyện Hướng Hóa chú trọng triển khai. Qua đó, bao tiêu được sản phẩm làm ra của nông dân, tiêu biểu như dự án liên kết với Công ty Nafood Tây Bắc thực hiện trồng 12 ha chanh leo tại các xã Tân Liên, Hướng Tân, Hướng Phùng trong đó nhà nước hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, vật tư khác, doanh nghiệp cung cấp cây giống đảm bảo, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Thông qua dự án phát triển sinh kế, 26 nhóm hộ sản xuất tại các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Phùng, Tân Hợp cũng đã được bao tiêu sản phẩm cà phê và gừng. Bên cạnh các đề án về trồng trọt thì các đề án hỗ trợ về chăn nuôi cũng được huyện triển khai có hiệu quả, trong đó mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản từ chương trình hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi có thể cạnh tranh trên địa bàn, từng bước đem lại hiệu quả. Các dự án giúp người dân thay đổi phong tục chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt, kết hợp với trồng cỏ và làm chuồng trại, góp phần giúp công tác quản lý dịch bệnh tốt hơn.
Có thể nói, thông qua nhiều kênh, Hướng Hóa đã và đang triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, hiệu quả bước đầu rất khả quan. Riêng trong 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, huyện đã hỗ trợ 2.342 triệu đồng phục vụ các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ nguồn vốn của các chương trình, toàn huyện đã tái canh được 385 ha cà phê, trồng mới 86,5 ha cao su, chuyển đổi 65 ha đất trồng lúa thiếu nước sang trồng ngô; xây dựng 1 vườn ươm giống cây cà phê công nghệ cao có diện tích gần 1.000 m2 và 1 ha cây dược liệu; hỗ trợ 42 con bò nái hậu bị, 35 con trâu, bò đực giống; trồng 6 ha cỏ chăn nuôi bò, xây dựng 50 chuồng trại gia súc hợp vệ sinh, xây dựng 6 hầm biogas composit phục vụ chăn nuôi…
Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành liên quan tập trung các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ưu tiên các xã vùng khó, đặc biệt là xây dựng tiêu chí khó về thu nhập cho người dân, dần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Hướng Hóa”.